Giồng Trôm: Vùng đất thiêng huyền thoại
Vậy là chúng tôi về Giồng Trôm để cảm nhận sự đổi thay lạ lẫm trên vùng đất anh hùng một thời đạn bom, một thời khói lửa. Đường đi đã khá thuận lợi bởi không còn cảnh lụy phà Rạch Miểu như trước đây, thay vào đó là chiếc cầu kiên cố, cao sừng sững đang mênh mông bốn bề gió lộng.
Con đường thành phố Bến Tre xuôi về huyện Giồng Trôm như hẹp dần đi tạo cảm giác như đang chui vào cái rọ của cù lao Bảo. Gió từ biển Ba Tri thổi về phần phật. Dòng xe các loại cứ nối đuôi nhau. Hai bên đường bát ngát dừa xanh và ngan ngát mùi dầu dừa từ các cơ sở chế biến.
Anh bạn đi cùng lần đầu tiên đến đây khá bất ngờ khi bắt gặp những cái tên cầu thật ngộ nghĩnh như : Cá Lóc, Chẹt Sậy... Thuận đường chúng tôi đến thắp nhang ở khu tưởng niệm bà Ba Định – Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trên khuôn viên rộng 1,5ha rất khang trang sạch đẹp và uy nghi, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng.
Người dân ở đây cho biết, du khách các nơi đến tham quan rất nhiều nhất là vào các dịp lễ tết, đây cũng là điểm để các trường tổ chức giáo dục truyền thống quê hương cho học sinh. Cạnh bên là ngôi trường THCS đồ sộ mang tên người con gái anh hùng xứ dừa Nguyễn Thị Định.
Đến đây du khách không thể bỏ qua việc tham quan khu mộ cổ còn lưu lại nhiều hiện vật điêu khắc, mỹ thuật rất có giá trị của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và nhiều câu chuyện kể rất hào hùng về người anh hùng áo vải này. Đây, khu di tích lịch sử tưởng niệm nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị toạ lạc tại xã Thạnh Phú Đông rất hoành tráng và uy nghiêm mở lòng đón khách gần xa đến tham quan, thưởng lãm, nghiền ngẫm những vần thơ yêu nước trở thành bút thép tuyên chiến với quân thù.
Thú vị lắm khi vừa tận mắt ngắm nhìn khung cảnh dịu mát thơ mộng xanh rờn của dừa vừa nghe kể chuyện về vùng đất huyền thoại nầy. Nào là chuyện xã Thạnh Phú Đông có đến 422 liệt sỹ, còn thương binh, gia đình có công với nước thì không kể xiết. Nào là chuyện bà “Ba Định” làm nên cuộc Đồng Khởi đi vào huyền thoại với đội quân tóc dài năm 1960; đây, Trung tướng Đồng Văn Cống làm Mỹ ngụy khiếp kinh trên chiến trường miền Nam; đất thiêng này còn là nơi sinh ra Đại tướng Lê Văn Dũng nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, và còn biết bao tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Đến Giồng Trôm, du khách còn được hiểu thêm về câu tục ngữ dân gian “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”, hai làng nghề truyền thống này xuất hiện cả trăm năm nay, là niềm tự hào của người dân nơi đây, hiện nay đang phát triển rất mạnh tạo thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Cạnh đó chắc chắn bạn sẽ được chiêu đãi bữa cơm “đặc biệt” với ba món ăn rất “đặc chủng” của Giồng Trôm là: mắm còng trộn khóm, tép rang dừa và cháo sò kèm với mấy chai rượu Phú Lễ chính hiệu ngâm chuối hột.
Đa số du khách ăn xong phải mua hàng chục hủ mắm còng làm quà cho bè bạn bởi hương vị thơm ngon không đâu có được. Xin mời bạn xuống xuồng “ bảy lá” để được len lỏi, lạc lối trong rừng dừa bạt ngàn xanh thẫm, được uống nước dừa xiêm mát tận đáy lòng, được ngắm nhìn những cô gái xứ dừa mặc áo bà ba tóc dài bay trong gió trở thành cung bậc thanh âm trong bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ‘‘Dáng đứng Bến Tre”.
Giồng Trôm còn là điểm lý tưởng để rất nhiều nhà làm phim, các đoàn nghệ thuật chọn cảnh quay bởi sự hiền hòa, chân chất mang đậm nét thiên nhiên chưa mai một. Không kỳ thú sao được với những con sông rất đẹp và nên thơ uốn khúc dưới những rặng dừa xanh ngan ngát.
Không lý tưởng sao được trong không khí man mác nét uy thiêng cổ kính của những di tích lịch sử mà hồn người xưa còn vương vấn đâu đây đang hòa nhịp hối hả dựng xây quê hương sau tháng ngày khó khăn gian khổ.
Không bất ngờ sao được khi mỗi con người nơi đây thật giản dị, chân chất, thiệt thà nhưng kể chuyện quê nhà đánh giặc thì giòn như “bắp nướng”.
- Theo Tô Phục Hưng (Báo Du Lịch), internet
0 nhận xét: