Kỳ vỹ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Tuy "sinh sau đẻ muộn" hơn ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Sa Pa (Lào Cai), nhưng danh thắng quốc gia ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) có những nét độc đáo riêng mà nhiều người chưa biết đến... 

Nhờ bàn tay khéo léo, sáng tạo của con người, những "cánh đồng" ruộng bậc thang hàng nghìn bậc được người La Chí, Nùng, Dao... ở Hà Giang khai hoang từ trên dưới 300 năm trước.
Những hình ảnh nhân tạo tuyệt sắc của bao đời ấy đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng cấp quốc gia ngày 1.11.2011 (lễ đón nhận diễn ra tối 16.9.2012).

Những cái nhất...

Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Ruộng bậc thang ở đây  được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm khai hoang của bao thế hệ người La Chí, Dao, Nùng. Bà con đã đổ nhiều mồ hôi, xương máu để đổi lấy những thửa ruộng kỳ vĩ uốn lượn theo từng thế núi, thế sông.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ mang những giá trị về mặt vật chất mà còn mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá và thẩm mỹ. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây không đơn thuần chỉ là tư liệu sản xuất của bà con mà còn mang ý nghĩa minh chứng rõ ràng nhất về lịch sử cư trú từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Hoàng Su Phì.

Nhắc đến ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không thể không nói đến ruộng bậc thang ở hai xã Bản Luốc và Bản Phùng, đây thực sự là một công trình nhân tạo kỳ vỹ khó nơi nào có được. Những thửa ruộng bậc thang nhìn từ dưới lên như những đồng bạc trắng được xếp tầng. Bà con người Nùng, Dao, La Chí sinh sống giữa những cánh đồng "treo" trên lưng chừng núi, trồng lúa nước và cả lúa nương vào mùa khô.

Ông Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang - cho biết: "Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có ba cái nhất mà các danh thắng ruộng bậc thang khác như ở Mù Cang Chải, Sa Pa... không có. Đó là "đồng" ruộng bậc thang rộng nhất tại xã Bản Luốc khoảng gần 200ha.

Thứ 2 là di tích có 6 điểm với tổng diện tích 764,8ha, hình thành trên dưới 300 năm, giữa những vùng ruộng có nhà dân sinh sống từ lâu đời, chủ yếu là người La Chí, Nùng, Dao. Thứ 3 là về độ cao xếp tầng của những thửa ruộng, có những điểm cao khoảng 1.500m từ dưới chân dốc lên đến đỉnh. Có tới hàng nghìn bậc, mỗi bậc cách nhau khoảng 1m, đặc biệt là ruộng ở xã Bản Luốc".

Trải qua hàng trăm năm, những thửa ruộng ấy vẫn tồn tại trong gió núi, mây ngàn cũng như những đợt lũ ống quét qua. Có được như vậy là nhờ công chăm sóc của những nghệ nhân. Cụ Vàng Thị Dể, người La Chí, nay đã bước sang tuổi 82, cũng chừng ấy năm gắn bó với ruộng.

Là một trong những người tạo ra ruộng bậc thang giỏi, cụ nhớ lại: "Ruộng bậc thang khó nhất là lúc khai hoang, tiếp nữa là khi chuẩn bị vào mùa cấy, việc làm cỏ đắp bờ cũng vô vùng khó khăn, vì bờ cao, mùa mưa nhiều nước dễ vỡ bờ nên nhiều nơi phải kè đá, đóng cọc quanh bờ. Nếu không làm kiên cố khi vỡ bờ là đất màu trôi hết, thậm chí thửa ruộng trên vỡ, thửa dưới cũng vỡ theo.

Từ xưa tới nay dụng cụ để phục vụ cho sản xuất lúa trên ruộng bậc thang là cuốc, cào, cày với sự giúp sức của trâu kéo". Những mảnh ruộng ấy đã thấm đẫm mồ hôi của biết bao con người nơi rẻo cao địa đầu tổ quốc này. Thành quả của bà con xứng đáng được vinh danh, thậm chí là ở tầm cao hơn nữa vươn ra thế giới.

... và những nét văn hóa độc đáo

Ông Vương Văn Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng - tự hào: "Đối với người La Chí ở xã Bản Phùng thì ruộng bậc thang không biết được hình thành từ bao giờ. đó là thành quả của cả một quá trình lao động không biết mệt mỏi của bao người, rồi những thửa ruộng ấy được coi là tài sản vô giá truyền từ đời này sang đời khác. Ruộng bậc thang nơi đây ngoài mang lại nguồn giá trị vật chất to lớn còn ẩn chứa nét văn hóa độc đáo của cả một dân tộc".

Từ trung tâm xã Bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng, đâu cũng là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín. Ở Bản Phùng đa số là người La Chí, những ngôi nhà sàn lô nhô giữa cánh đồng hiu quạnh, xung quanh ruộng bậc thang kéo dài từ làng này sang làng khác, từ đỉnh núi này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối. Nhìn từ trên cao ruộng bậc thang như một dải lụa xanh đang tung bay trong gió rộng cả cây số từ đỉnh xuống chân núi.

Đứng ở một địa điểm quan sát đẹp nhất thuộc xã Bản Phùng, anh Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hoá huyện Hoàng Su Phì, chia sẻ:

"Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì ẩn chứa những sắc thái, phong tục, tập quán canh tác, sinh sống riêng của từng dân tộc. Nhìn vào đồng ruộng có thể đoán được đó là ruộng của đồng bào dân tộc nào. Người Dao và người Nùng thường làm ruộng xen kẽ những cánh rừng, thậm chí len lỏi mỗi nơi một ít nên họ thường khai hoang ở xa nhà. Còn người La Chí thì xung quanh nhà đều là ruộng, cùng lắm cạnh nhà là vườn rau chứ ít khi họ để đất trống. Chính vì thế khi đi từ trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang vào Hoàng Su Phì sẽ bắt gặp những đồng ruộng chín lốm đốm vàng trong rừng xanh tạo nên một phong cảnh độc đáo".

Được biết, mùa khai phá ruộng của người Dao ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu ngay sau khi ăn Tết xong, nhưng người La Chí ở Bản Phùng lại khai ruộng vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Mỗi dân tộc có tín ngưỡng nông nghiệp, nghi lễ cúng bái, cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới khác nhau, chứa đựng trong nó là kho tàng văn hóa từng tộc người.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là đề tài sáng tác vô tận của giới văn nghệ sỹ, nhiếp ảnh mỗi khi có dịp ngang qua miền biên ải còn khó khăn này. Với việc được công nhận là Di tích cấp quốc gia, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng công trình độc đáo và mang nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của bà con vùng cao Hà Giang.

Ông Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang - cho biết: "Chúng tôi sẽ tổ chức lễ đón nhận vào trung tuần tháng 8 âm lịch, vì khi đó lúa chín sẽ rất đẹp và kết hợp ngày hội văn hóa của huyện Hoàng Su Phì để du khách và bà con thấy đây là sự kiện mà họ xứng đáng được đón nhận. Chúng tôi đã có quy hoạch để bảo vệ di tích này. Đồng thời sẽ khuyến khích bà con cấy hái để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đưa nơi này trở thành điểm hấp dẫn du lịch về phía tây của tỉnh vì có đường giao thông thuận tiện".

Điều cần thiết nhất cần thực hiện ngay từ lúc này là công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của danh thắng, ông Thương cho hay: "Trước mắt chúng tôi đã quy hoạch, về lâu dài sẽ giao di sản này cho huyện, và huyện sẽ giao cho xã, xã phối hợp với thôn, tức là bà con chỉ được phép khai thác, trồng cấy chứ không được thay đổi. Ví như không được phá bỏ bờ ruộng, chúng tôi đã khoanh vùng, chụp ảnh và đếm từng thửa ruộng rồi đo độ dài, ngắn, cao, thấp...
Chúng tôi đã tập huấn cho người dân, họ được lợi từ thu vé du lịch, buôn bán các sản phẩm cho khách du lịch...
Trong tương lai danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước".

- Theo Hoàng Văn Chiên (Laodong), internet