Rau rừng, cá thác ở Gia Lai

Chúng tôi trở lại thành phố Pleiku sau nhiều năm xa cách, vì vậy ai cũng muốn tìm lại một bữa ăn đậm chất rừng hoang sơ ở nơi này. Người bạn thổ địa phố núi nháy mắt: “Thì đi ăn rau rừng và cá thác cho thỏa cơn thèm”…

< Rau rừng ăn với mắm cua.

Từ đọt rau rừng bình dị…

Bữa cơm miền cao nguyên Gia Lai bắt đầu bằng món rau xanh luộc. Những đọt lá xanh ngăn ngắt, cứng cáp, tươi non có vẻ khá quen, nhưng khi hỏi tên nó thì người địa phương cũng chỉ biết đáp gọn lỏn: “Rau rừng!”. Nhưng rau rừng là rau gì? Theo hình dáng thì loại này rất giống rau lủi, vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), nhưng xét về hương vị, rau rừng Gia Lai thiếu đi chất nhớt và cả vị thuốc, dù độ giòn ngọt thì tương tự.

< Đọt rau rừng tươi non ăn kèm món lẩu.

Có người lại cho rằng nó na ná rau tàu bay hay đọt dớn… Vừa ăn, chúng tôi vừa tiếp tục đoán mò về gốc gác của thứ rau ấy, nhưng rồi nhất trí rằng có lẽ cứ gọi theo đúng cách của người Gia Lai là hay nhất: rau rừng!

Theo lời người dân địa phương, rau rừng “rộ” ở Gia Lai chỉ khoảng chừng hơn một năm trở lại đây, trước đây là món “chống đói” của bộ đội Trường Sơn.

Được trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, nhưng rau ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng. Nó gắn liền với chất rừng núi của vùng Gia Lai nên người phương xa ghé Gia Lai, muốn tìm thứ gì đó mới lạ cho bữa ăn thì được giới thiệu ngay.

< Rau rừng nấu canh cua núi.

Nghe nói rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn ba chục ngàn đồng một ký.

Chất rừng ở loại rau này không nằm ở sự ngon ngọt mà ở vị mát, dù ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì. Rau rừng còn ngon ở độ giòn, giả như có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.

< Cá suối nấu canh rau rừng.

Khẳng định như thế vì món rau này từng được mang ra “thí nghiệm” với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Nghe đâu người Gia Lai xa quê lên cơn “ghiền” rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.

Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắmkho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng xem ra cũng chấp nhận được.

(*) Trên bàn tiệc, món rau rừng còn được bỏ vào lẩu cá, đa phần là những loài cá đánh bắt được từ sông Sê San.

…Đến tận hưởng cá tiến vua

< Cá anh vũ chiên gừng.

Dòng sông hùng vĩ, lắm thác ghềnh này ngoài khả năng thủy điện còn chứa trong lòng những loài thủy sản quý hiếm như cá sọc dưa, cá lăng, cá chiên, thậm chí cả loài cá anh vũ!

Nhìn thấy “cá anh vũ” trong thực đơn, thực khách khấp khởi, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có người ngược ra tận vùng Việt Trì, Phú Thọ, sẵn sàng bỏ cả triệu đồng cho một đĩa cá anh vũ mà đâu có cơ may thưởng thức, còn lo vì giữa đại ngàn mà có cá anh vũ chễm chệ trong thực đơn thì chắc đó là… “đồ nhái”!

< Cá anh vũ trên sông Sê San.

Theo mô tả của người am hiểu về cá ở xứ này, cá anh vũ có dáng dấp khá giống cá trôi, nhưng vảy có sắc óng ánh, phần đầu thuôn và đặc biệt là cặp môi hình tam giác rất dày (có nơi ngoài Bắc còn gọi là cá lợn). Xin chủ quán cho ngắm mặt mày con cá này, chủ quán đành lắc đầu phân bua rằng thường trong ngày chỉ có một con, mà đã chế biến sơ rồi, có muốn xem cũng chịu.

Cả thành phố Pleiku nghe đâu chỉ có đôi ba quán có bán loài cá này. Những ngư dân dọc sông Sê San thường chặn bắt cá anh vũ ở vùng nước trong, nhiều hang hốc, chủ yếu ở khu vực thủy điện Ialy.

< Chả cá anh vũ.

Cá rất có giá nên lâu ngày ngư dân có lẽ cũng quên vị cá, bởi đánh bắt được là đành chép miệng “gả” lại cho các nhà hàng. Còn việc cá không còn nguyên vẹn vì được mổ sạch ruột ngay khi đánh bắt được để tránh bị trương phình do cá thường bốc mùi ươn nhanh.
Nghe đâu có đơn vị ngoài Bắc đã nhân giống thành công loài cá này. Nếu quả vậy thì sắp đến thời ai cũng có thể thưởng thức “món tiến vua” mà không cần đi xa vất vả tìm kiếm. Thịt cá chắc nhưng vẫn mềm mại, trắng và thơm, thường được làm thành vài món là nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, nấu lẩu măng chua.

Hấp dẫn hơn cả là món chiên giòn với gừng, ban đầu cứ ngỡ là thịt gà nhưng cắn vào thì thơm ngon hơn nhiều. Ngon không chỉ vì thịt cá, mà còn bởi được tận hưởng cảm giác “làm vua” trên bàn tiệc đại ngàn, ai ăn cũng cứ luôn miệng tấm tắc khen. Chứ có lẽ nếu chưa biết danh cá anh vũ, không ít người sẽ vẫn dửng dưng vì… không biết nó quý! Sự đời nhiều khi là thế...

(*) Rau rừng thường được ăn kèm với các món “thịt lam” - món ăn được làm từ thịt dê, heo, gà hoặc bò ướp kỹ với riềng, tỏi, gừng rồi nhồi vào ống tre lồ ô, nướng trên bếp lửa.

- Theo Hiền Danh (Doanh nhân Saigon) và nhiều nguồn ảnh khác.