Khám phá địa đạo Thì Thùng
Trên đỉnh cao nguyên này, có một mặt bằng gò bãi rộng lớn và một hệ thống hầm địa đạo của quân và dân Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tổng chiều dài địa đạo là 1.948 m xuyên qua gò Thì Thùng, sâu 4,5 m, rộng 0,8 m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20 m chừa một cửa hông có ngụy trang.
Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là hệ thống giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Công trình Địa đạo Gò Thì Thùng khởi công ngày 10/5/1964 và hoàn thành sau 15 tháng trong điều kiện hết sức khó khăn, để tránh bị địch phát hiện, ta phải tiến hành đào vào ban đêm bằng những phương tiện thô sơ.
< Miệng cửa chính vào hệ thống địa đạo gò Thì Thùng.
Ngoài đường hầm chính và những đường nhánh nằm sâu dưới mặt đất 5 mét và dài 2 km, xung quanh Gò Thì Thùng được đào nhiều lớp chiến hào dài gần 10 km, chằng chịt thông với nhau và thông vào địa đạo. Hệ thống bãi chông, công sự, giao thông hào liên hoàn với địa đạo tạo thành một trận địa kiên cố, giúp lực lượng quân đội chủ lực và du kích địa phương tổ chức bố phòng, vận dụng cách đánh sáng tạo và đã lập nên nhiều chiến công vang dội.
Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta. Ngày nay, đường về địa đạo gò Thì Thùng đã được rải nhựa thông thoáng.
Và nói đến An Xuân, số đông người sẽ nhớ ngay đến một hệ thống hầm địa đạo mang tầm cỡ quốc gia, nhớ đến đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm, ngày hội duy nhất có ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.
< Đường về An Xuân.
Dù còn thiếu nhiều dịch vụ phục vụ du lịch, tuy nhiên đến An Xuân, du khách sẽ có được cảm giác mát lành của khí hậu vùng cao, được tận mắt thấy di tích lịch sử tầm cỡ ở chiến trường xưa, được thưởng thức nhiều món dân dã ngon như canh chua lá dít, các loại rau rừng…
Tuy nhiên địa đạo có nguy cơ bị “xóa sổ” do không được trùng tu, tôn tạo; người dân tự phát trồng sắn ở hầu như toàn bộ khu vực với diện tích khoảng 27 ha.
Theo Chủ tịch UBND xã An Xuân Trần Quang Minh, khoảng 10 ha đất trong khu di tích đã bị người dân cày xới để trồng sắn. Song theo quan sát của phóng viên, hiện toàn bộ khu di tích đã bị “nông nghiệp hóa” với loại cây trồng chủ yếu là cây sắn.
< Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đã 2 năm song nơi đây vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo.
Có không dưới 20 hộ dân đã trồng sắn trong khu di tích lịch sử quốc gia này. Một thực tế là trước khi Địa đạo Gò Thì Thùng được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia vào đầu năm 2009, hầu hết diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi người dân chuyển sang trồng sắn rất khó xử lý.
Ông Trần Quang Minh chia sẻ: Hiện di tích đã bị biến dạng nhiều so với hiện trạng ban đầu. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư. Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên và huyện Tuy An cần xem xét lại thu hồi lại quyền sử dụng đất trong khu vực địa đạo Gò Thì Thùng, xây dựng kế hoạch trùng tu để bảo vệ di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng.
- Tổng hợp từ Thanhnien, Tintuc... và nhiều nguồn ảnh khác
0 nhận xét: