Dòng sông con gái
Phải chăng dòng sông ấy chính là em, em chính là dòng nước ấy, êm hoà chuyển động, nhẫn nại, chịu thương chịu khó và nồng nàn hương cỏ dại, hương phù sa đang đắp đổi ngoài kia, vĩnh hằng.
Mỗi dòng sông đều mang trong lòng nó một dã sử, một huyền tích xa xôi. Sông Hồng với hai màu đỏ xanh nơi cội nguồn trước khi làm cuộc chia tách dữ dội và dịu êm xuống vùng hạ lưu bát ngát, tạo nên bức tranh tình yêu một màu huyền thoại giữa nàng công chúa Tiên Dung với chàng Chử Đồng Tử cả đời vận khố.
< Thiếu nữ Huế trên dòng Hương Giang.
Sông Hương, Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu, lại là hiện thân của một nàng thôn nữ duỗi dài thân thể óng ả của mình ra cho chàng trai mãi đi dò tìm để rồi khi tìm đến vùng nhạy cảm nhất, loài cây Thạch xương Bồ bất chợt đâm chồi.
Tên gọi là Hàn nhưng con sông miền Trung ấy bao giờ cũng nóng bỏng cái sự tích tiên sa, những nàng tiên một lần sa xuống cửa biển tháo bỏ xiêm y nô đùa giỡn sóng và không kịp quay trở lại trời nữa.
Rồi sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Hậu, sông Tiền... Mỗi dòng sông là mỗi câu chuyện xa gần đều có dính đến tình yêu, đến bóng hình con gái như thể nếu không có cái bóng hình rất mềm rất thơ đó thì sông sẽ chẳng còn là sông.
< Cô gái La Ha bên dòng Nậm Mu.
Dòng sông và con gái. Đó là chủ đề muôn thuở của thi ca. Và đó cũng là nội dung muôn thuở của các cuộc cãi vã không phân thắng bại.
Cuộc cãi vã thứ nhất còn chưa dính líu gì đến sông nước. Đó là cớ sao tình yêu của các cô gái vùng đồng khô cỏ cháy như dải đất miền Trung nắng khét lại mãnh liệt hơn hẳn các cô gái vùng đồng bằng, đô thị? Phải chăng mảnh đất càng cằn khô thì trái tim con gái, như một định luật sinh học lại như một lý lẽ tâm hồn, càng phì nhiêu màu mỡ để chống lại cái khô cằn đó.
Cho nên con gái nơi ấy không yêu thì thôi, đã yêu là yêu nồng nàn, yêu dâng hiến không so đo tính toán gì cả. Cuộc cãi vã này phần thắng thường thuộc về những chàng trai đã có thời đóng quân, hành quân qua tất cả các vùng đất đó.
< Em gái bên sông Nho Quế.
Cuộc cãi vã thứ hai lại đặc sệt mùi sông nước. Đó là tại sao con gái ven sông lại đẹp hơn con gái các vùng đất khác? Điều này chưa được khảo chứng nhưng cũng dấy lên những tranh luận khá xôm trò mà phần thắng lại thường rơi vào những anh chàng đa cảm, đa tình có dính dáng tới văn thơ.
Họ lập luận say đắm rằng, đẹp là phải, sao lại không đẹp một khi những dòng sông đó đã chảy xuyên qua các vùng đất, xuyên qua các vùng văn hóa, xuyên qua các vùng khí hậu, cảnh sắc rồi kết tủa, ướp hương vào thân thể, vào tâm hồn con gái sống bên cạnh dòng chảy của nó.
< Mò rêu nơi thượng nguồn sông Mã.
Họ sẽ càng đẹp, một cái đẹp khu biệt không ở đâu có được khi bốn mùa xuân hạ thu đông được gió sông tràn về ve vuốt khuôn mặt, tấm thân, ánh nhìn cho xa xăm, cho tròn lẳn, cho bung mở đến vô cùng cái khoáng đạt thiên nhiên, cái mặn mòi của nắng gió đất trời, cái xôn xao của bờ sông bãi mía in hình trong mắt. Một cái đẹp tần tảo như đôi bờ cần lao, một cái đẹp lẩn khuất thật xa thật gần như không có mà lại đang hiện hữu.
< Nụ cười tươi của o du kích đang băng rừng vượt sông.
Nhưng đó vẫn là cái đẹp bên ngoài do hình sông thế núi tạo nên. Cái đẹp bên trong của các em mới là điều đáng nói. Đó là vẻ đẹp buồn. Buồn của hoàng hôn, buồn của mặt nước khi đông về, buồn của nỗi chia ly tiễn chàng ra trận trên triền đê, buồn nhìn hoa gạo rụng, buồn của cánh buồm đơn côi trôi về nơi xa tít, buồn man mác, buồn dịu nhẹ, buồn đợi chờ, nhẫn nại, cái buồn làm thần thái các em trở nên thánh thiện, nữ tính lên biết chừng nào.
Đã có chục năm bám trụ bên bờ sông Sài Gòn, cái đẹp của các cô du kích, các cô giao liên, pháo binh, đặc công, thông tin, quân y..., tuy hiểu rằng là cái đẹp ảo, cái đẹp do trận mạc và cái chết tạo nên, nhưng hình dáng các em với cái nhìn thăm thẳm, bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn cổ vẫn mãi ám ảnh trong tôi như một vẻ đẹp thuần khiết, kiêu hùng, làm mềm đi những cánh rừng úa héo, làm dịu đi những cái chết đau thương, làm cuộc chiến tranh tự vệ trở nên có ý nghĩa hơn thật nhiều.
< Cô gái bên dòng Nậm Mô.
Để rồi con sông trở về với dòng sông tuổi thơ, tuy vẻ hoang mạc mênh mang đã hanh hao đi nhiều lắm trước vóc dáng công nghiệp, hình hài đô thị đang mọc lên, nhưng thi thoảng vào những ngày giáp Tết, ra sông ngồi, tôi lại run người lên khi bắt gặp một vài bóng hình con gái đang cắt cỏ ở chân đê, đang xuống sông gánh nước, gội đầu... Vẫn lẳn tròn, vẫn thuần mùi rơm rạ, tro trấu, vẫn xa xăm, thăm thẳm, ướp hương và mơ hồ như thế.
Vẻ đẹp vui đã quý, vẻ đẹp buồn còn quý hơn, nó thỏa mãn cái tính thích chở che của đấng mày râu và nó là tài sản vô giá của con người. Em đứng đó, mỏng manh, tóc bay, nhòa dần trong chiều muộn dõi nhìn theo bước chân chàng đi xa… Thử hỏi trên đời còn có bức tranh nào đẹp, buồn và rung động đến tận tâm can như thế!
- Theo Chu Lai (Danviet), internet
0 nhận xét: