Lốp xe máy và những điều cần biết
Việc quan tâm và có những hiểu biết nhất định về lốp xe máy sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông.
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại lốp dành cho xe máy, bao gồm lốp có săm thông thường và lốp không săm. Đối với những dòng xe máy phổ thông giá rẻ, nhà sản xuất thường dùng loại lốp có săm do ưu thế về giá thành và dễ dàng bơm vá khi xảy ra sự cố.
Trong khi đó, lốp không săm hầu hết được trang bị cho các dòng xe tay ga đắt tiền vì nó an toàn khi sử dụng và không bị xì hơi ngay cả khi cán đinh. Tuy nhiên, lốp không săm lại có giá thành cao hơn nhiều so với lốp có săm và đòi hỏi những cửa hàng có máy ép chuyên dụng nếu cần vá.
Người lái xe có thể chuyển sang dùng lốp không săm với chi phí khá cao. Cụ thể, giá thành cho việc thay thế bộ vành cũng như lốp không săm lần lượt rơi vào khoảng 2.500.000 và 600.000 VNĐ. Đối với từng loại lốp, người lái cũng cần phải có những hiểu biết nhất định để có thể đảm bảo sự an toàn khi vận hành xe, kéo dài tuổi thọ của lốp và tránh các sự cố đối với lốp.
Theo chia sẻ của anh Thắng, kỹ thuật viên tại cửa hàng Nhật-Ý Motor (1B Trần Quý Cáp, Hà Nội), lốp xe cần được bơm đủ hơi theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất với từng loại xe. Tại Việt Nam, các dòng xe máy phổ thông thường có tiêu chuẩn về trọng lượng hơi của lốp xe vào khoảng 2,8 kg. Do đó, khi bơm lốp, bạn cần chú ý đảm bảo trọng lượng hơi của lốp để giúp xe có thể hoạt động tối đa hiệu suất, an toàn và tiết kiệm xăng hơn.
Không nên đi xe với lốp quá non vì điều này sẽ khiến người điều khiển khó kiểm soát tay lái và giảm tốc độ của xe cũng như tuổi thọ của lốp. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bơm lốp quá căng vì sẽ làm lốp bị cứng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giảm xóc của xe và gây khó chịu cho người ngồi khi đi trên đường xóc.
Tuy nhiên, vào những ngày thời tiết nắng nóng, người điểu khiền xe có thể bơm lốp thiếu cân một chút. Điều này nghe có vẻ ngược lại so với chia sẻ của anh Thắng, nhưng lại có tác dụng khá tốt.
< Hoa văn trên lốp phụ thuộc vào loại xe.
Khi xe lưu thông trên đường, nhiệt độ môi trường và nhiệt độ từ mặt đường sẽ làm nóng lốp, dẫn đến không khí bên trong lốp nở ra đồng thời tăng áp suất lên bề mặt bên trong của lốp. Nếu lốp bị bơm quá căng, áp suất trong lốp có thể vượt qua mức giới hạn và gây nổ lốp, từ đó ảnh hưởng đến sự an toàn của người ngồi trên xe.
Anh Thắng cho biết, hoa văn trên lốp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính năng vận hành của xe. Đối với những dòng xe thể thao hoặc xe địa hình, lốp thường có nhiều hoa văn đi kèm đường khắc sâu. Mục đích là để đảm bảo khả năng ma sát và tính bám đường cho xe khi lưu thông trên những cung đường xấu. Ngược lại, đối với dòng xe dùng để đi trong thành phố, hoa văn thường nông hơn.
< Nhược điểm của lốp có săm là sẽ bị xì hơi ngay khi cán đinh.
Một điểm khác biệt khá lớn giữa lốp không săm và lốp có săm chính là khả năng giữ hơi khi bị thủng do cán đinh.
Nếu như lốp có săm ngay lập tức xì hơi khi bị thủng thì lốp không săm sẽ giữ chiếc đinh hoặc dị vật trong lớp cao su rồi xì hơi một cách từ từ. Nhờ đó, người lái sẽ vẫn có đủ thời gian để tìm đến nơi vá lốp.
< Bộ vá lốp không săm mini có giá khá rẻ, chỉ khoảng 50.000 VNĐ.
Bên cạnh giá thành cao, lốp không săm còn có một yếu điểm khác, đó là đòi hỏi máy móc chuyên dụng để vá. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lái xe khi đi xa vì không phải cửa hàng nào cũng có đầy đủ thiết bị để vá.
Tính trước được điều này, các nhà sản xuất xe máy đã cung cấp bộ vá lốp không săm mini để người lái xe có thể sử dụng ngay khi phát hiện lốp bị cán đinh.
Dưới đây là quy trình sử dụng bộ vá lốp không săm mini:
< Sau khi dùng kìm nhổ dị vật khỏi lốp, bạn dùng dùi để đục to vết thủng trên lốp.
< Sau đó cắt một đoạn dây keo trong túi nilon và xỏ vào dùi lỗ.
< Ấn mạnh dùi lỗ cùng keo vào vết thủng trên vỏ lốp xe.
< Sau đó từ từ kéo dùi lỗ ra.
< Dây keo sẽ được giữ lại trên lốp và trám kín vết thủng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp vá tạm thời. Bạn nên vá bên trong lốp không săm ngay khi tìm được cửa hàng sửa xe có máy chuyên dụng.
< Vết vá trong có chất lượng tốt hơn dành cho lốp không săm.
-------
Ích lợi của lốp không săm (Bài dành cho xe hơi)
Hiện tại tất cả các loại xe con trên thị trường đều đã sử dụng lốp không săm. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết những tiện lợi mà lốp không săm có thể mang lại.
< Mặt cắt thiết diện của lốp có săm (trái), lốp không săm (phải).
Lốp không săm được phát minh từ năm 1903 nhưng mãi đến năm 1954, nhà sản xuất xe hơi Mỹ Packard (đã ngừng sản xuất từ 1958) mới đưa được vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, lốp không săm cũng chỉ mới du nhập vào Việt Nam khoảng năm 13 năm trước đây theo một số xe Camry nhập Mỹ và một vài mác xe "tư bản" khác.
Lốp không săm chỉ bắt đầu phổ biến rộng rãi tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cho đến nay ngoại trừ các xe trọng tải lớn, gần như không còn chiếc xe nào trong dòng xe hạng nhỏ sử dụng lốp có săm. Cùng AutoPro phân tích tại sao lốp không săm lại được "chuộng" như vậy.
Cấu tạo
Đối với lốp có săm trong điều kiện hoạt động ở cường độ cao, độ ma sát của lốp với đường tăng cao sinh nhiệt năng lớn. Lý do chủ yếu vì bề mặt mặt ngoài của săm tiếp xúc với bề mặt trong của lốp sẽ tạo ma sát khi xe chuyển động và sinh nhiệt. Chính vì thế nhiệt độ sẽ tăng lên cho cả lốp và săm trong điều kiện hoạt động nặng tải và thời gian dài.
Nhiệt độ cao là nguyên nhân gây lão hóa, giảm tuổi thọ của lốp có săm. Trong khi đó, lốp không săm được cấu tạo dầy hơn nhưng chỉ là một lớp lốp nên loại bỏ được yếu tố ma sát sinh nhiệt do có săm. Hơn nữa, phía mặt trong của lốp không săm được phủ một lớp chịu nhiệt và chống thẩm thấu không khí điều đó khiến cho lốp không săm thất thoát hơi chậm hơn.
Trong các trường hợp xe vận hành với tốc độ cao hoặc khi xe nghiêng vào cua, kết cấu má lốp của lốp không săm do được thiết kế để tránh biến dạng nhiều sẽ giúp xe hoạt động êm ái và ổn định hơn.
Ngoài ra, lốp có săm do ma sát sinh ra giữa lốp và săm nên làm tổn hao năng lượng nhiều hơn dẫn đến việc xe sẽ tốn nhiên liệu hơn. Các nghiên cứu của các hãng lốp hàng đầu như Dunlop, Michelin còn chỉ ra rằng lốp không săm có khả năng tiết kiệm nhiên liệu do có chỉ số lực cản lăn và độ rung nhỏ hơn rất nhiều so với lốp có săm - do cân bằng động của lốp có săm kém vì kết cấu phức tạp trong khi lốp không săm là một khối thống nhất, chế tạo dễ đạt tính chính xác hơn.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với anh Dũng, Giám đốc đại lý Michelin Ngọc Khánh. Anh Dũng cho biết:
“Độ chênh lệch số vòng quay trên cùng một quãng đường cố định của lốp có săm và không có săm gọi là độ ba-ti-lê. Ví dụ: Để đi hết một quãng đường lốp phải quay hết 100 vòng trên lý thuyết mới hoàn thành. Nhưng thực tế lốp có săm quay chỉ được có 95 vòng nhưng đồng hồ công-tơ-mét vẫn báo là xe đã hoàn thành đúng đoạn đường có khoảng cách đó. Nhưng với lốp không săm, số vòng quay sẽ cao hơn vào khoảng 98, 99 vòng. Như vậy trong cùng một lượng nhiên liệu bỏ ra lốp không săm đạt hiệu quả cao hơn. Cá biệt trong một số cuộc thử nghiệm gần đây trên xe tải, xe buýt cho thấy: Lốp bố thép không săm tiết kiệm nhiên liệu cho xe tải đến 12,73%, xe buýt là 16,96% so với lốp có săm”.
Anh Dũng cho biết thêm: “Lốp có săm có 2 ưu điểm hiện tại ở Việt Nam là: Thứ nhất là khả năng chở nặng. Hầu hết các xe trọng tải lớn ở Việt Nam hiện tại vẫn đang dùng lốp có săm. Các quy định ở Việt Nam về việc chở quá tải còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng hầu hết các xe trọng tải lớn đều chở quá quy định. Dẫn đến lốp có săm là sự lựa chọn hoàn hảo cho việc này. Một chiếc lốp có săm có thể chở quá trọng lượng cho phép đến 4, 5 lần. Ngoài ra, thêm 1 lý do nữa là rẻ tiền hơn”.
An toàn
Các trường hợp rủi ro nhất đối với lốp chủ yếu là do dính đinh và các vật nhọn.
Đối với lốp có săm sau khi dính đinh thường hết hơi rất nhanh; ở các trường hợp xe chạy tốc độ cao nếu lốp thủng sẽ đặc biệt nguy hiểm do vết đinh bị ngoáy rộng vì sự xê dịch giữa lốp và săm khiến lốp hết hơi nhanh chóng.
Ngược lại, với lốp không săm, đinh luôn được găm luôn ở lốp và gây thất thoát hơi rất ít khiến cho quá trình xuống hơi rất chậm đủ khoảng thơi gian an toàn để lái xe có thể làm chủ tình huống. Trong hầu hết trường hợp, lái xe còn có thể đi chiếc lốp đã dính đinh đến nơi vá lốp.
Lưu ý: Khi phát hiện lốp xe không săm bị dính đinh, đừng rút đinh; cứ để nguyên và đi bình thường đến nơi gần nhất có thể vá lốp. Lốp không săm có thể vận hành với áp suất hơi thấp hơn rất nhiều so với loại có săm và sẽ không xảy ra tình trạng vò lốp như ở lốp có săm.
Vỏ không ruột lắp vào vành nan hoa (bánh căm)
< Chuẩn bị lốp xe không ruột chống đinh cho chuyến đi:
Mua cặp vỏ gai mới 250k, 2 chai keo 84k. Trước tiên là phải lót tim, tim cắt từ ruột xe cũ, giữ lại luôn đầu van.
Như bạn thấy: vỏ không ruột khá tiện lợi lại an toàn hơn nhưng điều kiện bắt buộc khi sử dụng là vành (niềng) của xe bạn phải là loại đúc - loại vành bánh căm trước kia thì không thể giữ hơi lại do những lỗ căm.
Vậy nhưng nhiều nhóm phượt đã tạo ra cách sử dụng vỏ không ruột vào niềng bánh căm. Bạn xem những hình ảnh và ghi chú sau:
< Sau khi tra vỏ vào niềng rồi thì cho nhùi vô. "Nhùi" là ruột xe cắt hay bào nhuyển.
< Đổ keo tự vá vô, lắp kín vỏ vào niềng - cẩn thận tránh làm xây xát phần ta lông.
< Bơm chút hơi cho vỏ căng rồi quay bánh nhiều vòng để keo thấm đều. Sau đó bơm cứng.
Bây giờ thì nếu có cán đinh nhỏ, bánh không xẹp vì keo sẽ trào ra lỗ đinh và tự vá .
Phương cách sáng chế này có người khen, người nghi ngờ tính hiệu quả. Phần này chỉ để các bạn tham khảo chứ mình không khuyên áp dụng.
Xem thêm
Lốp không săm là công nghệ mới được chế tạo với độ chính xác cao. Mép ghép cực kỳ căng và chính xác của vành với lốp sẽ rất dễ bị sai, hỏng khi tháo lắp thủ công. Do vậy, việc vá những vết thủng trên bánh xe cũng thay đổi theo cách mới.
Phương pháp vá dùi bài viết đã đề cập ở phần trên, các hiệu sửa xe thường thu của khách khoảng 10.000 đồng một nốt vá dùi, còn giá của một bộ dụng cụ dùng cho lái xe tự vá chừng 50 đến 70.000 đồng. Có thể áp dụng phương pháp này để vá lốp không săm ngay ở trên xe.
Một cách khác là bơm keo chống thủng lốp, áp dụng với loại không săm hoặc bộ săm lốp mới thông thường. Đây là dạng crếp ngâm trong dung môi dễ bay hơi, ở trong lòng lốp xe kín chất này có dạng lỏng và liên tục bị văng bám vào thành lốp bởi lực ly tâm khi bánh xe quay. Khi xuất hiện lỗ thủng trên mặt lốp, keo theo đó tràn ra ngoài và lập tức bay hơi rồi đặc quánh lại vá kín lỗ thoát khí. Ngoài tác dụng vá lỗ thủng, keo còn điền đầy các mép tiếp xúc giữa vành và lốp, giữ kín hơi và bảo vệ lốp lâu dài.
Một lọ keo 200 ml đủ cho một lốp xe máy có săm, loại không săm thì cần bơm 2 lọ. Riêng lốp xe du lịch dùng hết 3 lọ loại này. Keo được bơm trực tiếp vào lốp bằng cách tháo ty van hơi ra và bơm keo vào trong. Sau đó, lắp lõi ty trở lại và quay đều lốp vài vòng, nếu là bánh chủ động thì nổ máy gài số cho bánh xe quay, láng đều keo trong lòng lốp. Dân thợ chuyên vá lốp không săm thường khuyên khách hàng dùng hàng nội vì chúng có chất lượng đảm bảo và giá rẻ.
Một lọ Seastar giá khoảng 15.000 đồng, được bán tại những cửa hàng chuyên về lốp không săm, giá dịch vụ bơm keo một lốp là 2.000 với xe máy và 5.000 đồng với ôtô. Các nhà sản xuất keo thường quảng cáo tác dụng của chúng kéo dài đến hết tuổi thọ lốp xe. Nhưng giới thợ khuyên cánh lái xe nên đổ keo mới sau mỗi 4 tháng hoặc 10.000 km, vì thực tế keo sẽ bị khô hoặc lão hóa trong thời hạn này.
Trên thị trường hiện có cả keo chống thủng lốp của Trung Quốc với giá bán rẻ hơn hàng nội nhưng hầu như không có tác dụng. Còn loại của Thái có dung tích 400 ml, đủ cho 1 lốp xe máy không săm, giá bán khoảng 80.000 đồng. Hầu hết các doanh nghiệp cao su trong nước đều sản xuất sản phẩm này với chất lượng khá đảm bảo, giá bán khoảng 12.000-15.000 đồng/ 200 ml, tại các đại lý hoặc cửa hàng giới thiệu sản phẩm của họ.
Theo AutoPro, VnExpress... và nhiều nguồn khác.
0 nhận xét: