Tuyệt tác trên đỉnh Chứa Chan
< Núi Chứa Chan trong một ngày phủ đầy mây mù.
Núi thuộc địa phận của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Xuân Lộc - Đồng Nai, cách TP. HCM 120km. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh) với độ cao 837m so với mực nước biển.
Chứa Chan với Cây đa 3 gốc, suối Da Lào trong veo, rừng nguyên sinh bao la... là những tuyệt tác tuyệt đẹp thiên nhiên ban tặng cho đỉnh Chứa Chan. Nhìn từ xa, núi giống hình bát úp. Vào buổi sáng hay khi chập tối, trên đỉnh thường xuất hiện những mảng mây trắng nhỏ, lãng đãng vừa thơ mộng vừa lãng mạn.
Nguồn gốc tên gọi
Vào thế kỷ 17, có một vị quan người Việt là Việt Hùng, trong lúc giao chiến với quân Khmer, ông bị bắt cùng với người vợ của mình. Ông bị giam lỏng ở miền núi này và lập ở đây một ngôi miếu ăn chay tịnh.
Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua khmer ép làm vợ lẽ mặc dầu biết bà đang mang thai. Sau đó, bà sinh dựoc một con gái, đặt tên là Mai Khanh.
18 năm sau, khi cô gái lớn lên, bà đã kể sự thật về cha cô cho cô nghe. Cùng với một người nô bộc của mình cô quyết định đi tìm cha. Hai cha con gặp nhau trong niềm vui sướng, và họ quyết định bỏ trốn , họ bị người Khmer truy đuổi gắt gao. Trong lúc hoạn loạn, cả ba người đã gieo mình tự vẫn ở ngọn núi này.
Người dân ở đây đã lập miếu thờ ba người, hiện nay trong chùa có 3 tượng được mọi người gọi là ông vàng, cô bạc và cậu chì là để chỉ ba người này. Biết được câu chuyện thương tâm đó, người dân ở đây đặt tên cho ngọn núi này là núi chứa chan để nói lên tình cảm chan chứa của gia đình họ.
Quần thể thắng cảnh độc đáo
Núi Chứa Chan là một thắng cảnh hữu tình tiêu biểu, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Đồng Nai. Vẻ đẹp của núi là sự tạo dáng của thiên nhiên kết hợp với bàn tay sáng tạo khéo léo của con người xây dựng. Sự hài hòa của thắng cảnh, đặc biệt của các ngôi chùa Bửu Quang, Linh Sơn, Lâm Sơn tuy không có những nét điêu khắc độc đáo, những kiến trúc tinh xảo nhưng nhìn tổng thể các ngôi chùa toát lên vẻ thâm nghiêm kỳ vĩ, một di tích thiên tạo hiếm có ở Đông Nam bộ.
< Tuyệt tác cây đa 3 gốc trên đỉnh Chứa Chan.
Núi Chứa Chan là nơi bảo tồn đa dạng sinh học đặc hữu của vùng Đông Nam bộ với nhiều loài thú quý hiếm trong sách đỏ, nhiều loài đặc hữu địa phương và nhiều loài động - thực vật có giá trị kinh tế cao. Cảnh quan thiên nhiên của di tích núi
Chứa Chan hấp dẫn với nhiều dòng suối quanh năm tươi mát, nước chảy không bao giờ cạn; các cánh rừng với nhiều loại gỗ quý; hệ thống hang động, bãi đá kỳ vĩ kết hợp với những di tích do con người tạo nên như các ngôi chùa cổ, nhà nghỉ mát của toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo ở Nam bộ.
Mang đậm dấu ấn
Núi Chứa Chan là căn cứ địa cách mạng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ căn cứ này, quân ta đã xuất kích đánh nhiều trận đánh nổi tiếng, thu được nhiều thắng lợi to lớn, góp phần cùng với quân và dân cả nước thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đặc biệt vào tháng 5-1947, trên đường vào Nam, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ đã dừng chân và ở lại Mật khu Hầm Hinh (căn cứ núi Chứa Chan) thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ huyện Xuân Lộc và chỉ đạo kháng chiến. Tình cảm và những ý kiến quý báu của đồng chí Lê Duẩn luôn khắc sâu trong tâm trí chiến sĩ và nhân dân huyện Xuân Lộc nói chung.
Ở núi Chứa Chan còn có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng với các lễ hội truyền thống thu hút hàng vạn du khách đến tham dự mỗi năm.
Vùng đất này là nơi hội tụ của nhiều thành phần di tích, nhiều sắc thái văn hóa. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống lâu đời của dân tộc bản địa Chơro, còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, là thế mạnh cho việc phát triển du lịch thám hiểm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa lịch sử…
< Một góc tỉnh Đồng Nai nhìn từ trên cao.
Núi Chứa Chan còn là một bảo tàng thiên nhiên độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị địa chất, thổ nhưỡng, đa dạng sinh học… phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác các tiềm năng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Nơi đây là địa điểm nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc học, khảo cổ học, nhân học… Đồng thời là địa chỉ về nguồn quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân địa phương.
Với việc chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, khoa học, ngày 29-3-2012, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ra quyết định xếp hạng núi Chứa Chan là di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia để có cơ sở thực hiện tốt các giải pháp bảo tồn, phát huy cao nhất giá trị của di sản văn hóa này trong hiện tại và tương lai.
Chinh phục núi Chứa Chan
Việc chinh phục núi và đỉnh núi có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một là từ chân núi đến chùa Gia Lào hay chùa Bửu Quang - dễ đi, có người. Giai đoạn 2 từ chùa Gia Lào lên đỉnh núi – không có người, vạch rừng mà đi.
< Hướng lên đỉnh núi.
Để lên đến chùa Gia Lào, một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và lạ nhất nước vì không có hòm công đức, du khách sẽ chinh phục đoạn đường dài khoảng 3,2km được nối bởi hơn 360 bậc thang. Đây là con đường có được từ việc đổi gạo khách thập phương cúng cho chùa lấy xi măng.
Đến chùa, ngoài việc chiêm bái, tín ngưỡng, bạn còn có cơ hội ngắm ngôi chùa toạ lạc trên một hang đá có dáng hàm Rồng với toàn bộ quần thể kiến trúc đều dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét thâm nghiêm và kỳ vĩ.
Ngoài chùa Gia Lào, nơi đây cũng nổi tiếng với cây đa cao khoảng 50m có thân cây được hình thành từ 3 gốc chụm lại tạo. Hình dạng kỳ lạ của thân cây khiến nó gắn với rất nhiều truyền thuyết kỳ bí. Hay hầm Hinh, một bãi đá tự nhiên gồm những viên đá granite xếp ken với nhau tạo thành một bức tường dày. Âm sâu bên trong là hang đá với lòng hang sâu hun hút, khúc khuỷu.
< Núi Chứa Chan trong một ngày nắng đẹp.
Rời chùa Gia Lào, men theo con đường ẩn hiện dưới những rặng tre, đám cỏ tranh cao ngang ngực, thậm chí có đoạn tự nhắm hướng mà đi: bạn sẽ đến được đỉnh của núi Chứa Chan. Bù lại những khó nhọc trên đường đi, từ đỉnh núi, phóng tầm mắt về phía dưới, bạn sẽ thu vào tầm mắt rừng nguyên sinh ngút ngàn, núi non hùng vĩ. Ngắm suối Da Lào uốn lượn qua các ghềnh đá, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc hay hít thở không khí trong lành, cùng cảm giác bầu trời như gần hơn.
Nếu đã đến đây, đừng bỏ qua việc ngả lưng trên những chiếc võng đong đưa trên sườn núi của những người dân nơi đây hay ghé vào chùa, xin ngủ nhờ một đêm để cảm nhận không gian yên tĩnh của núi rừng, cái bao la của không gian và sự yên bình trong tâm hồn.
- Tổng hợp từ internet
0 nhận xét: