Vua dế thành ta ba lô

Vua dế nổi danh một thời Nguyễn Nhật Lâm sau khi trắng tay, đã du lịch bụi qua 7 nước. Những trải nghiệm đặc biệt của chàng trai SN 1988 được gói ghém trong cuốn sách Trở lại sẽ là bài học quý cho bạn trẻ.

Quyết định gây sốc

Cách đây 4 năm, Nhật Lâm trở thành người nổi tiếng, bởi dám từ bỏ hai trường ĐH danh giá (Bách khoa Hà Nội và Ngoại thương) để nuôi dế, loại hình kinh doanh độc đáo và mới mẻ hồi đó.
Lâm nhanh chóng được báo chí tung hô là vua dế... Đang ăn nên làm ra, Lâm giao lại cơ nghiệp cho bố, xách ba lô Nam tiến để kinh doanh rượu dừa Bến Tre.

< Vua dế Thanh Tùng trong trang trại dế.

Thời kỳ đầu kinh doanh khá tốt, nhưng rồi khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm khiến Cty của Lâm phá sản. Tuổi 22 tưởng chừng sẽ trở thành doanh nhân trẻ thành đạt, Lâm chốc lát trắng tay với đống nợ chồng chất.

Không đầu hàng số phận và tìm cho mình lối thoát mới, Nhật Lâm xuất ngoại bằng đường du lịch bụi, mang theo khát vọng tìm một nơi giàu sang, thành đạt ở xứ người bất chấp sự ngăn cản của gia đình.

Đầu năm 2011, Nhật Lâm khởi hành với vỏn vẹn 2 triệu đồng làm lộ phí, chiếc ba lô, 3 bộ quần áo, ba cuốn sổ ghi chép và hộ chiếu sang Trung Quốc.

Từ hướng dẫn viên đến ăn xin

Kế hoạch ban đầu của Lâm là sẽ đi Trung Quốc, sang Tây Tạng, qua Nepal đến Ấn Độ, Pakistan, men theo bờ biển Ả Rập, tới Iran, từ đây tiếp tục hướng về phía tây đi theo vịnh Oman, đến biên giới Iraq… và đích đến cuối cùng là Paris (Pháp).


< Nhật Lâm (phải) làm hướng dẫn viên du lịch.

“Châu Âu văn minh sẽ mang đến cho tôi một cuộc sống giàu sang và hiện đại. Tôi sẽ trở về trong vai một Việt kiều giàu có. Tôi ấp ủ như thế”, Lâm tâm sự. Nhưng những trải nghiệm, vấp ngã trên đường đi khiến kế hoạch của Lâm chệch hướng.

Từ đích đến Paris, cuối cùng, cậu lang thang qua 7 nước châu Á trong vòng 9 tháng. Bắt đầu từ cửa khẩu Móng Cái, sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Để có tiền trang trải cuộc sống, trên đường đi, Lâm làm đủ thứ từ phục vụ quán ăn, dạy học, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên giao hàng, phụ hồ, đánh giày và thậm chí là ăn xin…

Ngày tháng xê dịch đưa đẩy cậu qua rất nhiều số phận trên đường. Có đêm ngủ vỉa hè ở Bangkok (Thái Lan) cùng người vô gia cư, có khi mắc võng ngủ bìa rừng cùng côn trùng, có khi lại được ở trong biệt thự sang trọng dưới cao nguyên Genting - Malaysia.

Những ngày sung sướng nhất với Lâm là làm hướng dẫn viên du lịch cho một gia đình người Mỹ tham quan Campuchia và Bangkok (Thái Lan).

Trên đường đi cậu không ngờ gặp được nhiều bạn tốt. Trong những ngày đầu mới nhập cảnh vào Indonesia, túi rỗng, cậu được đôi vợ chồng bản địa cho ngủ ăn ở miễn phí, chăm sóc chu đáo như người nhà, thậm chí còn đưa cậu đi du lịch, khám phá Indonesia.

Tuy nhiên cũng có khi lâm vào bước đường cùng, Nhật Lâm bất đắc dĩ làm kẻ ăn xin tại Malaysia.
“Tôi lấy một tờ giấy ghi lên dòng chữ: Tôi bị lạc đường và mất hết tiền lại không biết tiếng, giờ đang rất đói, xin cho tôi vài đồng bạc lẻ. Nhưng hôm sau tôi chuyển sang nghề đánh giày cho thoải mái hơn”, Lâm kể.

Trên hành trình, Nhật Lâm đã sống và làm bạn với nhiều người vô gia cư ở nhiều nước. Ông bạn vô gia cư người Thái không biết tiếng Anh để lại cho Lâm nhiều day dứt.
“Hai người chỉ có thể nói với nhau bằng cử chỉ vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng biết được rất nhiều chuyện của nhau.

Ông bảo ở quê nhà nghèo nên phải lang bạt tới Bangkok, ngày nhặt ve chai, tối ngủ vỉa hè, bẩn quá thì ra công viên tắm. Sau này tôi mới biết ông vốn là đàn bà đã chuyển đổi giới tính”, Lâm kể.

Trở về

Những chuyện đời, chuyện người trên hành trình khiến trái tim trẻ Nhật Lâm tỉnh giấc: Sang giàu không hẳn là đích đến cuối cùng của người trẻ mà phải sống làm sao không hối tiếc.

“Tôi quyết định quay về và làm việc trước nay chưa bao giờ nghĩ tới: Viết sách. Cuốn sách kể lại hành trình trải nghiệm của bản thân. Chuyến đi không giúp tôi trở nên giàu có mà giúp tôi nhận ra triết lý sống”, Nhật Lâm chia sẻ.
Nói là làm, trở về Việt Nam, trong một tuần, Lâm đã hoàn thành bản thảo cuốn Trở về.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cuốn sách bổ ích với người trẻ thời hiện đại. “Đọc nó tôi muốn là người trẻ đang đi, đang trên đường, dám chấp nhận mọi thử thách, va chạm, hiểm nguy để tìm ra sức mạnh trong mình, để được tự sống”, ông Phạm Xuân Nguyên nói.
Lâm cho biết, số tiền đầu tiên thu được từ việc bán sách cậu sẽ dùng để xây dựng phòng máy tính tặng Hội Người mù Bến Tre, nơi cậu có nhiều duyên nợ.

Lâm lên kế hoạch trong tháng 8 này sẽ khoác ba lô nhập vai vào thế giới người nhập cư tại Matxcơva (Nga), sống và làm việc cùng họ để thực hiện giấc mơ viết tiểu thuyết về cuộc sống người nhập cư ở đây.

- Theo Tienphong, Thethaovanhoa...