Đền ông Hoàng Mười – chốn tâm linh xứ Nghệ
Đền còn có tên gọi là đền Củi, được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Trước đây đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững, ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, đền phải tạm rời vào làng. Đến năm 1995, đền mới được khôi phục lại và vẫn giữ được hình dáng ban đầu.
Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ngoài ra đền ông Hoàng Mười hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt có 21 đạo sắc, bản thần tích những tài liệu hán tự, hệ thống tượng pháp...
Đền Hoàng Mười thờ theo hệ thống đạo mẫu tứ phủ, nghĩa là bốn cõi, mỗi cõi đều được một bà mẹ chủ trì. Mẫu Cửu Trùng chủ cõi trời, Mẫu Thượng Ngàn chủ cõi non, Mẫu Thoải chủ cõi nước, Mẫu Địa chủ cõi trần gian.
Ngoài ra, đền còn thờ 5 vị tướng, mười hai vị cô và 10 vị hoàng. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười, con trai Bát Hải Đại Vương ở hồ Đông Đình. Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ, không ít nơi lập đền thờ ngài. Di tích đền ông Hoàng Mười ngoài giá trị văn hóa lịch còn có cảnh quan hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông. Di tích toạ lạc trên vùng “sơn thuỷ hữu tình”.
Theo dân gian, ông Hoàng Mười là người văn võ toàn tài nên được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An, được đặc cách toàn quyền khâm sai kiểm soát ở xứ Nghệ, ông có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ người nghèo.
Căn cứ vào các sắc phong được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thần Hoàng Mười được thờ chính trong đền là nhân vật có thật. Ông là Đại tướng họ Nguyễn tên tự Duy Lạc, là người có tài thao lược, đã từng phò tá vua Lê, được phong đến chức Đô chỉ huy sứ. Là vị anh hùng cầm hàng vạn quân đi dẹp giặc. Về sau lại có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi quân nhà Nguyễn cướp 7 huyện Nam Hà, nay là vùng đất Hà Tĩnh và tả ngạn sông Lam bao gồm Thanh Chương, Nam Đàn nên được phong chức Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân, cẩm y vệ,...
Theo gia phả họ Nguyễn tại thôn Xuân Am thì Nguyễn Duy Lạc sinh năm Mậu Ngọ và mất ngày 12/2 năm Kỷ Mão, có công giúp làng 100 quan tiền, 2 mẫu ruộng nên được thờ cúng trong đền. Ông là con trai thứ năm của Nguyễn Phúc Tâm. Khi Nguyễn Duy Lạc được sắc phong là Vị quốc công, người cha được sắc phong Phúc quốc công, còn người con cả Nguyễn Duy Nhân cũng được phong Đặc tiến hộ quốc thượng tướng quân. Cả ba cha con họ Nguyễn đều được sắc phong và được nhân dân thờ cúng tại đền Xuân Am. Đức Hoàng Mười được thờ trong hệ thống đạo mẫu tứ phủ nghĩa là đã được thần thánh hóa. Ngày nay tại đền Hoàng Mười vẫn còn lăng mộ Nguyễn Duy Lạc. Trên án thờ có đắp thanh gươm và cây bút lớn vươn thẳng lên trời xanh.
Đền Hoàng Mười ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ, hằng năm, vào những dịp lễ hội, các ngày rằm, mùng 1, hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến kính cẩn thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính, cầu cho gia đình ấm no hạnh phúc, cầu cho quốc thái dân an.
Đặc biệt, vào ngày 10/10 âm lịch diễn ra lễ hội đền ông Hoàng Mười. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người…
Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.
Trong những năm qua, đền cũng nhận được sự quan tâm đầu tư tôn tạo từ lãnh đạo các cấp để ngôi đền ngày càng khanh trang hơn, phục vụ đời sống tâm linh của người dân.
Lễ hội Đức thánh Hoàng Mười
- Địa điểm: Tại đền thờ và mộ đức thánh Hoàng Mười - Xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An Lễ hội diễn ra hai lần trong một năm, một là lễ hội rước sắc vào ngày 15/3 âm lịch, hai là lễ khai điển vào ngày 10/10 âm lịch - ngày kỵ ông Hoàng Mười để ghi nhớ công đức của Ngài
- Phần lễ: - Sáng ngày 14/3 âm lịch: lễ yết cáo - Tối ngày 14/3 âm lịch: lễ đại tế - Sáng ngày 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương - Tối ngày 15/3 âm lịch: lễ yết cáo - Tối ngày 09/10 âm lịch: lễ đại tế - Sáng ngày 10/10/âm lịch: lễ tưởng niệm,dâng hương - Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ
- Phần hội: - Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền. - Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người. - Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
- Theo Kinh tế Nông thôn, Quehuong, ảnh internet
0 nhận xét: