Rắn trun xào lá nhàu

Những ngày cuối tuần hễ rãnh, tôi lên xe phóng ù về quê, nơi có những người chú, người bác chân chất... Và ở đó, tôi được thưởng thức những món dân dã nhất, mà thành thị tìm đỏ mắt cũng chẳng ra.

Từ trước đến nay, những tay sành ăn khi nhắc đến rắn trun, họ nghĩ ngay đến chuyện mang đi xào lá cách; còn nhắc đến lá nhàu thì trong đầu lởn vởn bóng dáng nồi lươn um. Những món ngon không cần bàn cãi của một thời ông cha ta mở cõi. Như một sự kết hợp ngẫu nhiên mà ngon lạ giữa rắn trun và lá nhàu. Có thể tìm thấy ở sự giao thoa này một điều gì đó vừa tinh tế vừa hoang sơ dù chỉ trong một món ẩm thực miệt vườn.

Theo chân chú Năm đi bắt rắn, lục tung cả đám cỏ chát, gò đất cao chỉ được vài con rắn trun, tôi chặc lưỡi ngán ngẩm. Chú Năm cười bảo, “ngán gì mậy! Đừng chê con rắn đen này nghe, để tao chế biến món lạ đãi mầy, ngon hết chỗ nói à!” Tôi bán tín bán nghi và… đợi vậy.

Chỉ cách đây mươi năm thôi, rắn trun là thứ bỏ đi, chẳng người dân quê nào ngó ngàng đến nó cả vì lúc đó rắn ri voi, ri cá, hay hổ đất còn nhiều. Giờ thì những cánh đồng bị khai phá gần hết, đất phải luân phiên quanh năm đâu còn chỗ cho rắn… thượng hạng bám trụ, chỉ còn lại loài rắn trun sống dưới cỏ này thôi. Và, với chú Năm và những người ở quê tôi thì rắn trun xào lá nhàu mới đúng điệu, đó là một bước đột phá của món ngon này.

Rắn trun làm sạch, để con rắn trên miếng đá xanh, chú Năm dùng chai thuỷ tinh lăn mạnh nhiều lần cho con rắn giập mềm. Chú giải thích, dùng sóng lưng dao băm thế nào cũng còn xương vụn, mà xương rắn cứng, ăn dễ mắc cổ. Dùng chai lăn đều xương rắn mềm hết, mà da rắn không bị nát. Chặt nhỏ từng miếng bằng hai lóng tay. Lá nhàu xanh, loại không non nhưng chưa già, bỏ phần cuống lá, rồi xắt sợi dài. Rắn cho vào chảo phi tỏi mỡ, xào đến phát mùi thơm. Cho gia vị, tiêu, nước mắm, bột nêm và một ít càri làm màu. Siêng một chút thì có tí nước cốt dừa càng hay. Khi rắn vừa chín, cho lá nhàu vào chảo đảo đều rồi nhắc xuống. Chú Năm vừa làm vừa nói, “lá nhàu đừng để chín quá, sẽ đắng mà giảm tính thuốc”.

Mấy người cùng nhau bên chiếc bàn tròn dưới bóng cây vú sữa ngoài sân. Đĩa rắn trun xào lá nhàu bốc khói, màu xanh của lá, màu vàng càri, điểm đen ánh của da rắn, trái ớt đỏ, và sóng sánh nước cốt dừa… chao ơi là ngon. “Phần nào trên cây nhàu cũng là thuốc, riêng lá nhàu giúp dễ ngủ, khoẻ gân cốt”, chú Năm “kê toa” vậy. Chai đế cạn dần với bao câu chuyện bên con rắn trun xào lá nhàu cứ rôm ran đến khi mặt trời đi ngủ, trăng nhô lên gần đọt cây vú sữa trong sân nhà.

- Theo SGTT, internet


Rắn trun nướng lèo, món ăn thời khẩn hoang Nam bộ

Ở đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, trên những cánh đồng người ta bắt được rất nhiều rắn trun. Giống như thời khẩn hoang xưa, rắn sau khi làm thịt được kẹp nẹp tre nướng trên lửa than hồng thơm nứt mũi.

Rắn trun là loại rắn nước lành, thường sống ở rừng, đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn trun dài khoảng 40 cm đến 60 cm, con nhỏ mình tròn bằng ngón tay út, con lớn có thể to cỡ ngón chân cái người lớn, lưng đen bóng, đầu nhỏ dẹt.

Rắn trun để nguyên con, đập đầu cho chết, khoanh tròn hình chữ S kẹp gắp tre nướng, hoặc nướng vỉ trên lửa than hồng. Trở rắn cho đều, độ chừng non 10 phút, thấy da rắn phù lên rồi nứt bung, răn ra một đường, ấy là rắn đã chín tới. Mở kẹp, vỉ ra, để rắn trên lá chuối xanh cho thịt hút hơi nước dịu lại. Cầm rắn bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất hấp dẫn.

Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, bạn còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...
Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi...

Theo Hoàng Thám (VnExpress)