Những ngôi chùa cổ ở Biên Hòa

Vào thế kỷ thứ XVII,đất Biên Hòa – Đồng Nai còn hoang vu. Sử sách đề cập những cảnh núi bạt ngàn, sông rạch chằng chịt với muôn ngàn thú hoang dã trên vùng đất này. Ven sông Đồng Nai (tên gọi xưa là Phước Giang) có một số ít người Châu Ro, Châu Mạ Stiêng…sinh sống rải rác. Vùng đất rộng, ít người ở này trở thành mục tiêu cho những cuộc di dân từ nhiều nơi. Người Việt ở miền Ngũ Quảng (sau này có thêm một số người Hoa trong đòan người do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu/đến vào năm 1679) đã tìm đến đây khai khẩn, sinh sống.

Vùng đất Đồng Nai vốn “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” đón thêm những lớp di dân Việt đến tạo lập cuộc sống mới. Từng hồi, người dân mở làng trước rồi hệ thống nhà nước thiết lập quản lý sau, đất Biên Hòa – Đồng Nai trở nên vùng đất mới đầy sức sống.

Quá trình khai khẩn được chép lại trong nhiều trong sử sách. Trong quá trình khai khẩn, tạo lập trên vùng đất mới, cộng đồng cư dân mới đến lần hồi khởi dựng những cơ sở tín ngưỡng đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của mình. Từ đó, những ngôi chùa được khởi dựng.

Tương truyền, lúc mới khởi dựng, hầu hết những ngôi chùa ở Biên Hòa – Đồng Nai được làm bằng cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất. Đây là những nguyên vật liệu sẳn có của vùng đất này; đồng thời thuận lợi cho người dân trong điều kiện sinh sống trên vùng đất mới còn nhiều khó khăn.

1. Những danh lam cổ tự

Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có rất nhiều chùa chiền. Một số chùa được nhắc đến trong sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn. Chắc chắn, những ngôi chùa được nhắc đến đó có lịch sử tạo dựng khá sớm. Có ba ngôi chùa được xem là cổ nhất Biên Hòa và đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia: Chùa Long Thiền, chùa Đại Giác và chùa Bửu Phong.

+ Chùa Long Thiền

Chùa Long Thiền nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa (trước kia thuộc thôn Bình Long, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên).

Theo tài liệu lưu tại Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc, người miền Trung vào khai sáng. Chùa Long Thiền tọa lạc trên một vùng đất long mạch qúy. Trước chùa có sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ xã Hoá An đến Thạnh Hội là “ long mạch của Thanh Long “, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu“ ví như rồng ngậm trái châu.

Trải qua bao thế kỷ, ngôi chùa được khang trang như hiện nay đã phải qua ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1748, đời tổ Phật chiếu dòng Lâm tế thứ 35 xây dựng thêm chánh điện bằng gỗ ba gian, hai chái, có thêm nhà Tổ làm bằng vách ván. Gần một thế kỷ sau, vào năm 1842, đời tổ Tiên Đức dòng Lâm tế thứ 37 trùng tu chùa lần thứ hai. Lần này, Tổ đường được tu bổ lại, cất thêm khách đường và nhà trù (nhà bếp), tường xây gạch, nền lót gạch tàu, nóc vẫn lợp ngói âm dương. Diện mạo chùa khang trang, nghiêm kính được đông đảo Phật tử gần xa đến chiêm bái.

Hơn một trăm năm sau, chùa được trùng tu lần thứ ba do hòa thượng Thích Huệ Thành dòng Lâm tế thứ 40 chủ trì. Nguyên do trùng tu lần này là chùa bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận bão lụt năm 1952 (Nhâm Thìn) . Năm ấy, hơn một tuần lễ, thành phố Biên Hòa chìm trong biển nước mênh mông, chùa Long Thiền chỉ còn cái nóc nhô trên mặt nước và có nguy cơ sụp đổ. Lần trùng tu thứ ba đã đem lại cho ngôi chùa diện mạo mới. Giảng đường, khách đường, tăng đường được xây, mở rộng thêm. Mái lợp ngói tây, riêng nhà trù lợp tôn xi măng. Tường được xây dựng lại hoàn toàn bằng gạch thẻ với chất liệu mới vững chắc. Nền lót gạch tàu và gạch bông, giảng đường có thêm gác lửng. Chánh điện được tôn cao thêm 1 mét, với hành lang, sảnh mở rộng thêm ra hai bên.

Trên khu đất bằng phẳng, trước có sông lặng lờ nước chảy, chùa Long Thiền uy nghiêm, cổ kính nhưng rất hữu tình.

Chùa được xây theo lối kiến trúc hình chữ tam, mặt chính chùa hướng ra sông theo hướng Đông Bắc. Khoảng sân rộng của chùa có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Những nét chạm trỗ công phu của tiền đình khi có ánh nắng của buổi áng xuyên qua tán lá trông lung linh, tuyệt đẹp. Dưới gốc cổ thụ có tượng Phật Di Lặc tọa thiền. Bên tả là nhà tăng, bên hữu là hòn giả sơn phổ đá, tượng Phật Quan Âm đứng uy nghi với nét mặt nhân từ, khoan dung, chan chứa và từ bi. Khuôn viên chùa là khu vườn rộng, còn lưu lại những bảo tháp cổ trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc khai sáng với tấm bia bằng đá xanh chạm trỗ tinh vi. Ngoài ra, còn có hai ngôi mộ cổ –“ mộ Song hồn “- của vị đại thần và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự.

Từ ngoài nhìn vào, ta thấy sự uy nghi, bề thế của ngôi chùa. Chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, tăng đường, nhà trù tiếp nối nhau. Tuỳ theo chức năng của từng nơi trong chùa mà cách bài trí từng mảng hài hòa nhau. Phần chánh điện uy nghiêm tôn kính. Bệ thờ chính thờ Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Tam Thế Phật, Đức Địa Tạng, Ông Tiêu... và các vị Bồ Tát. Đối xứng hai bên thờ Già Lam, Linh Sơn cùng Thập điện Diêm Vương. Dối diện bàn thờ chính là bàn thờ bằng xi măng hai mặt thờ Tiên Diệu Đại Sĩ, Tam châu Hộ pháp cùng đức Thiên Thủ, Thiên Nhãn. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điểu, bát tiên, lý ngư hóa long, nhựt nguyệt, tứ linh được sử dụng trang trí một cách tinh tế trong chánh điện tăng thêm nét cổ kính cho ngôi chùa. Trên khắp xà ngang treo hoành phi khắc chữ Hán sơn son thếp vàng sắc sảo với nội dung về chánh pháp, khuyên nhủ con người với lòng từ bi bác ái.

Hiện nay chùa Long Thiền là trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn: Phật Đản, ngày vía, ngày giỗ tổ (18 /12 âm lịch) ... rất đông thiện tâm tín hữu, tăng ni Phật tử đến cúng.

Với một lịch sử ra đời khá lâu- 1664 – Long Thiền tự được xem như là cái nôi của trung tâm truyền bá Phật giáo vào vùng đất Nam Bộ. Không những thế, nơi đây còn minh chứng cho sự hiện diện của người Việt ở đất Đồng Nai từ giữa thế kỷ XVII, họ khai hoang lập ấp ở xứ Đồng Nai trước khi nhóm khai khẩn Trần Thượng Xuyên đến (1679) đặt cơ sở nền tảng cho thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam (1698) thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất Đồng Nai.

Là một kiến trúc tôn giáo, là một cái nôi của trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong cùng với sự đóng góp trong sự nghiệp cách mạng nước nhà, chùa Long Thiền có một vị trí trong lịch sử của vùng đất Đồng Nai.

+ Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác tọa lạc tại ấp Nhị Hoà, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), thành phố Biên Hòa. Đây là vùng đất thanh tịnh giữa cù lao Phố, địa cảnh phong quang. Chùa được khởi dựng năm nào chưa rõ.
Tương truyền, chùa do nhà sư Thành Đẳng lập dựng. Nguyên thủy, chùa Đại Giác là một ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột cây, mái lợp ngói âm dương.

Đến nay, chùa Đại Giác truyền trên 10 đời trụ trì, trong số có 3 vị sư tổ có nhiều công đức được nhiều đời truyền tụng: Hòa thượng Thành Đẳng, hiệu Minh Lượng (1686-1769), Thiền sư Linh Nhạc, hiệu Phật Ý, đặc biệt là nhà sư Tổ Ấn, tức Mật Hoằng (1735-1835) được nhà Nguyễn phong Tăng Cang, rước ra trụ trì tại nhiều ngôi chùa danh tiếng ở kinh đô. Ông là một danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chùa Đại Giác trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc thờ tự hiện tồn của chùa theo lối chữ nhị, kiểu thức mặt tiền theo lối lầu chuông, lầu trống. Phần chánh điện với không gian thoáng rộng nhô lên. Chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn: gian ở giữa là điện thờ trang nghiêm, ở trên cao là tượng Phật Di Đà bằng gỗm cao 2,25 Châu Mạ của vua Gia Long cúng dường, phía dưới là bộ Di Đà Tam tôn, tượng Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà, Hộ Pháp... lại có thêm cả tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu.

Phía trước (gần cửa ra vào) là giàn đèn Phật Dược Sư gồm 49 cây đèn dầu nhỏ với 49 tượng Phật bằng gỗ nhỏ, chân giàn đèn chạm trổ rất mỹ thuật. Gian bên trái là khánh thờ Tổ Sư Bồ đề Đạt Ma. Gian bên phải là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân. Hai bên tường (tả, hữu) có bệ thờ 5 vị Diêm Vương và hai vị Phán Quan.

Nhìn chung tượng thờ ở chùa Đại Giác khá cổ, chủ yếu là tượng gỗ, tượng đất rất hiếm tượng tạc bằng chất liệu xi măng.

Nội thất chánh điện có nhiều bức hoành phi ghi những câu như: “Chánh pháp xương minh”, “Pháp vũ triêm ân”, “Từ vân phổ phú”, “Ngũ diệp lưu phương”...Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ Sư hoằng hóa ở chùa Đại Giác, gồm nhiều long vị của các thiền sư phái Lâm Tế, trong đó có long vị của chư Tổ xưa nhất là Thiền sư Thành Đẳng (phái Lâm Tế đời 34), Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35), Tổ Ấn – Mật Hoằng (đời 36).

Tiếp sau chánh điện là nhà khách. Nhà khách có không gian thoáng rộng, hoành tráng. Nơi đây, thờ Phật Chuẩn Đề và khánh thờ Linh Sơn Thánh Mẫu...Phía cuối là phòng ở của chư tăng, bên hông là Trai đường, phía sau là Nhà trù (bếp).

Trong lịch sử, chùa Đại Giác gắn liền với những sự kiện được sử sách ghi chép như: Vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, người con gái thứ ba của Nguyễn Ánh đến náu chốn cửa thiền Đại Gíac và bình yên vô sự. Sau này, khi Nguễn Ánh lập nên thanh thế, xưng vương đã nhớ đến mà ban chỉ trùng tu chùa.

Vua Gia Long chỉ dụ cho quan quân địa phương (trấn Biên Hòa) cho binh thợ đến xây cất và cho tượng binh đem voi đến dặm nền chùa. Vì vậy, sau này gọi chùa Đại Giác là “Chùa Tượng” (Chùa Voi). Dịp này, Gia Long còn cúng cho chùa Đại Giác một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít rất lớn, cao 2,25 mét, nên nhân dân địa phương còn gọi chùa Đại Giác là “Chùa Phật lớn”. Hiện nay, pho tượng này vẫn còn thờ tại chánh điện của chùa.

Năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu sửa mở rộng nhà chùa. Dịp này, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng cho chùa tấm biển “Đại Giác Tự” sơn son thếp vàng, bên phải có khắc: “Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh”, bên trái khắc: “Minh Mạng nguyên niên, mạnh Đông, cốc đán”. Tiếc thay, bức hoành phi thếp vàng thật không còn nữa bởi những kẻ coi trong sự tham lam hơn lòng thành chốn cửa thiền lấy mất. Ngày nay, một tấm hoành phi với nội dung như trên treo trước chùa chỉ là “ bản sao ” như gợi nhớ về một người thuộc dòng hoàng gia công đức cho chùa.

Đặc biệt ở mặt tiền chùa có hàng hiên rộng rãi. Các cột phía trước đều có câu đối. Các cặp câu đối đều được bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế:

Đại điện huy hoàng ưu bát hoa khai ngưỡng thụy nhựt
Giác lâm tịch tĩnh bồ đề thụ trưởng tống xuân phong

(Đại điện huy hoàng hoa ưu bát nở đón ngày lành chào bóng dương.
Rừng thiền yên lặng, cây bồ đề lớn tiễn gió xuân).

Đại hiệu Di Đà pháp giới tàng thân tùy xứ hiện
Giác danh cực lạc tịch quang chân cảnh cá trung huyền

(Hiện Đại, pháp giới Di Đà ẩn hình, tùy nơi xuất hiện.
Tên Giác, cỡi cực lạc tịch quang chiếu bóng, đỏ lối u huyền).

Đại thể Di Đà, kim tướng quang minh chu cực lạc.
Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh hóa Sa Bà.

(Đại thể Di đà, tượng Phật sáng rực miền cực lạc,
Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh cõi Ta Bà)

Dấu tích kiến trúc chùa xưa Đại Giác không còn được bảo lưu qua các lần trùng tu. Kiến trúc hiện tồn được xem như nét chấm phá làm đa dạng cho kiến trúc chùa chiền ở vùng đất Biên Hòa. Với lịch sử khai sơn khá sớm, cùng với các chùa cổ khác, chùa Đại Giác là một di tích có giá trị lịch sử cho sự phát triển của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

+ Chùa Bửu Phong

Chùa tọa lạc trên ngọn núi cùng tên, nằm trong khu Danh thắng Bửu Long. Hiện nay, chùa thuộc địa phận phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.
Núi Bửu Phong ở về phía tây của thành phố Biên Hòa. Sách sử xưa mô tả cảnh đẹp của ngọn núi này “ Núi Bửu Phong phía Tây ngó xuống Đại giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn, suối bàu tẩm nhuận, dẫn tưới ruộng nương. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía sau có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối xum xuê. Văn nhân nghiêng bầu vịnh giai tiết, mỹ nữ nối gót đên hành hương, thật là đệ nhất thắng cảnh của trấn thành vậy. ” ( trấn thành Biên Hòa xưa / PĐD ).

Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua một trăm bậc tam cấp. cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Xung quanh chùa có nhiều cây cô thụ, cùng với những tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú càng làm tăng vẻ uy nghiêm nơi thiền lâm được khai mở. Từ vị trí của chùa, phóng tầm mắt ra bốn phía sẽ thấy được cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại chính xác năm chùa được xây dựng đầu tiên. Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc gỗ trên hai cột ở gian giữa giảng đường thì chùa được xây dựng từ năm “Bính Thìn niên”, phía trước đề 1616 nhưng năm 1616 không tương ứng với “Bính Thìn niên” âm lịch.

Có tư liệu cho rằng: vào năm 1679, một nhóm dân binh Trung Quốc là thuộc hạ Tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên đến Đồng Nai đến chùa tỵ nạn, đã xây cất lại bằng gạch ngói và thỉnh đại sư Hoàng Long được thượng hiệu Thành Chí đến trụ trì và tôn làm tổ khai sơn.

Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm chính điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Ngoài ra còn có liêu phòng ni phái và nhà dưỡng tăng. Chất liệu xây dựng là gạch thẻ, vôi hợp chất, mái lợp ngói âm dương. Nền lót gạch tàu và gạch bông, bộ khung vì kèo làm bằng gỗ núi tốt.

Chánh điện chia làm ba gian thoáng rộng, trên hai hàng cột đắp rồng ẩn mây sơn son thếp vàng nhìn rất uy nghiêm tạo vẻ linh thiêng cho chốn thiền môn. Gian chính giữa thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ thập điện Diêm Vương. Các tượng được tạc rất sống động. Ở giảng đường và nơi thờ Tổ có nhiều tấm liễn, hoành phi, bao lam được chạm khắc công phu, thể hiện nhiều đề tài phong phú được bố trí hài hòa tạo nên khung cảnh vừa rực rỡ vừa thâm nghiêm.

Di tích cổ tự đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dấu vết hiện tồn được xác định vào năm Kỷ Sửu ( 1829 ) được khắc trên cột đá tiền điện do Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm phụng cúng. Trong chùa còn lưu giữ được tượng cổ Phật Di đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng. Đặc biệt có một tượng đá cổ thể hiện một vị thần của tôn giáo xưa g8án kết bền vững ở hậu điện – tương truyền tượng có từ khi thành lập chùa.

Sự tôn tạo sau này làm cho kiến trúc chùa nổi bật lên phía bề mặt chánh điện. Mặt tiền điện được trang trí họa tiết với những bức hình đắp bằng các mảnh sành sứ đa sắc. Bên trong chánh điện, dưới các bệ thờ được trang trí loại hình sành sứ đa sắc rất tinh tế thể hiện những đề tài dân dã, bình dị.

Cho đến nay, các ngôi chùa cổ Đồng Nai đã được xây dựng khá kiên cố và khang trang. Qua nhiều lần tôn sửa, trùng tu, các di tích chùa cổ chỉ còn giữ lại rất ít vết tích cổ. Di tích kiến trúc cổ còn chăng là mô thức kiểu nhà tứ trụ – một dạng thức kiến trúc đặc biệt có gốc từ kiểu nhà rường vuông vức. Kiểu thức bốn cột cái và bộ xuyên trính có độ dài bằng nhau tạo nên một gian trung tâm vuông vắn và từ cột cái gác một đôi kèo đấm và kèo quyết đâm ra bốn hưông cân xứng để mở rộng ra bốn chái đều nhau. Mỹ thuật kiến trúc cổ ở các danh lam này còn lưu lại ở các khung kiến trúc gỗ như xà ngang, đầu cột, đòn tay và các bao lam …đượcchạm khắc nghệ thuật thể hiện nhiều đề tài dân gian, tôn pháp.

Thế nhưng, những giai đọan thời gian về sau, xu hướng tân tạo, gia cố bằng những vật liệu mới như xi măng, sắt thép của thập niên 50, 60 thế kỷ XX đã làm cho phần kiến trúc, mỹ thuật cổ dường như bị bó hẹp lại. Một số di tích có phần mặt tiền chánh điện được trang trí, tôn tạo những họa tiết đắp nổi tạo ấn tượng trực quan. Âu đó cũng là “ số phần ” để các di tích chùa sống được với thời gian, với những chuyển biến mạnh mẽ trong xả hội phát triển.

Cùng với kiến trúc truyền thống, mỹ thuật xưa, trong một số di tích còn bảo lưu hệ thống tượng thờ khá phong phú. Tùy thuộc vào từng di tích mà có những bộ tượng được tạo tác theo quy thức nghiêm nghặt cũa mỷ thuật, có những nơi tượng đươfc làm theo kiểu phát khởi tại tâm, cách thức dân gian không bị ràng buộc bởi quy thức nào đã trở thành những độc bản, làm phong phú về số lượng cũng như phong cách tượng thờ của xứ Biên Hòa – Đồng Nai.

Với niên đại khá sớm, những danh lam cổ tự như Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong được xem là một trong những cái nôi của trung tâm tuyền bá Phật giáo đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ. Không những thế, chúng còn minh chứng cho sự hiện diện của lưu dân Việt vào Đồng Nai từ thế kỷ XVI – XVII, đặt nền móng cơ sở cho chuyến kinh lược của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh sắp đặt nền hành chánh đất Đồng Nai vào lãnh thổ nước Việt.

Thời gian, khí hậu và bao biến động xã hội, cả con người ( vố thức lẫn hữu thức ) đã làm hư hoại, hủy hoại không ít những danh lam cổ tự của những bậc tiền nhân có công tạo dựng. Những phần mất đi xem như lẽ vô thường của vạn vật. Những di sản còn lại cần được bảo vệ giữ gìn.

2. Huyền tích về một số ngôi chùa

Bên cạnh những ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia, trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai còn nhiều những ngôi chùa cổ khác. Mỗi dáng vẻ kiến trúc, lối bài trí thờ tự và những chuyện tích liên quan đến chùa đã làm tăng thêm giá trị cho loại hình di tích chùa chiền Đồng Nai.

+ Chùa Thủ Huồng

Chùa Thủ Huồng còn có tên gọi là chùa Chúc Đảo; sau này đổi thành Chúc Thọ Hiện nay, chùa tọa lạc trên địa phận xã Hiệp Hòa , thành phố Biên Hòa.

Trải qua nhiều đợt trùng tu, hiện nay chùa mang dáng vẻ hiện đại, được xây cất bằng các vật liệu kiên cố ... Kiến trúc của chùa theo hình chữ tam truyền thống, bề thế, thâm nghiêm. Trong khuôn viên chùa, còn hai ngôi tháp cổ loang lổ đổ nát là mang dấu ấn xưa nhất. Ngay cạnh chùa là nghĩa địa của làng, ngổn ngang lăng mộ lớn nhỏ, càng làm không khí chùa Thủ Huồng thêm u tịch vắng lặng mỗi buổi chiều tà.

Di tích chùa gắn liền với câu chuyện về một nhân vật trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa. Đó là Ông Võ Thủ Hoằng.

Võ Thủ Hoằng (đọc trại thành Huồng), người đứng ra lập chùa, là một nhân vật có thật song mang nhiều nét huyền thoại. Đã nhiều thế hệ người dân chợ Đồn, Cù lao Phố... lưu truyền câu chuyện về Thủ Huồng về đại thể thì giống nhau song cũng có đôi nét dị biệt.

Vào đầu thời Nguyễn, cách nay lối hai trăm năm, đất Trấn Biên có một thư lại tên là Võ Thủ Hoằng. Bằng nhiều thủ đoạn xảo trá, trong hai mươi năm luồn lọt các ty, các nha, ông ta vơ vét được biết bao tiền của. Cho vay nặng lãi, ông ta chiếm đoạt khá nhiều ruộng đất, mỗi mùa thu hoạch kể mấy ngàn giạ lúa.

Vợ Thủ Hoằng chẳng may lâm bệnh chết sớm. Ông ta vô cùng thương tiếc, bỏ tiền làm ma chay linh đình, đàn trai tế lễ trọng thể. Sau đó, ông ta thôi việc quan, về an dưỡng sống cuộc đời trưởng giả. Một hôm có người mách cho Thủ Huồng biết: chợ Mãnh Ma là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau, âm dương giao hòa vào lúc nửa đêm mùng một tháng sáu hàng năm. Ông ta quyết tìm đường đến chợ Mãnh Ma. Tại đây, ông được gặp vợ, hai người mừng mừng, tủi tủi. Thủ Hoằng muốn theo vợ xuống chơi âm phủ, bà ta đồng ý dắt đi.

Qua nhiều dặm đường tối mịt, hai người tới cõi âm ty địa ngục, ông ta tận mắt chứng kiến bao cảnh hãi hùng ghê rợn: những linh hồn tội lỗi bị tùng xẻo, bị móc mắt, cắt lưỡi, bị ném vào vạc dầu đang sôi sùng sục, xiên bằng dùi nung đỏ rực... Tiếng kêu khóc của các hồn ma vang dậy chốn diêm đình. Ông ta bồn chồn trước những cảnh báo oán những tội lỗi của con người chốn dương thế.

Tới kho gông, Thủ Huồng thấy vô số gông, trong đó có một chiếc to và dài hơn các chiếc khác. Ông ta lân la hỏi một tên qủy sứ mặt xanh nanh vàng canh cửa, hắn cho biết gông đó dành cho tên Võ Thủ Hoằng nào đó gian tham khét tiếng, tội lỗi tày trời, nguyên quán nước Đại Nam, phủ Gia Định, huyện Phước Chánh. Vô cùng hoảng sợ, ông ta không ngờ mỗi việc làm sai trái của mình đều bị Diêm vương ghi lại đầy đủ. Ông ta hỏi: nếu người đó hối cải có được không ? Tên qủy sứ trả lời: nếu muốn thoát ách gông xiềng thì phải đem của cải bất nhân bố thí cho hết.

Ông ta theo vợ ra về. Trước lúc chia tay, bà khuyên ông nên làm những việc tu nhân tích đức để chuộc lại những lỗi lầm xưa sẽ giảm được tội lỗi , báo oán ở diêm đình.

Thủ Huồng về đất Trấn Biên ra sức giúp đỡ người nghèo khó, mạnh tay bố thí, cúng ruộng và tiền cho chùa, cho làng, chia cho thôn xóm... Cứ thế trong mấy năm của cải ruộng nương hồi nào chẳng còn bao nhiêu. Ông ta lại lên đường đi gặp vợ ở chợ Mãnh Ma, nhờ bà ta đưa xuống âm ti lần nữa. Ông ta tới địa ngục, nơi chứa gông, thấy vẫn tên qủy sứ gác như cũ song số gông đã thay đổi. Nhiều chiếc nguyên hình, một số trước bé nay to ra, riêng chiếc của ông ta đã teo lại nhỏ xíu. Lân la hỏi tên quỷ sứ, ông ta được tên này giải thích là do tên Hoằng biết chuộc lỗi, nếu cố làm việc thiện thì sẽ hưởng phước lớn, khỏi cảnh xiềng gông mai sau.

Trở lại trần gian, Thủ Huồng tiếp tục bố thí. Ông ta bán hết gia sản, đến Cù lao Phố dựng chùa Chúc Đảo cúng phật.

Thời bấy giờ, từ Đồng Nai đi Gia Định chỉ có đường sông là thuận tiện, vì đường bộ còn lắm cọp beo, rắn rết... Tại ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn lúc đó rất hoang vu, chưa có người ở. Ghe thuyền qua lại gặp lúc ngược nước phải dừng lại chờ, lắm lúc thiếu nước uống và lương thực rất bất tiện. Thủ Huồng quyết định bỏ tiền kết một chiếc bè lớn, trên bè dựng nhà có đủ chỗ nghỉ ngơi, sẵn nồi niêu, củi, gạo, mắm, muối... Những người nghèo khó lỡ độ đường có thể tạm trú đôi ba bữa mà không phải trả một đồng xu cắc bạc. Ngả ba sông có chiếc bè từ thiện đó được gọi là ngã ba Nhà Bè.

Võ Thủ Hoằng sống những ngày cuối đầy thanh thản và được xa gần ca ngợi.

Sau đó khá lâu, tương truyền vua Đạo Quang nhà Thanh khi sinh ra, giữa lòng bàn tay có hàng chữ: Đại Nam, Biên Hòa, Thủ Hoằng. Triều đình nhà Thanh cử sứ giả qua tìm hiểu lai lịch và tiến cúng chùa Chúc Đảo (nay là chùa Chúc Thọ) ba tượng phật bằng gỗ trầm hương. Dân gian cho rằng, nhờ vào lòng phục thiện, công đức nên Thủ Huồng đã đầu thai được làm vua.

Chùa Thủ Huồng còn đó, ngay bên kia sông Đồng Nai cũng có con rạch Thủ Huồng với cây cầu Thủ Huồng bắc ngang ( nằm ở phường Bửu Hòa ), chốn Nhà Bè nước chảy vẫn chia hai...Câu chuyện Thủ Huồng mang nhiều màu sắc cổ tích dân gian, chắc chắn sẽ sống lâu dài vì đó là một bài học về lòng nhân ái, hướng thiện cho các thế hệ đã qua, cũng như cho hôm nay và mãi mãi về sau.

+ Chùa Hoàng Ân

Chùa Hoàng Ân là ngôi chùa làng nhỏ, thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. So với các ngôi chùa ở Cù lao Phố, thì chùa Hoàng Ân có quy mô kiến trúc hình chữ nhị, khiêm tốn như nép mình dưới những tán cây cổ thụ.

Chùa gắn liền với câu chuyện của một đôi vợ chồng người cùi và vị sư thầy phúc đức. Chuyện kể rằng:

Nguyên chùa làng Hoàng Ân nhỏ bé xưa có vị sư già sớm khuya kinh kệ cầu phước cho dân làng. Một hôm, trời nhá nhem tối, vị sư già cùng đệ tử đang tụng kinh thì có một đôi vợ chồng từ xa đến xin trú qua đêm.

Dưới ánh sáng tờ mờ, trông vẻ khoắc khoải của họ, nhà sư mở lòng từ bi đón nhận. Đêm ấy, vợ chồng kia xin vị sư già cho họ được đàm đạo. Hai người kể sự tình vì không có con cháu và ý nguyện phát tâm nên xin ở lại chùa làm công quả cho đến khi chết. Thấy họ tâm tốt, ý lành nên sư thầy cho đôi vợ chồng kia nương náu nơi cửa Phật.

Thời gian thấm thoát được ba năm kể từ ngày vợ chồng kia đến ở chùa. Thấy họ siêng năng, cần mẫn trong công việc làm công quả nên sư thầy có lời khen. Nhưng khi ấy, đôi vợ chồng khóc nức nở. Thấy sự lạ, vị sư già gạn hỏi nguyên do. Họ kể hết sự tình nên nhà sư mới biết cả hai đều bị bệnh phong (cùi).

Thấy hoàn cảnh thương tâm, không muốn cho những người xung quanh dị nghị, xa lánh, nhà sư bèn làm một cái chòi nhỏ cạnh chùa cho hai vợ chồng ra đó tá túc. Bệnh tình của hai người khởi phát và càng nặng thêm, họ không làm gì được nên ẩn ở chòi trông chờ vào thức bố thí của chùa hằng ngày. Hằng ngày, đích thân nhà sư đem cơm cho vợ chồng kia.

Ngày kia, trong làng có tang, nhà sư phải đi cúng. Trước khi đi, ông dặn đệ tử nhớ đem cơm thế ông cho hai vợ chồng kia rồi đi ngay vào chùa. Khi đem cơm đến không được tỏ thái độ xem thường họ. Trưa hôm đó, người đệ tử đem cơm đến. Nhìn thấy hai vợ chồng kia phong cùi ghẻ lỡ, người đệ tử tỏ cái nhìn gớm ghiếc, xem thường. Cơm được người đệ tử đưa qua một cái lỗ nhỏ bằng cành cây.

Thấy vậy, đôi vợ chồng kia tủi thân, nghĩ phận mình bị khinh miệt không nên sống nữa. Hai người cố lết ra cái giếng gần đó và gieo mình cùng chết.

Trong chùa và dân làng biết tin ra với xác lên. Vị sư già về thấy người ta đang tẩm liệm. Nhìn kỹ, thấy xác của người chồng thiếu một ngón chân, người vợ thiếu một ngón tay. Nhà sư bèn ra giếng và nhặt được, đem vào rửa sạch sẽ, phơi khô và cất giữ trong một cái hũ để thờ trong chùa.

Những ngày nhà sư  sắp viên tịch, ông dặn dò đệ tử: Phải giữ cái hũ cho thật kỹ. Hai mươi năm sau, đúng vào ngày, giờ, tháng như vậy sẽ có khách đến viếng chùa, nên đưa cái hũ này cho họ.

Người đệ tử giữ lời khuyên và làm theo. Đúng thời gian như sư tổ dặn, người đệ tử xưa trở thành vị sư trụ trì kế tiếp đón một đôi thanh nam nữ tú đến viếng chùa. Họ xin bái kiến Phật và Tổ sư. Đứng nhìn họ lạy Phật, sư trụ trì thấy bàn chân người thanh niên thiếu một ngón chân, thiếu nữ thiếu một ngón tay. Hớ lời Tổ dặn, ông bèn đem cái hũ đưa cho đôi thanh niên và nói:
Tôi làm theo lời Tổ dặn, thí chủ hãy nhận cái hũ này.

Đôi thanh niên nam nữ ngạc nhiên nhận lấy hũ. Họ mở ra và thấy trong đó có một ngón chân và một ngón tay. Họ đem gắn vào bàn chân, bàn tay thiêu ngón của mình thì vừa vặn, dân tộc thịt kéo liền lại nguyên vẹn.

Đêm ấy, họ xin ở lại chùa. Họ cùng sư trụ trì nói chuyện. Khi kể về gốc tích của nhau, sư trụ trì mới biết họ chính là công chúa và hòang tử của một vương quốc xa đến viếng. Có thể họ là hậu thân của đôi đôi vợ chồng bị bệnh phong xưa kia từng trú náu nời nhà chùa.

Chuyện cũ kể lại cho nhau, vị sư trụ trì và đôi vợ chồng kia đều cảm thấy thanh thản. Họ cùng hướng về Phật và Tổ sư tạ ơn lòng từ bi, thể nguyện lòng thành cho chí nguyện thiện an.

Câu chuyện cứ thế được truyền tụng trong dân gian như bài học về lòng từ bi hỉ xả của Phật và cách đối ứng tâm thành của con người.

+ Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác gắn liền với chuyện tình đầy cảm động của một người phụ nữ vốn dòng Hoàng gia.
Chuyện kể: Thiền sư Liễu Đạt là đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri. Có lẽ Thiền sư Liễu Đạt quy y với hòa thượng Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo, Vĩnh Cửu) trước đây.

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành từng được vua Gia Long triệu ra kinh đô làm tTăng cang chùa Thiên Mụ, phong danh hiệu Hòa thượng Liên Hoa. Ông có tướng mạo oai nghiêm tối hảo, tài thuyết giảng và biện luận về Phật pháp nên được nhiều người kính phúc, ngưỡng mộ.

Lúc bấy giờ, có Hoàng cô (cô của vua Minh Mạng) là đệ tử của Hòa thượng, thọ giới Bồ tát, được ban pháp danh là Tế Minh Thiên Nhựt. Hoàng cô có tình cảm luyến ái sâu đậm về Hòa thượng Liên Hoa. Biết tình cảm ấy nên Hòa thượng Liên Hoa tìm cách xin về Gia Định. Được tin về Đại lão hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân ( Gia Định ), nên Hòa thượng Liên Hoa xin được từ nhiệm chùa Thiên Mụ để về trụ trì chùa Từ Ân.

Trong thời gian ở chùa Từ Ân, một hôm, quan trấn thủ Gia Định đến báo tin vài ngày nữa Hoàng cô vâng lịnh vua Minh Mạng đến cúng dường chùa Từ Ân và Quốc Ân Khải Tường. Hoàng cô sẽ trú tại chùa Từ Ân cho đến ngày về kinh.

Tin bất ngờ làm Hòa thượng Liên Hoa lo âu. Dù rằng chính thân đã đạt được trình độ uyên thâm trong đạo pháp nhưng hòa thượng sợ nợ trần sẽ làm day dứt tâm cang trước sự sợi dây luyến ái mà Hoàng cô theo đuổi. Vì vậy, hòa thượng Liên Hoa đến vấn kế Thiền sư Tổ tông Viên Quang.

Sau đó, hòa thượng Liên Hoa bỏ ý định rời chùa lánh mặt mà về chùa Từ Ân chuẩn bị nghênh tiếp Hòang cô đến lễ bái.

Khi mọi lễ bái xong, Hoàng cô và những người tùy tùng trú lại chùa Từ Ân. Hoàng cô đề nghị mỗi buổi sáng khi còn nương trú tại chùa, hòa thượng Liên Hoa đến tiếp kiến và hầu chuyện. Ngày thứ ba ở lại chùa, Hoàng cô không thấy Hòa thượng Liên Hoa. Hòang cô hỏi dò ton tức nhưng chẳng ai biết Hòa thượng Liên Hoa đi đâu.

Thấy Hoàng cô buồn bã, không màng ăn uống nhiều ngày nên thị giả Mật Dĩnh đành phải nói thật cho Hòang cô biết nơi trú của Hòa thượng Liên Hoa. Hòa thượng Liên Hoa đã quyết định lên chùa Đại Gíac ở Cù lao Phố, Biên Hòa nhập thấ hai năm.

Biết được tin này, Hoàng cô lên chùa Đại Gíac cúng dường. Sau khi cúng xong, Hoàng cô nhờ thị giả Mật Dĩnh đưa đến tịnh thất của Hòa thượng Liên Hoa. Đến trước cửa thất đóng kín, Hoàng cô quỳ xuống và thưa: “ Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin Hòa thượng diện kiến lần cuối trước khi lên đường ”. Hòa thượng Liên Hoa vẫn không trả lời.

Hoàng cô kiên nhẫn chờ đợi và thưa tiếp: “ Bạch Hòa thượng, nếu Hòa thượng không tiện ra tiếp thì xin Hòa thượng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, đệ tử cũng hân hoan ra về ”. Một lúc sau, Hòa thượng Liên Hoa trong thất đưa bàn tay ra cửua nhỏ – nơi dùng để thức ăn đưa vào. Hoàng cô vội ôm bàn tay một cách trìu mến rồi sụp xuống lạy và khóc sướt mướt. Sau đó, Hoàng cô cho biết là sẽ ở lại chùa Đại Giác vài ngày.

Đêm đó, giữa canh ba, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng lửa cháy rực lên ở tịnh thất nơi Hòa thượng Liên Hoa đang trú. Mọi người hoảng hốt, cùng nhau đến dập lửa nhưng đã muộn. Tịnh thất cháy rụi và xác thân của Hòa thượng Liên Hoa cháy thiêu. Có người phát hiện bài kệ Niết Bàn do Hòa thượng Liên Hoa viết bằng mực đen trên vách chánh điện có nội dung:

Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần
Thành không vẩn đục vẫn trong ngần
Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn.
Đạt đạo mình vui đạo mấy lần.

Phía dưới có đề: Sa môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.

Hay tin Hòa thượng Liên Hoa viên tịch, các quan tỉnh Biên Hòa và dinh trấn Gia Định phải báo tin về triều và họp tổ chức lễ tang. Sau khi làm lễ nhập tháp cho Hòa thượng Liên Hoa, Hoàng cô cho biết sẽ ở lại chùa Đại Gíac cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh. Nhưng ngày hôm sau, Hoàng cô uống độc dược tự vẫn tại hậu liêu chùa Đại Giác.

Câu chuyện tình nơi cửa phật Đại Giác vẫn còn những đoạn kết khá kỳ thú xung quanh một số bài vị của Hòa thượng Liên Hoa và Hoàng cô thờ tại ngôi chùa Sắc từ Từ Ân. Sức mạnh của tình yêu con người, sức mạnh của niềm tin phật pháp trong câu chuyện như vẫn còn nhắc nhở cho hậu thế những bài học đầy cảm động.

Cùng với nhiều danh lam cổ tự khác, nhiều ngôi chùa ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai gắn liền với những sự kiện lịch sử, truyền tích kỳ thú… chúng là những nét tô vẻ thêm vẻ đẹp, làm tăng thêm tính huyền bí của những nơi thờ tự. Đó cũng là một phần trong đời sống của con người.

- Theo Ts Huỳnh Văn Tới, Ths Phan Đình Dũng (Dongnai.vncgarden), ảnh internet