Bí ẩn Hòn Đá Chữ

Dưới chân đồi Cù Lao là cây cầu Xóm Bóng vắt ngang cửa sông Cái, cửa ngõ dẫn vào thành phố biển Nha Trang. Đứng trên cầu nhìn về phía đông, du khách rất thích thú trước hai cụm đá nằm gần nhau có chu vi khoảng 100m2 trông như hòn non bộ khổng lồ giữa trùng dương.

Đó chính là Hòn Chữ, cụm đá trời sinh gắn liền với những ký tự cổ được người dân xứ Trầm Hương truyền rằng là mật đồ dẫn đến một kho báu cổ.

Thành thục khua mái chèo đưa khách rời bến sông đến thăm Hòn Chữ, bà Nguyễn Thị Hồng, người có thâm niên bơi bạn hơn 10 năm qua (chèo đò đưa những thợ thuyền ra tàu cá), cho biết: “Người nói Hòn Chữ là tảng đá trời sinh, kẻ bảo nó lăn từ trên di tích Tháp Bà..., nói chung có nhiều thuyết về sự hiện diện của khối đá nhưng điều mà ai cũng biết là trên ấy có những ký tự cổ. Đây chính là căn nguyên của tên gọi Hòn Chữ”.

Trên hải trình vượt sóng đến Hòn Chữ, chúng tôi gặp ngư dân Trần Mười, 67 tuổi, lúc ông vừa rời Hòn Chữ trở về tàu đánh bắt cá ngừ của gia đình.

Chỉ vào cái miếu nhỏ vốn là đền thờ Thánh Mẫu do những người đi biển tạo lập nằm ẩn bên trong cụm đá, ông Mười bật mí từ bao đời qua, dân biển sở tại có tục trước khi dong khơi thường ra Hòn Chữ khấn lạy, cầu mong được thuận buồm xuôi mái, kéo lưới nặng tay.

 “Những ký tự cổ trên Hòn Chữ bí hiểm lắm, hồi còn bơi bạn, tôi đã nhiều lần chở các nhà nghiên cứu lịch cử trong và ngoài nước đến tham quan và đọc chữ xưa nhưng ai nấy đều bất lực trong việc giải mã” - ông Mười tiết lộ: “Lúc sinh thời, cụ Quách Tấn (nhà văn Quách Tấn) nói rằng lối chữ hình như những con nòng nọc nối đuôi nhau trên Hòn Chữ được cổ nhân gọi là Khoa Đẩu tự, có lẽ là chữ cổ của người Chiêm Thành. Điều lạ là không chỉ người Chàm mà ngay cả những nhà thông cổ ngữ, cổ tự cũng không đọc được”.


Các bậc cao niên ở vùng biển Khánh Hòa kể rằng lời truyền vào những đêm trăng sáng, dân thuyền lưới ở tầm xa nhìn vào thấy khối đá phát ra luồng ánh sáng ma quái nên tin đá thiêng có thần lực, có kho báu bằng vàng ròng ẩn dưới ấy. “Không ít kẻ mon men nuôi ý định mở chiến dịch rà soát cụm đá tìm vàng nhưng khi vừa đặt chân lên thì kẻ bị sóng cuốn, người bị trượt chân gãy tay, vỡ đầu... Vài bận như thế, chẳng còn ai dám nuôi mộng tưởng tìm vàng ở khối đá thiêng”.

< Bà Hồng chèo thuyền đưa khách đến tham quan Hòn Chữ.

Ông Chiêm Văn Mao, nhà ở đường Tháp Bà, cho biết hồi còn nhỏ có nghe ông nội kể từng có lần bắt gặp đoàn người Chăm đi trên thuyền rồng đến cúng khối đá vào giữa khuya. Thấy lạ dân chài lưới kéo đến thì họ lên thuyền đi mất, từ đó không thấy trở lại. “Về sau mọi người đồn đại dòng chữ nòng nọc là kim chỉ nam về một kho báu khổng lồ mà các vua Chàm xưa muốn trao cho hậu thế. Tiếc rằng do chẳng ai giải mã được các ký tự cổ nên bí ẩn của kho báu chìm theo thời gian” - ông Mao trăn trở.

Giữa trùng dương bao la, đứng dưới chân khối đá khổng lồ nhô lên trên biển và nhìn ngắm những dòng chữ cổ ngàn năm ẩn chứa những bí mật chưa được kiến giải, cảm giác thật vi diệu. Chẳng biết Hòn Chữ có giấu vàng thật hay không nhưng tự vẻ đẹp và những bí ẩn của nó cũng đã là kho báu bằng xương bằng thịt, là niềm tự hào của người dân thành phố biển Nha Trang.

- Theo N. Thành Sỹ (Báo Congan), ảnh sưu tầm