Về làng nón Tri Lễ

Cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, ở phía bên kia quốc lộ 21B là con đường nhỏ dẫn vào Tri Lễ (xã tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây cũ), một làng nghề chuyên làm mũ nón lá, đặc biệt là một loại mũ có tên là mũ Lâm Xung.

< Trên đường làng.

Chúng tôi đến Tri Lễ vào tầm trưa, khi phiên chợ nhỏ họp trước chợ đình đã tan, người dân đang lặng lẽ gom hàng chở về nhà. Không khí mộc mạc thanh bình của một làng quê Bắc Bộ như đặc quánh.

< Phơi lá nón ở đình làng.

Cổng làng cũ kỹ tróc lở tường vôi được xây từ năm 1934 gợi cảm giác gần gũi như trở về nhà. Sau buổi chợ phiên, sau những tất bật ngày thường, trên con đường nhỏ râm mát những người phụ nữ thôn quê thanh thản đạp xe.

< Lá nón phơi đầy sân nhà.

Cũng trên con đường đó, đi đến tận cùng, sẽ dắt khách lữ hành ra một cánh đồng mênh mông gió lộng.

< Một người phụ nữ đang trải rộng lá nón để phơi nắng.

Ngó vào bất kỳ chiếc cổng nhà nào mở ngỏ, cũng thấy lá nón phơi đầy, trắng lóa trước sân. Các bà, các mẹ, các chị đang chăm chú khâu mũ, khâu nón trong nhà tò mò nhìn ra đám khách lạ đang lơ ngơ ngoài cổng, rồi tíu tít mời vào nhà uống chén trà xanh.

< Khâu nón và khâu mũ Lâm Xung là công việc thường ngày của phụ nữ làng Tri Lễ.

Đám trẻ mẫu giáo không phải đến trường thơ thẩn chơi từ nhà ra ngõ, hay ngồi nghịch ngợm trước hiên nhà.
Tiếng gà gáy trưa eo óc, khi nắng cứ bừng lên trên tàng cây duối, qua phên liếp cửa, trong góc sân nhà.

Cái miên man bình lặng của Tri Lễ cứ vấn vít trên từng bước chân rón rén… Thi thoảng tiếng rao “ai lông gà, lông vịt bán đổi đêê... ê... ”… làm xao động cả con đường…

- Theo Băng Giang (TTO)