Tìm hiểu về Thăng Long tứ trấn
"Thăng Long tứ trấn" thuộc trường hợp sau, nhờ đó chúng ta biết quy mô và quy hoạch của kinh thành xưa, biết định hướng phát triển văn hoá Đại Việt và tình cảm của người dân kinh kỳ đối với những di tích này.
Các tư liệu lịch sử và khảo cổ đã xác định kinh thành Thăng Long từ thời Lý là một thành thị lớn của thời trung đại, giới hạn vòng ngoài là đường đê bao quanh: ở phía đông là đê sông Hồng chạy qua Yên Phụ vào đường Hoàng Hoa Thám ở phía bắc, đến chợ Bưởi rẽ theo đường Bưởi ở phía tây, tới Ô Cầu Giấy thì tách đôi...
..., vòng trong bắt vào đường Giảng Võ nối với đường La Thành đến Ô Chợ Dừa thì lên đường đê Kim Liên ở phía nam chạy sang đường Đại Cồ Việt, rồi đường Trần Khát Chân ra đê sông Hồng ở Ô Đống Mác (còn phía ngoài thì từ Ô Cầu Giấy qua đường Láng đến Ngã Tư Sở nối đường Trường Chinh rồi đường Nguyễn Thị Minh Khai ra đê sông Hồng ở bến Phà Đen).
Trên đường bao ấy được người xưa đắp cao làm phòng thành cản giặc và cũng là đường đê chống lũ lụt, ở mỗi phía được xây một ngôi đền thờ vị thần bảo vệ từng mặt cho kinh thành: phía đông có đền Bạch Mã, phía bắc có đền Quán Thánh, phía tây có đền Voi Phục và phía nam có đền Kim Liên. Các vị thần này trấn giữ xung quanh kinh thành Thăng Long, do đó đền thờ các vị được gọi là "Thăng Long tứ trấn". Những di tích này trải qua bể dâu biến đổi, không còn dấu tích gì của ngày khởi dựng.
Thư tịch và truyền thuyết luôn khẳng định không có sự chuyển dịch qua thời gian mà chỉ có sự bổ sung, làm mới ở các thế kỷ sau. Người xưa coi đấy là những mảnh đất thiêng, nơi hội tụ linh khí để đảm bảo cho kinh thành luôn ở thế rồng bay lên ( Thăng Long thời Lý- Trần- Lê), hay ít ra cũng là sự thịnh vượng (Thăng Long thời Nguyễn), để ngày nay Hà Nội được thế giới công nhận là Thành phố vì hoà bình. Niềm tin của nhân dân từ bao đời nay, gia đình cũng như cả cộng đồng đã có các thần linh bảo vệ thì mọi thế lực tà ma quỷ quái sẽ không quấy đảo được nữa, do đó, mọi người mới an cư lạc nghiệp.
Từ niềm tin thuần phác ấy, trừ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhân dân thủ đô luôn chăm sóc cho tứ trấn khang trang, hương khói đề huề. Và ngày nay trong chương trình tiến tới kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã có kế hoạch tu sửa và nâng cấp các di tích này.
Kinh thành trước hết là trung tâm chính trị, vua và triều đình bàn bạc các việc quốc gia đại sự trong chính điện, từ đây chỉ đạo các công việc của cả nước. Ngồi chủ trì các sinh hoạt chính trị, vua được coi là "thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ văn", luôn ngoảnh nhìn về phương nam nghe các quan tâu bày. Vì thế chính điện cũng như toàn kinh thành luôn lấy phía nam làm mặt tiền, là diện mạo của kiến trúc cung đình. Như thế, với Thăng Long tứ trấn thì đền Kim Liên được coi trọng hàng đầu, nhưng do đền không gần cửa ô - cửa ngõ thủ đô, ngay cả khi Hà Nội được cuốn vào quy hoạch thành phố thuộc địa, nó vẫn thuộc một làng còn đậm chất quê, thậm chí ngày nay làng quê đã đô thị hoá thì lối đi qua cửa đền vẫn là một đường giao thông rất phụ, do đó dường như đền bị lãng quên.
Đền xưa bị phá từ lâu, chỉ còn là ngôi miếu nhỏ mang tính chất một nhà bia, lại ở kề sát sườn đình nên đình kinh gắn liền với đình làng và trong tâm thức người dân địa phương đã trở thành đình làng Kim Liên, từ cấp quốc gia xuống cấp thôn/phường! Một số sách báo về di tích này cũng giản đơn hoá nó theo xu hướng trên. Giờ đây Hà Nội nâng cấp di tích, cần nâng tầm cho nó về đúng vị thế ban đầu là đền thần trong hệ thống tứ trấn của kinh thành.
TRẤN NAM - ĐỀN KIM LIÊN
Đền Kim Liên thuộc làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, ở phía nam thành phố. Đền xưa đã bị phá nhưng hiện vật quan trọng là tấm bia cao hơn 2m5 thuộc loại bia lớn nhất ở Hà Nội, khắc bài văn Cao Sơn Đại Vương Thần từ bi minh tính tự (bài minh và bài văn bia đền thần Cao Sơn đại vương) soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 tức năm 1510, vẫn còn rất tốt, được bảo quản trong một ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa cổ thụ, luôn gợi ra một cảnh quan thâm nghiêm trang trọng.
Đền được dựng ở bên trái của đình làng Kim Liên, ở trên một gò đất cao, từ sân lên nghi môn phải qua 9 bậc xây bằng gạch vồ cổ. Chín bậc như ở hệ thống cửa điện Kính Thiên trong thành Hà Nội, gợi nơi ngự của thần được xếp ngang cấp với vua ở chốn cửu trùng, phía trước là sân rộng qua cổng với hai cột đồng trụ cao vút vuông thành sắc cạnh nhìn ra chỗ nở của một lạch nước là nơi tụ thuỷ - tụ phúc. Đình đã được dân làng sửa sang, có đại bái dàn ngang và hậu cung chạy dọc, hai bên sân còn có giải vũ, cùng với cây cao bóng cả là bộ mặt văn hoá làng xưa.
Trong đình còn giữ được tới 39 đạo sắc phong của các thời Lê và Nguyễn cho Cao Sơn đại vương, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của triều đình phong kiến xưa. Văn bia cho biết Cao Sơn đại vương là một trong số trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã từng giúp Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh, đầu thế kỷ XVI lại giúp vua Lê dẹp loạn giữ yên ngai vàng. Thực chất huyền thoại trên là lớp văn hoá muộn phủ lên tín ngưỡng gốc của nhân dân về việc thờ thần Núi rất phổ biến ở miền trung du thuộc xứ Đoài, nơi có núi chủ Tản Viên Ba Vì, được khái quát là Cao Sơn đại vương hay Tản Viên sơn thánh.
Thờ thần Núi vốn gốc vùng đất tổ, gắn với buổi bình minh của dân tộc, khi đất nước thực sự phát triển trong kỷ nguyên độc lập thì Thần được rước về kinh thành, lại trấn phía nam là vùng đất trũng hướng về đồng bằng đang được khai thác và mở rộng. Có thể xem thần Núi là thiếu dương nằm trong miền đất thái âm rộng lớn.
Tấm bia quý trên có trang trí các hình rồng, mây, hoa, lá, sóng nước phù hợp với thời điểm soạn văn năm 1510, có nghĩa nó đã được tạc và dựng ở đầu thế kỷ XVI, nhưng mặt sau bia vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 tức 1772 được khắc thêm một thông tin: nguyên bia này lập tại Phụng Hoá, nó trôi nổi về bến sông Bồ Đề. Năm Hoằng Định (đầu thế kỷ XVII) bản phường vớt lên đem về đặt ở đất chùa, do có nhiều điều thiêng liêng huyền bí, nhân dân lại làm lễ rước sang bên trái đình để tỏ sự tôn kính. Tấm bia rất nặng, tất nhiên không thể trôi nổi trên sông nước, nhưng đó là con đường di chuyển của vị thần Núi biểu hiện sự hội nhập âm dương, tạo nên sự linh thiêng, gắn với cả cảnh Phật và đất Vua, được thời gian kiểm chứng và khẳng định.
TRẤN TÂY- ĐỀN VOI PHỤC
Đền Voi Phục dựng trên đất làng Thủ Lệ, phường Cầu Giấy, ở phía tây thủ đô, thuộc quận Ba Đình, trên gò đất thấp nhìn xuống hồ rộng. Nơi đây nay là Vườn bách thú của thủ đô, song vốn trước đó đã là vườn hoa tự nhiên có cây cối um tùm cùng soi bóng mặt hồ. Chính cảnh vật hoang sơ ấy lại như hội tụ linh khí đất trời, tạo nên một vẻ huyền bí ở ngay nơi thắng cảnh. Vùng đất phía tây thủ đô vốn là vùng nhiều gò đồi mà nay còn để lại cái tên: Núi Trúc, Núi Bò, Núi Voi... đan xen có nhiều hồ, lạch nước, tạo sự hoà nhập cao, thấp để những vườn hoa và rau xanh như tạo cảnh thần tiên. Các vua nhà Lý thường tổ chức lễ hội Nam Sơn vạn thọ mừng sinh nhật mình ở vùng đất này.
Đền xưa vốn dựng từ thời Lý, các thời sau đều được tu sửa. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Hà Nội vào các năm 1873 và 1883, chúng hạ thành không khó, nhưng sau đó đều bị quân và dân Hà thành dụ về quanh khu đền Voi Phục căng ra đánh, giết chết chủ tướng giặc là Garnier (1873) và Rivière (1882). Sau đó chúng trả thù, đốt phá cả vùng, làm ảnh hưởng nhiều đến di tích. Rồi năm 1947, thực dân Pháp sau khi tái chiếm Hà Nội, đã mở rộng ra vùng ngoại vi, đánh lên Sơn Tây, nhân đó đốt trụi đền Voi Phục. Năm 1953 dân làng Thủ Lệ dựng lại đền, sau ngày thủ đô giải phóng đền còn được tu sửa nhiều lần, nhất là từ ngày đất nước đổi mới.
Tuy nhiên cho tới nay, đền Voi Phục có quy mô khiêm tốn, các nếp nhà còn đơn sơ và nhỏ nhoi, nhưng cái đẹp của nó là sự gọn gàng, bình dị dưới những tán cây cổ thụ, toàn công trình do con người tạo dựng cứ gắn bó hữu cơ với ngoại cảnh để trải ra như vô tận. Trong xu hướng đô thị hoá, ở vòng ngoài công viên Thủ Lệ các nhà cao tầng mọc lên đủ kiểu, cuộc sống thật ồn ã, nhịp thời gian thật sôi động; nhưng trong công viên thì đền Voi Phục với vườn cây, chuồng thú, mặt hồ vẫn giữ nét đẹp dân gian - dân tộc, là nơi sinh hoạt tâm linh và thư giãn của mọi người dân đô thành.
Ảnh xưa. |
Vị thần được thờ ở đền Voi Phục là Linh Lang đại vương, con của một cung tần nhà Lý đi tắm hồ Dâm Đàm (hồ Tây) gặp rồng mà hoài thai 14 tháng sinh ra, được vua Lý Thánh Tông đưa về trại Thủ Lệ nuôi dưỡng. Khi đất nước bị quân Tống xâm lược, Linh Lang xin vua cho thớt voi rồi cưỡi đi đánh giặc. Thắng giặc rồi, ngài về lại Thủ Lệ, không bao lâu mắc bệnh, rồi hoá thành con giao long bò xuống hồ biến mất. Vua phong tước cho Linh Lang là Đại vương, sai lập đền thờ nơi ở cũ với chức danh Thượng đẳng thần, hàng năm mở hội vào ngày lập xuân.
Thực chất của việc thờ Linh Lang là tín ngưỡng thờ thần sông nước rất phổ biến ở xứ Bắc - nhất là dọc hai bên bờ sông Cầu. Đây là vùng đất cổ sớm được khai phá thành đồng ruộng với xóm làng trù mật, người nông dân với kinh nghiệm làm ruộng "nhất nước - nhì phân - tam cần - tứ giống" đã đưa việc thờ thần sông nước lên hàng đầu, nguyên thuỷ là thờ ông Cộc và ông Dài theo hình tượng con thuồng luồng, con rắn mà nơi ở chính là khúc sông Cầu hợp lưu được gọi là Ngã Ba Xà, sau nâng thành Tam Giang đại vương, rồi lại lịch sử hoá thành Trương Hống - Trương Hát. Xứ Bắc lại là quê hương nhà Lý, vương triều Lý đã rước vị thần sông nước ra kinh thành, giao cho trấn phía tây là vùng đất nhiều gò bãi và hướng về trung du xứ Đoài, nó cũng như hạt nhân thiếu âm trũng thấp của vùng đồi thái dương rộng lớn.
Trong cuộc kháng chiến chống Tống, chính vị thần sông nước này, tại đền Như Nguyệt bên bờ nam sông Cầu đã đọc bài thơ tứ tuyệt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" mang tinh thần bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Triều đình Đại Việt xây dựng kinh đô Thăng Long với hướng đi phục hưng văn hoá dân tộc, đã đưa hai thần Cao Sơn và Linh Lang của vùng đất tổ gồm cả địa bàn trung du xứ Đoài và đồng trũng xứ Bắc, về trấn hai phía nam và tây của kinh thành có địa hình ngược lại là sự chuyển hoá, đưa cái này vào làm nhân của cái kia theo quan niệm lưỡng nghi là gốc của sự phát triển.
Gắn kết Cao Sơn với Linh Lang chính là gắn kết linh khí của núi và của sông, của đất và của nước để tạo nên hình ảnh cụ thể cho khái niệm Tổ quốc thiêng liêng nhất, đồng thời cũng là việc khai thác văn hoá truyền thống để khẳng định bản sắc dân tộc của mình. Đây là một hướng đi đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc nhất mà ngày nay đang cần khai thác, phát huy.
TRẤN BẮC - ĐỀN QUÁN THÁNH
Đền Quán Thánh hay còn gọi là quán Trấn Vũ ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, bên hồ Trúc Bạch nhìn ra hồ Tây, trấn phía bắc kinh thành. Đền thờ vị thần có nguồn gốc phương bắc là Huyền Thiên Chân Vũ đã hiển linh ở nước Nam, ngay từ buổi dựng nước đầu tiên đã giúp vua Hùng đánh giặc, lại theo sát lịch sử buổi đầu độc lập giúp dân trừ tà ma và chống hạn. Đây là hiện tượng thờ thần tiên với nhiều phù phép để tăng cường sức mạnh của nhân dân ta ở buổi bình minh lịch sử, lại phù hợp với tư tưởng Đạo giáo tiếp nhận từ phương Bắc, nó quán xuyến trong lịch sử trung đại Việt Nam mà ở nhiều nơi đã hoà nhuyễn với Phật giáo đến mức quán Đạo thường gọi là chùa Phật, nó đi vào cuộc sống tâm linh sâu lắng của mọi người.
Đền Quán Thánh xây dựng từ thời Lý để giữ yên phương bắc - về tâm linh là chốn có nhiều thế lực hắc ám, về lịch sử cũng là cửa ngõ của nhiều cuộc xâm lược. Tiếp nhận thần của văn hoá Trung Hoa để chống lại mọi sự quấy đảo từ bên ngoài là cách giải quyết thông minh của dân tộc ta.
Đền được xây dựng từ thời Lý, các thời sau đều có gia cố, thậm chí làm mới, ngày nay về kiểu thức kiến trúc là thuộc thời Nguyễn, còn giữ được một số hiện vật của thời Lê Trung Hưng. Khuôn viên đền khá rộng, đầu thế kỷ XX còn soi bóng được xuống hồ Tây, nay mặt trước đền là một vườn hoa nhỏ mà về văn hoá lại như cái cầu chuyển tiếp từ đền xuống mặt hồ không bị hẫng hụt. Trong sân đền nhiều cây muỗm cổ thụ chẳng những che phủ các mái nhà mà còn tạo một không gian xanh sạch đẹp liền khoảnh trong khu văn hoá- chính trị của qui hoạch thủ đô.
Hiếm có một công trình kiến trúc văn hoá có được vẻ đẹp ngoại thất như đền Quán Thánh. Từ mép đường Thanh Niên, những cột đồng trụ vút cao và sau đó là toà nghi môn kiêm gác chuông, tất cả tạo một vẻ cổ kính giữa phố phường hiện đại, nó níu kéo du khách. Vào sân đền, vườn cây cổ thụ lại được bổ sung bằng những chậu hoa cây cảnh và đặc biệt là hòn non bộ gia công khéo léo đã tạo ra một thế giới thần tiên. Kiến trúc chính của đền gồm hai toà bái đường và chính điện song hành, bên trong gắn với nhau thành một không gian nội thất thống nhất nhưng phân ra các khu vực để thờ cúng các đối tượng khác nhau.
Những toà nhà này được dựng nửa sau thế kỷ XIX, bộ khung thanh thoát, gờ soi chỉ chạy với mộng mẹo xít xao, dành phần hiên rộng làm sảnh với nhiều hình chạm điêu luyện phủ khắp các vách gỗ mặt tiền làm cho kiến trúc trở nên nhẹ nhàng và vui tươi. Di vật trong đền, ngoài bia đá, chuông và khánh đồng còn có nhiều đồ thờ tạo một không khí thâm nghiêm mà người người vào thăm cũng đều kính cẩn.
Đặc biệt có pho tượng Huyền Thiên Chân Vũ bằng đồng hun đen, đúc liền khối, ở thế ngồi cao hơn 3m, chu vi tới 8m, nặng 4 tấn, thể hiện một đạo sĩ tóc xoã, mặt vuông, một tay bắt quyết, một tay chống thanh gươm có rắn quấn quanh tì lên lưng rùa, biểu hiện được cả sức mạnh và sự trường tồn, cũng khẳng định trình độ đúc đồng cao. Tượng được đúc ở nửa sau thế kỷ XVII, đến thế kỷ XIX lại được gia công trau chuốt thêm. Người nghệ sĩ Trùm Trọng phụ trách làm pho tượng đồng trên cũng được nhân dân xưng tụng và tạc thành pho tượng đá cao bằng người thực, đầy cá tính, để phối thờ ở hồi trái của cung thánh.
TRẤN ĐÔNG- ĐỀN BẠCH MÃ
Cuối cùng là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, xưa thuộc phường Hà Khẩu trên bờ sông Hồng cạnh cửa sông Tô Lịch, ở phía đông kinh thành, là nơi thờ thần Long Đỗ với tước hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Thần Long Đỗ tức thần núi Long Đỗ còn gọi là núi Nùng, nơi rốn của con rồng Thăng Long, là điểm kết tụ khí thiêng sông núi kinh thành.
Ngay từ trong thời Bắc thuộc, Cao Biền đắp thành Đại La và chôn đồng, sắt để trấn yểm long mạch nước ta, thần đã làm mưa, gió, sấm, chớp đánh bật và làm nát vụn bùa của Cao Biền, khiến y phải lập đền thờ để mong được bình yên, lại thấy vượng khí nước Nam không thể mất nên vội cuốn gói về Bắc. Thế rồi khi vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, xây xong lại đổ, bèn cho người đến đền Bạch Mã cầu thần thì có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy một vòng tròn khép kín ngược chiều quay của kim đồng hồ, sau đó vào đền và biến mất. Nhà vua đã theo vết chân ngựa mà xây thành, sau khi xây xong bèn cho sửa sang lại đền và sắc phong Thần là "Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần".
Ngày ấy, quanh đền Bạch Mã dân mở phố chợ trên bến dưới thuyền buôn bán đông vui. Đây là cửa sông Tô Lịch nhận nước sông Hồng và là nơi giao lưu hàng hoá của kinh thành Thăng Long với các vùng miền và nước ngoài.
Một trong những nước ngoài sớm có nền văn hoá - văn minh cao và cũng sớm truyền đến nước ta là Ấn Độ. Nhân dân ta tự giác tiếp nhận một cách hoà bình văn hoá Phật giáo từ đầu công nguyên, từng phát huy nó làm công cụ đấu tranh giải phóng trong thời Bắc thuộc và xây dựng đất nước trong thời độc lập. Theo dòng lịch sử, các trung tâm Phật giáo đã chuyển dịch từ Liên Lâu qua Cổ Pháp (Bắc Ninh) về Thăng Long. Ấn Độ tuy ở phía tây, song văn hoá Ấn Độ đã theo thuyền buôn đến nước ta và vào Thăng Long ở phía đông, trong đó thần mặt trời được biểu hiện bằng ngựa trắng.
Ngày nay nhiều người đã quên mất khoá mã của loại mật mã này, song nhiều đền chùa vẫn còn tượng ngựa trắng, và nhân dân vẫn gắn ngựa với thời gian - "bóng câu qua cửa sổ". Đường chạy của ngựa thần cũng là đường chuyển động từ đông sang tây của mặt trời là sự chuyển động của vũ trụ đã thành quy luật. Thần Mặt Trời tiếp thu từ văn hoá Ấn Độ được thờ ở phía đông vừa là nơi giao lưu và hội tụ văn hoá tự nhiên, vừa biểu hiện buổi bình minh rạng rỡ mở đầu ngày mới lịch sử huy hoàng. Lớp văn hoá ấy, sau được lồng vào tín ngưỡng gốc thờ Thổ công và nâng thành Thành Hoàng của cả kinh thành. Ở khía cạnh khác sự giao lưu văn hoá Việt - Ấn còn tạo ra nhiều giá trị mới rất cao.
Như vậy, đền Bạch Mã được xây dựng sớm nhất trong hệ thống Tứ Trấn, qua thời gian luôn được tu bổ sửa chữa. Ở thời Trần, quân Nguyên xâm lược và đốt phá Thăng Long nhưng lửa không cháy đến đền. Thời Lê Trung Hưng đền được trùng tu và dân địa phương được triều đình nhận làm dân tạo lệ được miễn các nghĩa vụ với nhà nước để tập trung chăm sóc di tích.
Bộ mặt kiến trúc chính của đền còn đến nay là thuộc thời Nguyễn, quy mô có thu hẹp song từ nghi môn đến giải vũ và nhà phương đình, rồi đại bái, tiêu hương và cung cấm đã tạo một tổng thể khép kín thâm nghiêm. Từ phương đình vào, các đơn nguyên kiến trúc được nối với nhau bởi các vòm vỏ cua tạo ra một không gian nội thất chung rộng rãi, kiến trúc ở đây đã học được lối "trùng thiềm điệp ốc" của Huế và Hội An, cả một số trang trí như đèn lồng hình hoa sen cũng vậy.
Nếu việc thờ Cao Sơn và Linh Lang là sự phát huy các giá trị cổ truyền của văn hoá dân tộc thì các đền Quán Thánh và Bạch Mã lại là tiếp thu tinh hoa văn hoá lớn của nhân loại ở ngay láng giềng gần gũi giúp cho dân tộc luôn đi lên bằng cả hai nguồn sức mạnh là nội lực và ngoại sinh. Tầm nhìn ấy của cha ông từ nghìn năm trước, ngày nay càng là bài học cho chúng ta, nhất là trong thời mở cửa, thông tin bùng nổ, chúng ta càng hoà đồng càng kết tinh.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, chúng ta đi sau nhưng biết đón đầu sẽ mau sánh bước cùng bầu bạn. Trong cả nước, đô thị hoá đang đà phi mã, nhiều thành phố mọc lên, song trong quy hoạch vẫn có thể học được ở Thăng Long tứ trấn tầm nhìn xuyên thời đại.
- Theo Quehuong và nhiều nguồn ảnh khác
0 nhận xét: