Nữ quyền ở buôn M'Nông
Người phụ nữ được ban quyền lực bởi họ có thiên chức, đặc điểm do thần linh ban tặng, là hiện thân của sức sống, sự sinh sôi nảy nở. Vị trí "nữ quyền" thể hiện rất rõ nét trong quan hệ hôn nhân theo chế độ mẫu hệ của đồng bào M'Nông, ở đó người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo.
Bước vào tuổi trưởng thành, sau nghi lễ "cà răng, căng tai", các cô gái có quyền được yêu, được lập gia đình. Thích chàng trai nào, họ sẽ dùng nhiều cách để đánh tín hiệu và khi được đáp lại bằng món đồ làm tin là một cái lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay thì tức là chàng trai cũng đã ưng dạ.
Được cô gái đồng ý, chàng trai sẽ về thông báo với bố mẹ để nhờ ông mối đem lễ vật sang nhà gái xin làm lễ dạm hỏi trước khi tổ chức lễ cưới.
Một thủ tục đặc biệt quan trọng đó là nhà trai cũng như chú rể phải đứng cam kết trước bàn thờ tổ tiên nhà gái và mọi người dự lễ là yêu thương, trân trọng, chung thủy với cháu gái của họ suốt đời. Sau lễ cưới còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau.
Cưới xong, đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà 7 ngày, không được ra khỏi nhà. Sau đó, họ trở về nhà trai 7 ngày và trở về bên nhà gái ở trọn đời.
Người M'Nông quy ước hôn nhân một vợ một chồng và luôn thiên theo hướng bảo vệ lợi ích của người phụ nữ, phạt rất nặng những người chồng dám bỏ bê vợ con, chểnh mảng công việc làm ăn hoặc phản bội. Nếu người chồng vì một lý do nào đó mà muốn từ bỏ vợ mình thì những của cải, vật chất họ phải nộp phạt bao giờ cũng sẽ gấp đôi số sính lễ ban đầu.
Riêng đối với những phụ nữ không may lấy phải ông chồng lười biếng, hư đốn, ruồng rẫy vợ con (có sự thừa nhận của cộng đồng) thì luật tục M'Nông cho phép người vợ ấy có quyền thừa hưởng mọi của cải để nuôi con và đi lấy chồng khác. Luật tục như vậy nhưng rất ít trường hợp phụ nữ M'Nông bỏ chồng bởi một mái ấm hạnh phúc luôn là giấc mơ của phụ nữ M'Nông.
- Theo Danviet, internet
0 nhận xét: