Có một Đà Lạt khác nhìn từ sau vô-lăng
Ngồi sau tay lái với kính xe trong veo, với làn gió mát lạnh mơn man bên tay lái, thỉnh thoảng một vài hạt mưa còn sót lại bay táp vào mặt. Bỗng có cảm giác bao nhiêu mệt mỏi sau quãng đường hơn 300 cây số như tiêu tan hết. Cả nhà thấy tỉnh táo hơn, phấn khích hơn với khung cảnh lạnh mát sau mưa của đèo Prenn.
Ai đó có lẽ đã đúng khi nói, cái lạnh của Đà Lạt khiến du khách ăn ngon hơn, mang đến cho du khách cảm giác uống rượu lên “đô”, lâu say hơn.
Tôi muốn bổ sung thêm, với khung cảnh, đường xá và cái lạnh của miền cao nguyên, lái xe ở Đà Lạt chắc chắn là sướng hơn nhiều vùng khác, ít nhất là so với Sài Gòn, so với Đồng Nai, so với suốt chặng đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt.
Con đường dốc quanh co uốn lượn, lên xuống liên tục đem đến cho người lái cảm giác chiếc xe như bốc hơn, đánh vòng cua ngọt hơn. Xe của tôi 7 chỗ, một cầu, số tự động, ghế da, kính bấm, không sunroof, ít đồ chơi. Nhưng biết đủ là đủ. Chừng nào có điều kiện đổi xe sau, còn hiện tại, chiếc xe cứ lướt đi, lướt đi. Bên này là những biệt thự thấp thoáng dưới tán cây. Bên kia là rừng thông ẩm ướt, phía xa xa là ngọn núi.
Thỉnh thoảng, xe lại qua đoạn cua vòng cung, một bên là núi một bên là vực, ngồi trên xe thấy ngọn cây ở ngang tầm mắt. Vào đến nội thành, vợ tôi bảo “chạy một vòng quanh Hồ Xuân Hương rồi hãy đi nhận phòng”. Ở gần chợ, xe đông hơn, đường phố nhiều người hơn nhưng vẫn không thấy sự xô bồ. Ở Đà Lạt, người đi trên đường phố cũng có nét gì đó thong dong. Có lẽ đó là nhịp sống chậm mà cư dân các thành phố lớn vẫn thèm. Tôi đóng kính xe, mở một bản nhạc quen thuộc mà chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi lần nghe tại Đà Lạt lại thấy khác hơn: “Thành phố buồn, nhớ không em…”.
Ý tưởng đổi lịch đến các điểm tham quan thành chuyến đi lang thang đến với chúng tôi vào buổi sáng hôm sau, ngay lúc khởi hành.
Qua vài con phố để tìm đường, vợ tôi bảo: “thôi đừng đến mấy điểm tham quan đông người, mình đi Đà Lạt bao nhiêu lần rồi, có chỗ nào lạ đâu. Cứ lái xe đi vòng vòng có khi lại hay hơn”. Con trai tôi, đang tuổi teen, ngồi phía sau hưởng ứng: “yeah, đúng rồi!”. Xe vừa đến một ngã ba, tôi “chấp hành” bằng cách quẹo ngay, không hề biết và không cần biết đường đó dẫn đến đâu.
Lâu lâu rồi, cả nhà mới có giây phút bên nhau như thế này. Con không phải nghĩ đến việc làm bài tập môn này, trả bài môn nọ, bố mẹ thoát ra khỏi áp lực công việc, không cần lo chiều nay phải xong báo cáo, ngày mai phải họp, ngày mốt phải thuyết trình. Cả nhà bên nhau như trong căn phòng thân thuộc của mình. Chỉ có cái khác, “căn phòng” này là một không gian di động. Chúng tôi đi mà không cần nghĩ thế là nhanh hay chậm, không cần biết đến mấy giờ phải về.
Chiếc xe đi qua một vùng có những vườn rau, vườn hoa trong nhà lưới, có những ngôi nhà nhỏ ven đường với hàng rào hoa rung rinh trước gió. Chiếc xe đi qua vùng đồi có rừng thông non lá xanh mơn mởn rồi lại đến khu rừng với “đường quanh co lượn gốc thông già”.
Có khi cả đoạn đường chẳng gặp xe hơi nào đi ngược chiều. Mở cửa kính, thong dong cho gió núi ùa vào, tôi giữ tốc độ trên dưới 50 – 60km/giờ. Có những đoạn đường tốt, xe lướt đi êm êm, lâu lâu gặp đoạn đường xấu, tiếng dội giàn gầm lúc nào đó có thể gây khó chịu nhưng lúc này lại mang tới “cảm giác lái” thú vị!
Cả nhà rì rầm trò chuyện, thích gì nói đấy, từ chuyện quả táo của Newton đến chuyện Drogba rời Chelsea, từ chuyện cài đặt Ipad đến chuyện tivi tối nay có gì. Cao hứng lên, vợ con nói thích nghe bài hát nào đó, chỉ cần vài thao tác chọn bài là cả “không gian di động” ngập tràn trong âm thanh. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều hát theo nho nhỏ rồi chìm đắm vào những ý nghĩ riêng của mình.
Chạy một hồi, ngẫu nhiên nhìn bảng chỉ đường ghi một địa danh nào đó mới nhận ra hướng mình đang đi, nếu không thích lại quay đầu xe tìm hướng khác.
Đường ven hồ Tuyền Lâm, đường đến Suối Vàng, đường đi Lang Biang... Đà Lạt có rất nhiều những đoạn đường có đèo, dốc. Quá trưa, chúng tôi ghé vào một quán ăn vắng vẻ. Quán nằm ngay khúc cua ven đường, dưới chân núi, cạnh hồ. Mỗi nhóm thực khách có thể chọn một căn lều nào đó.
Trong lúc chủ quán làm đồ ăn thì cả nhà thảnh thơi nằm võng. Không gian im ắng, thỉnh thoảng có cơn gió mát lạnh từ phía hồ thổi lên phía núi, qua rặng thông vi vu, vi vu. Lâu lâu mới có một chuyến xe đò đi ngang ngoài lộ, nghe âm thanh biết xe giảm tốc vào cua rồi lại rồ ga tăng tốc, tiếng bánh xe xiết trên mặt đường xa dần, nhỏ dần, trả lại cho không gian sự im ắng thanh bình.
Nói đến lái xe ở Đà Lạt mà không nhắc đến mưa, sương và cái lạnh buổi sáng sớm có lẽ là chưa đủ. Đà Lạt có cả mưa rào và mưa dầm. Vào đèo gặp trời mưa, nhìn bên ngoài cây lá lướt thướt ngả nghiêng, bỗng thấy không gian trong xe thêm phần ấm áp. Biết là mưa thì tầm nhìn hạn chế, đường trơn, có đoạn lầy lội nhưng vẫn thích ôm vô- lăng đi trong mưa gió.
Một buổi thức giấc sớm, khi vợ con còn yên giấc, mình tôi lấy xe ra đường nhắm hướng Hồ Xuân Hương thẳng tiến.
Xe để qua đêm ướt đẫm sương, đồng hồ chỉ nhiệt độ bên ngoài là 10 độ C, thấp hơn bên trong xe. Dù biết số đo này chỉ để tham khảo thì vẫn cần nói rằng, đây là trạng thái hầu như chưa từng gặp ở Sài Gòn. Buổi sáng Đà Lạt đường vắng, chỉ cần lên chừng 40km/giờ đã thấy gió lạnh táp vào mặt, vào người. Quanh Hồ Xuân Hương, lác đác có người tập thể dục, vài người đi đâu sớm với vẻ co ro.
Mặt hồ lăn tăn sóng, gió từ phía hồ mang theo hơi lạnh. Ở bờ bên này nhìn sang bờ bên kia còn thấy làn sương mong manh như khói. Một mình trong xe, mở nhạc to lên, vừa chạy trong khí lạnh vừa hát theo, tự nhiên thấy mình hát hay hơn. Đôi khi, dừng xe ven đường, mang máy ảnh ra chụp vài kiểu rồi lại lên xe lái đi. Chừng một hai vòng quanh hồ, cái lạnh đã ngấm vào người, có thể tìm một quán ven đường nhỏ nhỏ nào đó gọi ly càphê nóng ấm.
Ngày vui qua mau. Thoắt cái đã hết buổi sáng. Thoáng cái là hết một ngày. Ngồi nhẩm tính thấy kỳ nghỉ sắp hết. Chưa về mà đã nhớ Đà Lạt!
Vài Kinh nghiệm cá nhân trước khi lái xe gia đình đi du lịch
Trước khi đi đường dài, nên đưa xe đến dịch vụ bảo trì để kiểm tra kỹ thuật cần thiết. Đổ đầy xăng. Lưu số điện thoại của người bảo trì xe, hỏi thăm các mối quan hệ, điểm dịch vụ bảo trì của hãng, cây xăng có thể tin cậy ở nơi sắp đến. Việc này sẽ tạo an tâm khi lái xe đến vùng lạ, có thể trao đổi khi thấy bất cứ dấu hiệu lạ nào trên xe.
Chuẩn bị, sắp xếp đồ đạc theo sở thích chu đáo: nước uống, bánh kẹo, trái cây, đồ ăn vặt dọc đường…; chuẩn bị danh mục bài hát theo ý thích phù hợp với thiết bị của xe, dễ tìm. Sắp xếp đồ đạc trên xe hợp lý, cái gì có thể cần dùng dọc đường như máy ảnh, giấy tờ thì để gọn gàng, dễ lấy.
Cài đặt điện thoại thích hợp, nên giao điện thoại cho người ngồi bên cạnh và chỉ ưu tiên nghe số ít thuê bao thật cần thiết. Nên vệ sinh xe trước khi đi, chuẩn bị các loại gối, mền riêng của từng người để đảm bảo có một không gian sạch sẽ mà mọi thành viên của gia đình đều thấy thoải mái, yêu thích.
- Theo Hưng Long, AQ, HL (SGTT), internet
0 nhận xét: