Săn cá 'trăm triệu' trên sông Cửu Long

Chỉ trong vòng 6 tháng, anh Phan Ngọc Phước (ngụ khóm Phú Mỹ - thị trấn Cái Tàu Hạ - huyện Châu Thành – tỉnh Đồng Tháp) đã 2 lần săn được cá hô “khủng” trên sông Cửu Long, mỗi con bán được hàng trăm triệu đồng làm xôn xao dư luận.

< Con cá hô anh Phước bắt được vào tháng 3/2012.

Lần trước vào tháng 10/2011, anh săn được con cá hô nặng hơn 130kg, bán được hơn 250 triệu đồng. Lần mới đây vào tháng 3/2012, anh tóm được “chú” cá hô nặng hơn 150kg, bán được 2,2 triệu đồng/kg. Trước đó nữa, năm 2009, anh săn được con cá hô nặng đến 160kg... Thú vị trước nghề đi săn cá “khủng” trên sông Cửu Long, tôi đã lặn lội đến nhà anh Phan Ngọc Phước để xin được cùng anh một lần đi săn...

Mò kim đáy... sông

Vượt gần 150 cây số từ TP HCM đến Đồng Tháp, tôi tìm đến nhà anh Phan Ngọc Phước với ý định xin anh cho đi săn cá hô cùng.

Anh Phước vui vẻ nhận lời, nhưng anh cho biết vào thời điểm ấy chỉ có thể đi săn cá hô vào lúc nửa đêm, chứ không đi săn ban ngày, nếu tôi đợi được thì đến tối cùng đi. Đã lỡ đến thì phải ở lại, tôi xách xe đi thăm thú thị xã Sa Đéc, thành phố Vĩnh Long, thị trấn Cái Tàu Hạ, đến chiều tối mới trở lại nhà anh Phước.

Anh Phước vẫn còn ung dung nằm giác hơi dạo tại nhà. Anh nói: “Làm cái nghề này đêm nào cũng lặn sâu dưới nước, nên mình mẩy luôn đau nhức, phải giác hơi cho khỏe để đi làm tiếp”. Gần 22h, anh Phước cùng đứa cháu trai rời khỏi nhà, tôi cũng quảy “đồ nghề” đi theo xuống bến sông.


< Cá hô được bắt vào chiều 3/3 nặng 150 kg.

Dòng Cửu Long về đêm như càng mênh mông hơn, từ bờ bên này nhìn sang bờ bên kia thấy đèn điện như những vì sao xa thẳm. Ngoài ngư cụ đã để sẵn trên xuồng, tôi thấy anh Phước còn mang theo những “vật bất ly thân” như: bình cà phê (uống cho không buồn ngủ), 2 bao thuốc lá (hút cho “ấm”), chai nước mắm (uống cho cơ thể chịu được lạnh khi lặn xuống đáy sông).

Anh Phước ra sức quay máy xuồng, phải một lúc lâu máy mới nổ, anh tháo dây cho xuồng lao vào bóng đêm ra giữa sông. Anh Phước hỏi tôi có biết bơi hay không, tôi trả lời “bơi được trong hồ, ra sông chưa biết sao”, anh kêu tôi ngồi yên giữa xuồng cho an toàn. Bây giờ tôi mới để ý trên xuồng không có chiếc phao cứu hộ nào (vì chú cháu anh Phước đâu cần đến nó làm gì cho thêm chật chỗ), tôi cảm thấy hơi nao lòng, nhưng đã phóng lao thì phải theo lao!

Đêm trên sông Cửu Long thật yên tĩnh không bóng ghe tàu qua lại, nhưng thỉnh thoảng anh Phước cũng “quét” đèn pin trên mặt sông để “xin đường”. Trên đường đi, anh Phước kể về nghề săn cá hô mà anh suốt đời theo đuổi: “Nghe ba tôi kể, nghề này do ông cố tôi khởi sự cách đây cả trăm năm, rồi truyền lại cho ông nội tôi, ông nội tôi truyền cho ba tôi, ba tôi truyền cho anh em tôi, rồi cháu tôi... Đến đời tôi là tổng cộng 4 đời dòng họ Phan săn cá hô trên sông Cửu Long, nếu tính luôn cháu tôi là 5 đời”.

Anh Phước nghe cha kể lại, ngày trước cá hô có rất nhiều trên sông Tiền, ngày nào đi đánh bắt cũng được cá hô, không lớn thì nhỏ. Khi ấy các chợ ở Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ... nơi nào cũng bán cá hô đầy sạp, cá nhỏ thì bán nguyên con, cá lớn xẻ thịt bán theo ký giống như thịt heo. Thời ấy giá cá hô không cao, thấp hơn giá thịt heo, thậm chí còn thấp hơn những loại cá đặc sản khác như cá ngát, cá bông lau, cá lăng...

Theo đà săn bắt ngày càng dày đặc trên sông Cửu Long, phương tiện ngày càng hiện đại, kể cả những cách bị cấm như dùng xung điện, cá hô ngày càng ít dần, cá hô lớn lại càng hiếm. Nghề săn cá hô đến lúc không nuôi nổi gia đình người đi săn, họ bỏ dần nghề, tìm kế sinh nhai khác. Nhưng cũng vì cá ngày càng hiếm mà giá cá hô cứ tăng theo từng năm, hiện đang cao ngất ngưởng, trên 2 triệu đồng/kg đối với cá “khủng” từ 100 kg trở lên. Loại cá nhỏ (từ 5-10kg) cũng bán được 200-300 ngàn đồng/kg.

Hiện nay cá hô săn được thường đưa về thành phố Hồ Chí Minh để bán cho những nhà hàng người Hoa. Họ tin tưởng rằng thịt cá hô (nhất là loại “khủng” từ 100 kg trở lên) có giá trị như “thần dược”, khi ăn vào sẽ giúp cho đàn ông đứng tuổi sung mãn trở lại như thời trai trẻ. Anh Phước kể: “Lần săn được con cá hô 150 kg vừa rồi, tôi chở lên tận thành phố bán cho nhà hàng. Họ vừa cân con cá vừa điện thoại thông báo cho khách hàng ruột, chỉ trong vài chục phút mổ xẻ cá đã có thực khách đặt hơn 20 chục bàn “tiệc cá hô”, giá mỗi kg họ bán không dưới 5 triệu đồng”.

Bí mật cuộc đi săn

Nghe anh Phước kể chuyện miên man, xuồng đã chạy đến cầu Mỹ Thuận, xuồng chui qua cầu, phía trên cao tiếng ồn ào của nhiều xe cộ qua lại. Chạy qua khỏi cầu một chút. Anh Phước kêu đứa cháu dừng máy và bắt đầu cuộc săn.

Hai chú cháu anh Phước phối hợp thật ăn ý, đống lưới cao ngồn ngộn trên xuồng được rải hết xuống sông. Hai người ở hai đầu xuồng, vừa dùng chèo tay điều khiển xuồng, vừa kéo lưới, đồng thời căng mắt quan sát những động tĩnh trên mặt nước.

< Cá hô nặng trên 130 kg.

Tôi chưa hình dung bằng cách nào những con cá hô “khủng” nặng hàng trăm kg lại có thể bị bắt từ cách săn bắt thủ công, đơn giản như vậy, thì anh Phước giải thích: “Những con cá hô lớn luôn sống dưới đáy sông, sông càng sâu, càng nhiều hầm hố cá hô càng thích ở. Đây mới chỉ là những mẻ lưới thăm dò, đánh động bọn cá hô dưới đáy sông. Khi thấy động vì có người chài lưới trên sông, cá hô sẽ rúc vào trong các hố dưới đáy sông, lúc đó tụi tui mới mò xuống...”.

Khoảng 10 phút vừa chèo xuồng vừa giăng lưới, chú cháu anh Phước bắt đầu kéo lưới, chú một đầu, cháu một đầu. Mẻ lưới thăm dò chỉ được mấy con “cá tạp” nhỏ hơn cổ tay. Chú cháu anh Phước dịch chuyển xuồng ra giữa sông và lại thả mẻ lưới thứ hai, rồi thứ ba theo cùng cách ấy, những mẻ lưới kéo lên cũng là những con cá nhỏ nhiều chủng loại. Bây giờ chú cháu anh Phước mới dừng xuồng lại và chuẩn bị cho những mẻ lưới quyết định.

Từ khi theo cha đi săn cá hô lúc 9 - 10 tuổi, đến nay đã hơn 20 năm, anh Phước đã thuộc lòng dòng sông Tiền rộng hàng cây số, sâu trên dưới 20m, đoạn ngang qua cầu Mỹ Thuận. Dưới đáy sông chỗ nào bằng phẳng, chỗ nào “hầm hố” anh đều thuộc lòng. Chính từ những cái hố dưới đáy sông mà anh Phước đã tóm được nhiều con cá hô lớn.


< Trên con thuyền săn cá hô.

Nhìn ngắm cẩn thận bốn phía, ước đoán xuồng đang ở trên một cái hố dưới đáy sông, chú cháu anh Phước lại thả lưới theo sơ đồ bí mật nào đó mà tôi không thể hình dung. Xong, anh Phước cởi hết đồ ngoài, chỉ mặc độc chiếc quần đùi, đứa cháu trai vẫn giữ nhịp chèo để cố định chiếc xuồng trên dòng sông nước. Anh Phước rít mấy hơi thuốc, khói thuốc tỏa trắng mặt sông, rồi anh rót và uống một ngụm nước mắm nhỉ, quấn “ống thở” quanh người, miệng ngậm thật chặt đầu ống.

Đứa cháu vừa giữ nhịp chèo vừa giựt cho nổ chiếc máy bơm hơi, anh Phước thử cho hơi phụt ra ở đầu ống, liền ngậm vào miệng và lao xuống dòng sông. Tôi nhìn thấy ống hơi cứ được kéo chìm dần xuống đáy sông, thật lâu vẫn chưa dứt. Đứa cháu tên Hùng mới 17 tuổi vừa căng mắt theo dõi động tĩnh của dây lưới và ống hơi, tay vừa giữ nhịp chèo. Hùng cho biết đoạn dây hơi đã được kéo xuống gần 30 mét, nhưng kỳ thực dòng sông chỉ sâu độ 20 mét, do nước chảy nên ống hơi bị võng một đoạn.

Hùng giải thích: “Ở dưới đáy sông chú Phước mò vô cái hố để làm động ổ, nếu có cá hô thì chúng sẽ bỏ chạy, may ra sẽ chui vào lưới giăng sẵn bên ngoài. Một khi cá hô lớn (loại hàng trăm kg) vướng vào lưới dưới đáy sông, nếu không có người can thiệp kịp thời, thì chỉ một lúc là cá hô có thể tự giải thoát bằng cách phá toang những mành lưới.


Đã có không ít lần cá hô đã lao vào lưới của anh Phước, nhưng khi kéo lên chỉ là một đống lưới rách nát do con cá hô vùng vẫy thoát thân bỏ lại. Khi phát hiện cá hô đã vướng vào lưới, người dưới đáy sông phải lao ngay vào ôm chặt nó, cùng vùng vẫy với nó để hạn chế sức công phá của cá đối với mành lưới. Đó là lúc hồi hộp nhất, nguy hiểm nhất của nghề săn cá hô. Người thợ săn vừa phải chịu đựng áp lực nước đè nặng trên đầu, vừa ôm chặt con cá hô đang cố sức vùng vẫy trong lưới, vừa giữ cho ống hơi ông bị tắc, chờ đợi người trên xuồng kéo dần lưới, người và cá lên mặt nước.

Nếu chẳng may vì bất cứ lý do gì mà ông hơi bị tắc (như bị cá vẫy vùng làm đứt) là nguy hiểm xảy ra với người dưới đáy sông, khi ấy chỉ còn cách buông con cá và trồi đầu thật nhanh lên mặt nước để không bị chết đuối. Đã có một lần anh Phước rơi vào tình huống đó, khi cố ngoi lên tới mặt nước, anh bất tỉnh, bụng uống đầy nước, may mà thoát chết.


< Sản phẩm của một đêm đi săn.

Không ít những trường hợp người đi săn cá hô trên sông Cửu Long đã bỏ mạng trong những tình huống như thế. Rất may là qua mấy đời săn cá hô, gia đình anh Phước không ai bị nạn theo kiểu ấy.

Nhìn mặt nước phẳng lặng, thỉnh thoảng sủi bọt theo nhịp thở của anh Phước dưới đáy sông, trong khi dây lưới và ống hơi cũng không thấy động tĩnh gì, đứa cháu tên Hùng nói: “Không gặp cá rồi, hiếm lắm mới gặp được nó, có khi cả tháng lặn ngụp mà không chạm mặt được cá hô lần nào, khi đã gặp nó cũng không dễ bắt được”. Một lúc sau anh Phước trồi lên mặt nước, hai chú cháu lại kéo lưới, “chiến lợi phẩm” cũng chỉ là những con cá nhỏ như những mẻ lưới trước.

- Theo PhunuTieudung, internet


Có vóc dáng lớn, thịt ngon và được ưa chuộng nên cá hô được mệnh danh là loài cá “vua” ở Miền Tây. Tại Đồng Tháp, trước kia trên sông Tiền thuộc khu vực Vàm Hổ Cứ (phường 6 và xã Tân Thuận Đông) và khu vực gần bến phà Cao Lãnh nổi tiếng có rất nhiều cá hô và có nhiều tay săn cá hô cự phách.

Tuy nhiên, do nạn săn bắt cá hô tràn lan khiến cá hô ngày càng khan hiếm. Để bảo vệ loài cá này, từ năm 2001, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 19 cấm khai thác cá hô ngoài tự nhiên. Chấp hành theo quy định, nhiều ngư dân săn cá hô đã bỏ nghề...