Khách Tây khoái nhất chốn du hí nào ở Việt Nam?
Bán đảo Sơn Trà
Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Với dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố.
Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm: đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành.
Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ... cùng cảnh vật thiên nhiên vô cùng quyến rũ.
Đến bán đảo Sơn Trà, du khách có khá nhiều bãi tắm đẹp để lựa chọn: bãi Bắc, bãi Nam và bãi Phật... Dân gian đồn rằng, các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau... nên Sơn Trà còn có tên là Tiên Sa.
Đến nay, bán đảo Sơn Trà vẫn hoang sơ, nhưng với mục đích đưa bán đảo tuyệt đẹp này phục vụ ngày một nhiều hơn cho du lịch, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tiến hành quy hoạch lại khu vực này với nhiều dịch vụ hấp dẫn. Nơi đây có những khu resort như Furama, Sunny Beach, Olalani, hay Silver Shore Hoàng Đạt trải dài hàng chục km. Ngoài ra, sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát và casino cao cấp. Núi Sơn Trà có Suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ.
Lăng tẩm nhà Nguyễn
Ðó là các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức (ở đây còn có lăng mộ vua Kiến Phúc), Dục Ðức (ở đây còn có mộ hai vua Thành Thái, Duy Tân), Ðồng Khánh và Khải Ðịnh. Theo ý đồ quy hoạch kiến trúc kinh đô nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, các khu lăng tẩm ấy nằm trong một vùng khá riêng biệt ở phía Tây Huế.
Các vua triều Nguyễn đều xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi còn sống vì quan điểm sống gởi thác của nhà Nho và triết lý sắc không vô thưởng của nhà Phật. Các khu lăng mộ xây sẵn có hai chức năng: là nơi khi thỉnh thoảng còn sống các vua lui tới để vui chơi và nơi chôn cất khi họ mất.
Tất cả các lăng điều được xây dựng, quy hoạch theo đúng triết lý phong thủy phương Đông: bất cứ lăng nào cũng tuân thủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ ... tạo nên kiến trúc rất đẹp và thơ mộng. Tuy niên, trong số đó, lăng vua Khải Định được xem là đẹp nhất.
Đảo Phú Quốc
Đảo Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Trên đảo có rất nhiều bãi tắm đẹp. Sóng biển êm dịu, cát vàng óng ánh, không gian yên tĩnh, tạo cảm giác thư thái. Thời điểm đến Phú Quốc tuyệt nhất là từ tháng 10 đến tháng 3.
Khi đến với biển Phú Quốc, du khách không chỉ được đắm mình trong màu ngọc bích mát rượi, mà còn có thể trải nghiệm cảm giác phiêu lưu mạo hiểm khi lặn xuống đại dương, ngắm nhìn những rặng san hô rực rỡ sắc màu...
Hiện, ở bờ phía Đông của đảo vẫn còn dấu tích của trại giam hơn 40.000 tù binh, là nơi mà những người Việt Nam yêu nước bị Pháp và Mỹ bắt giam.
Đồng bằng sông Cửu Long
Lượng phù sa màu mỡ của sông Cửu Long đã mang lại cho vùng đất nơi đây những thảm thực vật đa dạng. Không chỉ mạnh về nông nghiệp, khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn là một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.
Tới đây, du khách có cơ hội khám phá cuộc sống, hoạt động thường ngày của người dân và ngắm nhìn phong cảnh đa dạng: những cánh đồng lúa bát ngát, con lạch, con kênh uốn lượn bao bọc lấy những gò đất nổi trước khi chảy ra biển.
Theo Luke Nguyễn, Đại sứ ẩm thực Việt tại Australia, du lịch bằng thuyền dọc dòng sông Cửu Long là độc đáo và thú vị nhất để tìm hiểu mảnh đất này. Tuy nhiên, cũng khá mạo hiểm khi bạn phải chòng chành trên những con thuyền nhỏ xíu, mong manh và lướt qua một mạng lưới kênh rạch chằng chịt trước khi đến được những phần xa xôi của dải đất Tây Nam Bộ. Ngoài ra, du khách có thể ngồi xe lam ở thị xã Tân Châu (An Giang), cưỡi bò thong dong qua những cánh đồng lúa yên bình, thơ mộng...
Song, tới đồng bằng sông Cửu Long rồi thì không được phép bỏ qua chợ nổi - đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Các khu chợ nổi họp trên rất nhiều nhánh sông của dòng Mekong, là nơi cư dân lao động và kiếm sống. Nổi tiếng nhất trong số đó là chợ Cái Bè. Khu chợ phong phú sắc màu các loại hoa quả như dưa hấu, thanh long, măng cụt cùng nhiều thức quà miệt vườn thay đổi theo mùa.
Đèo Trạm Tôn
Sa Pa là thị trấn vùng cao ở Tây Bắc Việt Nam; nổi tiếng với phong cảnh đẹp như tranh vẽ với núi non trùng điệp, thung lũng xanh ngắt, những ngôi làng truyền thống của các dân tộc thiểu số, rừng tre và những đồng ruộng bậc thang.
Để cảm nhận được hết vẻ đẹp của nơi đây, du khách cần phải lên Đèo Trạm Tôn hay Cổng Trời - đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam (2.050m so với mực nước biển), là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo thuộc quốc lộ 4D như con rắn dài ngoằn ngoèo len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ - nóc nhà Đông Dương.
Cũng là địa điểm kỳ thú ở Sa Pa, Thác Bạc rất hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu du khách đủ sức khỏe, hãy tham gia hành trình leo lên đỉnh Phan-xi- păng để có có hội tận hưởng những khung cảnh hùng vĩ và không phải nơi đâu cũng có.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Phong Nha - Kẻ Bàng là khu bảo tồn thiên nhiên đã được UNESCO chính thức công nhận và cũng là nơi có hang Sơn Động lớn nhất thế giới cùng khoảng 300 hang động khác nhau.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tọa lạc tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc và thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.
Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi rộng (khu vực này là một vùng đá vôi rộng tới 2.000 km vuông), hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km…
Về Sơn Động, bên trong hang là hồ nước ngầm nằm sâu 13m so với mặt đất cùng vô số thạch nhũ và băng đá. Ngoài ra, nơi đây còn có hang Tiên Sơn, hang Thiên Đường... Chưa kể, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi thám hiểm trong rừng đá vôi, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu và người dân địa phương đã phát hiện thêm 7 hang động mới.
Theo Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 7 hang động này nằm trên hai tuyến đi bộ khác nhau là tuyến Đại Ải và tuyến Đại Cáo, nơi rất ít người qua lại. Một số hang đã được đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Cơn Chay, hang Gió, động Hai Cửa, hang Kỳ… Nhiều hang có độ sâu hàng trăm mét, với suối chảy mạnh phía trong, khiến đoàn không thể ngay lập tức tiếp cận.
Hiện, quần thể hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: khu vực có hệ thống hang động nhiều nhất; có nhiều hệ thống sông ngầm nhất; hang động có vòm động rộng lớn nhất; hang động khô có chiều dài nhất; động Thiên Đường có cầu gỗ dài nhất và có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.
Vịnh Hạ Long
Nổi trên mặt nước biển là khoảng 2.000 đảo và mỏm đá vôi với đủ hình thù và kích cỡ khác nhau, rất thu hút khách du lịch trong và ngoài nước... là sơ lược ban đầu về Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Vịnh có diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm: hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển, ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Chưa kể, 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.
Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Năm 2000, nơi đây lại được công nhận là di sản địa chất thế giới. Và mới đây nhất, tối 27/4 vừa qua, ông Bernard Weber, Chủ tịch New7Wonders, chính thức trao Bằng chứng nhận và biểu tượng Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Hiện, để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình ở Vịnh Hạ Long, du khách có thể đi bằng thuyền gỗ truyền thống, bằng cano hoặc thậm chí là bơi...
Chùa Một Cột
Nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, Chùa Một Cột được xây dựng từ năm 1049 với mục đích tái hiện giấc mơ của Vua Lý Thái Tông về một ngôi đền bay lơ lửng trên một ao sen. Ngôi chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.
Trải qua năm tháng, Chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).
Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá Chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ Văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là Chùa Một Cột và Chùa Diên Hựu. Vì thế, ngôi chùa hiện nay là được phục dựng nguyên bản ban đầu sau khi bị phá hủy.
Ngoài ra, cuối năm 2011, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Một Cột theo hướng: bảo tồn Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; nâng cấp sân vườn, cảnh quan di tích… Dự kiến, tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý I/2013.
Ghềnh Đá Đĩa
Dù không nổi tiếng như các thắng cảnh khác của Việt Nam, Gềnh Đá Đĩa lại là một kỳ quan thiên nhiên được kiến tạo từ đá bazan núi lửa, tạo thành các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.
Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét; nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 40km.
Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ong khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá.
Lần theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hoá của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra. Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh - Chile hay Cánh đồng Chum - Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.
Cố đô Huế
Là biểu tưởng tiêu biểu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Cố đô Huế từng là trung tâm của vương triều Nguyễn và là tập hợp của một loạt các ngôi chùa, cổng chào, dòng suối, phòng ốc, vườn thượng uyển và lăng tẩm... Cung Thái Hòa và Trường Sanh là hai trong số những kiến trúc đẹp nhất ở đây.
Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.
- Theo Thuỳ Dung (Datviet)
0 nhận xét: