Một khúc miền Trung
Là chiều Sáo Cát nơi thôn Đồng Dương với bản nhạc của mưa, là hoàng hôn tím ngắt trên vịnh Lăng Cô...
Chiếc xe dần bỏ lại sau lưng phố Hội lắc rắc mưa bay, một Sơn Trà ươm mình trong màu nắng, một khúc Hải Vân chìm ngập trong mây mù. Dưới chân bờ bắc con đèo là vịnh Lăng Cô huyền thoại.
Ở đó có làng chài Lộc Hải, nhỏ bé và lặng lẽ trong bức tranh “biển trong núi”, ngôi làng tôi đã bao lần ước được đặt chân đến sau lời kể của bạn năm nào.
< Chiều Sáo Cát.
Bên này vịnh là con đường đi quanh đầm Lập An, dài khoảng vài ba kilômet. Mưa vẫn lắc rắc rơi khiến “một vòng xe quanh đầm” trở nên hối hả. Đầm còn có tên khác là An Cư ở phía bắc dãy Bạch Mã, khá kín và kéo dài nằm gần như theo hướng Bắc - Nam. Màn mưa mỏng liêu trai buông hờ hững lên những chòi canh và lồng nuôi thủy sản lác đác khắp trên mặt đầm. Cảm giác như đang lạc vào một không gian mênh mang, hư ảo nào đó.
Hình như chỉ có duy nhất chúng tôi đang lặng lẽ đi men theo con đường sũng nước quanh đầm. Con sóng bồng bềnh len lỏi qua những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như ma trận, khiến bức tranh Lập An trở nên mê hoặc. Dưới chân núi ngựa trắng, những mái nhà thấp thoáng biết đâu sẽ là Hói Mít, Hói Dừa?
Rời đường lộ để vào làng chài Lộc Hải, chiếc xe chạy ngoằn ngoèo trên con đường đầy cát sỏi và vỏ ốc. Hỏi khá nhiều lần mới tìm đến được nhà thờ Sáo Cát. Nhà thờ nhìn ra biển, yên tĩnh và thanh bình.
Bỏ xe lại trên con đường cát phủ đầy dây muống biển, hai đứa leo vào con thuyền đang nằm say ngủ sau một ngày dài ra biển. Bọn trẻ con Lộc Hải tò mò nhìn mấy người khách lạ một chút rồi lại tiếp tục nhào lộn, đuổi bắt, nghịch sóng. Một ngư dân vừa xếp xong lưới đi về phía chúng tôi, xin lửa châm thuốc và bắt chuyện rất tự nhiên. Ly rượu cay trên chiếc thuyền cạn uống vào như xua tan giá lạnh của cơn mưa chiều đang bắt đầu rơi.
Trước cửa nhà thờ Sáo Cát có một dãy hàng quán đơn sơ của dân thôn Đồng Dương, chủ yếu bán đồ nhậu cho người làng. Những người phụ nữ thường dọn hàng từ lúc 2-3g chiều, chuẩn bị lò nướng cá trích, mực tươi, rau ghém, bánh đa. Vài món ăn dân dã cùng chai rượu là có thể lai rai cả chiều.
Tôi trở lại Sáo Cát vào chiều hôm sau khi cơn mưa lớn đang kéo về ngoài biển. Ngồi trong lều ngắm những giọt mưa lách tách chảy trên mấy cây cột chống, mùi than củi, cá nướng ấm sực, ngào ngạt. Chúng tôi đã ngồi như thế, rất lâu, từ khi biển mịt mùng trong màn mưa trắng đục tới lúc nắng lên, những con thuyền máy lại theo chân ngư dân ra biển.
Chiều Sáo Cát trở nên bận rộn bởi tiếng cười của trẻ con, tiếng chuyện trò rầm rì của thanh niên làng, tiếng máy thuyền nổ lẫn vào tiếng sóng biển.
Chúng tôi lên đèo Hải Vân, trong một cuộc chạy trốn cơn mưa lớn đuổi theo từ Bạch Mã. Lạ kỳ thay, lên đến đỉnh đèo thì trời quang mây tạnh. Thiên hạ đệ nhất hùng quan, bên này mặt trời đang xuống núi, bên kia thành phố đã lên đèn. Mấy chiếc lô cốt cũ kỹ, trầm mặc trong chiều muộn. Có nhiều người dừng chân nơi đây, nhưng hình như ai cũng vội vàng.
Một con đường dẫn lên núi, hơi bị đám cây bụi mọc ngổn ngang che lấp, có lẽ vì ít có người đi qua. Con đường dài khoảng 2km, chạy vòng và lên cao dần, dẫn lên cột vi ba đứng ngạo nghễ trên đỉnh núi. Càng lên cao, càng bị choáng ngợp. Một vọng cảnh đài tuyệt hảo cho Hải Vân quan.
Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là Đà Nẵng trong màu xanh huyền hoặc. Con đường xuống đèo uốn lượn như một dải lụa trắng trong chiều muộn mắc vào lưng núi xanh rì. Những bãi cát trắng phau lãng mạn và tình tứ nằm ôm chân núi. Đây sông Hàn, kia cầu Thuận Phước vắt mình ngang biển, những con đường, tòa nhà lung linh trong ánh đèn.
Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là hoàng hôn đang buông mình trên dải núi sẫm màu chiều. Có phải đầm Lập An đang ánh lên những vạt nắng cuối cùng? Ở đâu, dưới những chân núi xa xăm mờ kia, là bãi biển thôn Đồng Dương của những buổi chiều mưa giăng lất phất. Chiều bình yên quá, liệu đến bao giờ tôi mới quên được Lăng Cô?
- Theo Yến Thanh (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác
0 nhận xét: