Sẽ xây cáp treo lên Phanxipăng?
Từng có những tranh cãi gay gắt về việc xây cáp treo lên các di tích, thắng cảnh như Yên Tử, chùa Hương, Tây Thiên... hay các điểm du lịch như Nha Trang, Bà Nà. GS Trần Quốc Vượng từng tuyên bố: muốn xây cáp treo thì phải bước qua xác tôi. Nhưng cuối cùng, tất cả cáp treo đều đã được xây và đưa vào phục vụ du khách. Sau Yên Tử là cáp treo Bà Nà, chùa Hương, Nha Trang và mới đây là cáp treo Tây Thiên (Vĩnh Phúc)...
Dự kiến, cáp treo lên Phanxipăng sẽ dài khoảng 6,2km có điểm đầu tại tổ 11 (thuộc thị trấn Sa Pa), vượt qua thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch mới và lên đỉnh Phanxipăng ở cao độ 2.900-3.000m. Điểm cao nhất của Phanxipăng hiện nay được xác định cao 3.143m.
Có nhiều luồng dư luận khác nhau quanh đề án này, Tuổi Trẻ đã gặp gỡ và lấy ý kiến của các bên quan tâm để rộng đường dư luận.
* Ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lào Cai):
Tôi không đồng ý.
Tỉnh đã phê duyệt đề án nhưng tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu thì không đồng ý. Chủ trương có nhiều tác hại như thế khó thực hiện được.
Cả nước mới có một Phanxipăng, đấy là niềm tự hào khi chinh phục được nóc nhà Việt Nam. Đó là mơ ước cả đời của rất nhiều người, lên đỉnh núi để kỷ niệm ngày cưới. Thậm chí có cả người khuyết tật cũng leo lên Phanxipăng. Đấy là cảm giác được chinh phục. Cả nước chỉ có một đỉnh núi như thế thôi. Phanxipăng là nóc nhà của Việt Nam, nóc nhà cũng chỉ chứa được chừng ấy người thôi, phải để người ta leo lên chứ.
Bây giờ làm cáp treo, ùn ùn kéo lên càng nhiều càng tốt để thu tiền cho doanh nghiệp. Người ta giẫm đạp lên đấy thì còn gì là đỉnh Phanxipăng. Chỗ ấy đa dạng sinh học như thế, đến 10 loại cây đặc hữu của Sa Pa, trên thế giới không có, nếu làm cột cáp treo mà cây bị giẫm lên thì thôi rồi...
Cả một nền văn hóa của người dân tộc thiểu số, người ta đi từ từ, người ta leo núi, người ta chinh phục... ứng xử với núi suốt nghìn năm nay như thế. Giờ tự dưng “ông” cứ ào ào lên như thế. Về văn hóa không được, về môi trường không được. Về lợi nhuận trước mắt có thể có rất nhiều tiền, nhưng về lâu dài là phá hoại cả thế hệ sau.
Đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ. Hàng loạt người lên thì chẳng còn gì nữa. Phải nhớ rằng tài nguyên đất của Sa Pa cực kỳ quý giá, nhiều cây thuốc quý, loại đặc hữu chỉ có thể trồng trên đất Sa Pa. Nếu cứ khai thác bừa bãi như dưới xuôi thì chết. Quỹ đất là tài nguyên không thể tái sinh được.
Người Sa Pa phải nghiên cứu lại và đi theo cách của người Sa Pa để làm du lịch. Du lịch bền vững là gì, là thế hệ này không làm hại đến thế hệ sau. Muốn thế phải đảm bảo hai yếu tố: giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo môi trường. Bất cứ mô hình nào ở Sa Pa mà áp dụng như ở dưới xuôi, như ở nước khác nguyên xi thì chắc chắn thất bại. Chỉ có những gì được Lào Cai hóa, Sa Pa hóa mới có thể thành công.
Một ngày nào đó, khi bạn đến Sa Pa không nhìn thấy người dân tộc mặc đồ dân tộc nữa, mà chỉ mặc quần áo người Kinh thì khi đó Sa Pa đã chết.
* KTS Nguyễn Luận (nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):
Không nên làm cáp treo tới đỉnh.
Tôi đã đọc bản đề án quy hoạch Sa Pa và quan điểm của tôi là nên nhìn sự việc một cách bình tĩnh, trên tổng thể chứ không nên quá giật mình vì khái niệm “cáp treo”.
Trong bản quy hoạch tổng thể mới của Sa Pa này, tôi thấy các nhà quy hoạch đã rút được kinh nghiệm từ những dự án quy hoạch khác, cố gắng tránh những tác động đến khu dân cư tập trung nhất của thị trấn Sa Pa và mở ra những khu vực khác ở phía tây.
Về hạng mục cáp treo, trong dự án chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, trong bản đồ quy hoạch chỉ vẽ một đường thẳng cắt ngang thung lũng Mường Hoa nên có thể còn nhiều điều cần phải bàn bạc, góp ý. Tuy nhiên về chủ trương, tôi đồng ý với việc làm cáp treo lên Phanxipăng. Làm cáp treo lên các khu du lịch nổi tiếng trên núi cao là xu hướng phổ biến trên thế giới, và chúng ta có quyền áp dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề nhiều người lo lắng là cáp treo có phá vỡ môi trường, cảnh quan, có tác động đến hệ sinh thái của đỉnh núi và vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn hay không thì tôi cho rằng đó là vấn đề của quá trình thi công và của các nhà quản lý du lịch. Thi công được giám sát nghiêm ngặt đúng thiết kế, quản lý tốt lượng khách lên xuống, với những yêu cầu ngặt nghèo về bảo vệ môi trường... thì sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.
Về mặt tâm linh, tôi cũng nghe ý kiến cho rằng không nên đặt công trình xây dựng nào trên nóc nhà Đông Dương cả. Nhưng thực tế trên các triền núi này không có một công trình kiến trúc tôn giáo nào như Yên Tử hay chùa Hương, nên việc để cáp treo chạy trên cao không gây cảm giác bất kính hay phản cảm.
Tuy nhiên, nếu bản quy hoạch chi tiết chưa được duyệt, tôi xin góp ý là cáp treo không nên làm lên đến đỉnh Phanxipăng. Đỉnh núi hẹp, không nên và không thể đặt một công trình có kết cấu đồ sộ. Tương tự như Yên Tử hay khu trượt tuyết trên núi Alps, trên Phanxipăng chỉ nên làm cáp treo đến một độ cao nhất định, khoảng hơn 2.000m, để giúp những người yếu sức khỏe vẫn có thể lên đến được một độ cao nhất định để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Còn lại, từ nhà ga này lên đến đỉnh núi vẫn phải là quãng đường thử thách, đồng thời cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai có khát khao, ý chí và nghị lực. Cáp treo sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho du khách.
* Ông Phùng Văn Khải (nhà thiết kế tour, nguyên giám đốc Hapro Tour):
Quan trọng là sử dụng cáp treo như thế nào.
Tôi chuyên làm tour cho khách châu Âu vào Việt Nam và tôi đã leo Phanxipăng không ít lần, hầu như năm nào tôi cũng leo. Tôi thấy đường mòn lên Phanxipăng giờ đầy rác thải đô thị (chai nước, túi nhựa, vỏ đồ hộp). Với người làm tour, ăn thua là ở ý thức chứ không chỉ ở phương tiện. Tôi tán thành nếu có công ty nào đó hay địa phương đứng ra xây dựng cáp treo lên Phanxipăng. Tôi cho rằng trên cáp treo người ta sẽ khó xả rác hay bẻ cây, đốt lá... như khi leo bằng đường bộ.
Tuy nhiên, với tư cách một người làm tour và một người leo núi (bán chuyên nghiệp), tôi có một lời khuyên và cũng là lời đề nghị với các nhà quy hoạch là không nên thiết kế cáp treo lên đến đỉnh Phanxipăng. Nên làm kiểu base camp - các trại nghỉ trên đường leo Everest. Chỉ cho cáp lên đến một độ cao nhất định, xây dựng các đài, trạm quan sát ở đó với đầy đủ dịch vụ du lịch gọn, vệ sinh, tuyệt đối tuân thủ các quy định chặt chẽ về môi trường...
Chặng đường còn lại phải dành cho các nhà leo núi thật sự có tình yêu thiên nhiên, có khát vọng chiến thắng bản thân và chinh phục những đỉnh cao. Đỉnh cao bao giờ cũng chỉ dành cho số ít người có nghị lực và phẩm chất đặc biệt hơn.
* KTS Hoàng Thúc Hào (giảng viên khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội, người đã đoạt hàng loạt giải thưởng kiến trúc quốc tế và hiện đang xây dựng nhà cộng đồng cho bà con xã Tả Phìn, Sa Pa):
Cần thận trọng, quan tâm đến đặc thù văn hóa.
Quan điểm của tôi là không nên đưa cáp treo lên thẳng đỉnh Phanxipăng. Bản thân việc khó chinh phục và tiếp cận đỉnh cũng là một điểm hấp dẫn của đỉnh núi này. Không nên làm mất tính văn hóa, tính hấp dẫn, thách thức của nó. Đó là chưa kể đến ở bất cứ vùng đất du lịch nào cũng lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tiếp cận và giải quyết vấn đề này thế nào cũng là một điều phải cực kỳ lưu tâm chứ không nên chủ quan.
Tôi thật sự không thích lắm với ý tưởng làm cáp treo ở khu vực này, dù ở mọi quy hoạch hiện nay đều phải chấp nhận tính đương đại của nó. Nếu lên đến đỉnh thì kết cấu các trụ, bám sẽ ảnh hưởng đến núi rừng, thảm thực vật, tác động đến đời sống sinh vật trong khu vực này.
Với quy hoạch này, tôi nghĩ phải hết sức thận trọng và quan tâm đến đặc thù văn hóa của vùng đất. Các góc lệch, tuyến cáp treo đi qua đều phải tính toán rất kỹ. Thậm chí phải tính toán đến chất liệu, màu sắc của cả hệ thống để có thể hài hòa vào cảnh quan.
- Theo Thu Hà, Hà Hương (TTO)
0 nhận xét: