Di tích miếu Khau Roỏc

Xóm Khau Roỏc, phường Đề Thám (Thị xã) được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Do vị trí cách đường quốc lộ không xa, nhưng lại tương đối biệt lập, có khe dốc, đồi cao, kinh tế trù phú, việc phòng thủ, tiến thoái theo các hướng đều rất thuận lợi nên Khau Roỏc luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc của tỉnh Cao Bằng.

Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh (1942 - 1943), Khau Roỏc là cơ sở hoạt động cách mạng tin cậy, quen thuộc của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng. Những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thị xã (ngày 20 - 21/8/1945), xóm Khau Roỏc là nơi điều hành của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh và Sở chỉ huy của Chi đội Quân giải phóng của đồng chí Hoàng Đình Giong - Trưởng Ban khởi nghĩa tỉnh, mới chuyển từ Bản Ngần sang.

Tại đây, đồng chí Hoàng Đình Giong thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh gửi thư thông báo cho quân Tưởng (Trung Quốc) chỉ được phép dừng lại ở chân núi Kỳ Sầm, không được tiến quân vào Thị xã; quân Nhật đồng ý giao lại súng cho quân giải phóng. Cũng từ Khau Roỏc, Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh đã điều động xe ô tô vào Thị xã vận chuyển súng ra làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám). Những ngày này, Ban Nông hội cứu quốc xã đã vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho Đại đội quân giải phóng rút từ Thị xã về.

Từ năm 1950 - 1955, xóm Khau Roỏc là địa điểm chứa kho lương thực của Cục Quân lương Tổng cục Cung cấp và là nơi đóng quân lâu dài của các đơn vị lực lượng vũ trang, sau này xóm là kho của Chi sở Lương thực trong thời gian dài, phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc tại xóm Khau Roỏc. Sự kiện ấy được lịch sử ghi chép lại: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2/1951), Bác Hồ lên đường đi phổ biến thành công của Đại hội, đi thị sát việc mở đường, sửa đường, đi thăm bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Cùng ngày 28/03/1951, Bác lên đến Cao Bằng, khoảng 3 giờ chiều, Bác đến miếu Khau Roỏc. Tại đây, các đồng chí Dương Công Hoạt, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh cùng hơn 100 cán bộ tỉnh, huyện, xã Đề Thám đã tề tựu đông đủ để nghe Bác phổ biến Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Nói chuyện và làm việc tại xóm Khau Roỏc, Bác ở nhà ông Nguyễn Văn Phổi (thường gọi là bác Tàng), lúc đó xóm chỉ có chín hộ dân.

Trước đây miếu được xây bằng đất trình tường ba mặt, mặt trước để trống, mái lợp ngói máng âm  - dương, cao khoảng hơn 2 m, bên trong để một bát hương sát tường phía sau. Hướng miếu nhìn về phía đông hơi chếch về phía nam. Đằng sau là một dải sườn đồi dốc 45o, đỉnh cao 250 m so với mặt biển. Có tuyến đường dân sinh từ xóm Khau Roỏc theo dải sườn dốc qua, cách miếu khoảng 50 - 60 m, là tuyến đường đi đến khu Nà Vạn và đường giao thông đi Khuổi Kép, Khau Phước, Nà Kép, Bản Sẳng. Hiện tại di tích miếu thần (slấn) Khau Roỏc chỉ còn lại mặt bằng rộng khoảng 4 x 5 m, còn một dấu tích tường trình cao 15 - 20 cm, dài 2 m của dãy tường phía bắc (cũ).

Miếu Khau Roỏc được công nhận là Di tích lịch sử theo Quyết định số 520/QD-VX-UB ngày 19/4/2001 của UBND tỉnh.

- Theo Thu Trang (Báo Cao Bằng)