Về quê Chí Phèo ăn chuối tiến vua
< Chuối ngự.
Thú vị hơn, trong ngôi nhà cũ của nhà văn Nam Cao, chúng tôi được thưởng thức món chuối nổi tiếng thơm ngon, độc đáo- đó là chuối Ngự Đại Hoàng, hay còn gọi là chuối tiến vua, sản phẩm vừa được cơ quan chức năng dán tem nhãn chỉ dẫn địa lý.
Một không gian toàn chuối của làng Đại Hoàng khiến chúng tôi nhớ đến mối tình quê năm xưa của Thị Nở và Chí Phèo.
Để lại nhiều ấn tượng trong truyện ngắn "Làng Vũ Đại ngày ấy" của nhà văn Nam Cao là chi tiết Thị Nở và Chí Phèo đã có những giây phút bên nhau tại vườn chuối cạnh bờ sông- Cũng chính tại đó Chí và Thị đã "bén duyên".
Sản vật lừng danh
Hàng trăm năm qua, chuối vẫn là thứ cây được trồng phổ biến tại đây, điều đó tạo lên hình ảnh thật yên ả, thanh bình và như một biểu tượng của vùng quê bên dòng sông Châu trù phú. Phải chăng vì vậy mà khu vườn của nhà văn Nam Cao và cũng là vườn của Lão Hạc (nhân vật trong một truyện ngắn của Nam Cao) được trồng rất nhiều giống chuối tiến vua.
Trong tiềm thức của người dân Đại Hoàng còn âm vang mãi về một sự tích: vào thời Trần, hàng năm vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua.
Cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua với niềm cung kính mong được nhà vua thông cảm.
Trông thấy buồng chuối nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng và đẹp mắt lạ thường, vua cho gọi vào. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân khắp nơi cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự.
Ông Phạm Văn Hưng, 55 tuổi, thôn Đại Hoàng khoe rằng: Thật khó tìm đâu loại chuối thơm ngon, ngọt như chuối Ngự, đặc biệt nếu chuối được trồng trên đồng đất làng Đại Hoàng sẽ ngon hơn rất nhiều.
Khác với loại chuối thông thường, chuối Ngự nhỏ hơn, khi chín chuối có màu vàng da cam, cuống quả có màu xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua vươn dài cong cong rất đẹp. Vỏ mỏng, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, quyến rũ mà ăn nhiều không cảm thấy chán.
Cũng theo ông Hưng, mặc dù thơm ngon có tiếng nhưng chuối Ngự cũng có thời kỳ bị mai một, khi năm 1980, xã vận động người dân chặt chuối để trồng cây lương thực, cây chuối Ngự đã gần như mất hẳn. Theo kinh nghiệm của người dân Đại Hoàng, chuối Ngự thân cao, yếu, giòn dễ gãy đổ nên khi có buồng cần có cột chống.
Hàng năm có thể bồi gốc bằng bùn trên mặt liếp sẽ giữ cho vườn chuối bền lâu, năng suất cao. Khi chuối đã già thì thu hoạch và rấm bằng hơi nóng do đốt trấu hoặc đốt hương trong lò kín. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ chuối Ngự rất lớn, đặc biệt vào dịp lễ tết, ngày rằm hay mùng 1 hàng tháng.
Xây dựng thương hiệu
Người dân huyện Lý Nhân luôn tự hào về đặc sản chuối của quê hương, bởi vậy mỗi khi có khách quý các gia đình thường thết đãi bằng chuối Ngự, đặc biệt nếu vào mùa thu mà được thưởng thức chuối Ngự cùng với cốm lúa non thì thật "không gì sánh bằng".
Trước nguy cơ biến mất giống chuối quý, từ năm 2001 đến nay, được dự án Bảo tồn gien chuối quý hiếm của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) tài trợ nên diện tích trồng chuối tại huyện Lý Nhân đang dần được hồi phục.
Trong nhiều năm liền Sở NN-PTNT Hà Nam phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và các hộ dân làng Đại Hoàng triển khai thực hiện dự án bảo tồn gien giống chuối quí này và phát triển thành vùng chuyên canh trồng chuối Ngự đặc sản.
Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quí hiếm này của nước ta.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng tổ chức lễ gắn tem nhãn chuối Ngự Đại Hoàng nhằm quản lý và phát triển Chỉ dẫn dịa lý "Đại Hoàng" cho sản phẩm chuối Ngự của Hà Nam.
Đến nay, diện tích trồng chuối của huyện Lý Nhân đã tăng đáng kể (khoảng hơn 100 ha). Theo đánh giá của các nhà khoa học, chuối Ngự là loại cây dễ trồng, cho năng suất cao. Mỗi nải chuối trung bình có giá bán 10.000-15.000 đồng; thời điểm Tết, đỉnh điểm có nải bán được cả trăm ngàn, mỗi buồng chuối có từ 5-7 nải, thời gian cho buồng từ 6-8 tháng.
Sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng được gắn tem nhãn là một bước ngoặt quan trọng và có ý nghĩa lớn không chỉ đối với người dân xã Hòa Hậu, mà còn là niềm vui của người dân Lý Nhân nói chung. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm nổi tiếng của Hà Nam.
Tuy nhiên, để phát huy giá trị của tem nhãn và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng, việc duy trì chất lượng sản phẩm là yếu tố hết sức quan trọng. Ý thức người dân trong việc nâng cao chất lượng chuối cũng tăng lên, nhiều hộ gia đình đã xây dựng quy trình chăm sóc, bảo vệ chuối một cách công phu hơn như việc bọc giấy nilon cho buồng chuối, quy trình chăm sóc cũng cầu kỳ hơn từ việc bón phân, rấm chín và thu hoạch... từ đó từng bước đưa sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
- Theo GĐ&XH, ảnh internet
0 nhận xét: