Canh chua mùa nước nổi
Mùa này, cá nước ngọt đủ loại, bông súng, bông điên điển… là những thứ dễ tìm. Vào quán, hàng đầu trong thực đơn là cá hú, cá bông lau nấu canh chua, cá linh kho sả ớt, kho tiêu. Đặc biệt, cá linh có nhiều trong mùa lũ, rất hấp dẫn.
Nguồn nguyên liệu phong phú mùa lũ được chế biến thành nhiều món ăn mang phong cách ẩm thực riêng. Rất nhiều du khách đến An Giang, nhất thiết phải ăn cho bằng được canh chua.
Canh được nấu từ me thật chua, nêm đường thật ngọt, dằn thêm muỗng nước mắm nhỉ để tăng sự đậm đà cho món ăn. Người ta cho nước canh chua vào lẩu, hoặc vào nồi chờ sôi lên, bỏ cá, sau đó cho bạc hà, đậu bắp, khóm, giá và một số loại rau mùi, như: quế, ngò gai, ngò om vào.
Dù trưa nắng gắt hay chiều mưa gió, người ta vẫn ăn món canh chua ngon lành. Mùa này, trong danh mục rau còn có thêm bông súng, bông điên điển khiến nồi canh rất bắt mắt, mang dấu ấn mùa nước nổi.
Mùa nước nổi cũng đồng nghĩa với mùa cá linh theo con nước từ Biển Hồ đổ về các nhánh kinh, rạch, sông ngòi miền Tây. Lúc này, cá linh đã lớn, to cỡ ngón chân cái, mập ú ụ, tụ thành từng bầy có khi đặt nghẹt cả một khúc sông.
Cá linh có thể được chế biến thành hàng chục món với hương vị khác nhau. Cá lớn thì dùng kẹp tre nướng trui, kho mía rục xương, kho lạt sả ớt, ăn kèm với bông súng, rau đắng, khế, chuối chát, kèo nèo… Cá non thì đổ bánh xèo, nhúng bột chiên giòn mà đặc sắc nhất có lẽ là nấu canh chua bông điên điển. Với một nồi canh có vị chua của me, vị béo của cá, vị thơm của gia vị, vị đăng đắng của bông điên điển vàng ruộm, vị cay nồng của chút rượu gạo quyện với cơn gió sông hây hẩy bên thềm thì đã có mấy ai cầm đặng lòng nào?
Mùa nước nổi hãy về xứ “xa mút tí tè”. Về để nhớ về một miền đất nơi mà cuộc mưu sinh hãy còn lắm nhọc nhằn và để thương những con người mà tính tình còn chân chất như cục đất đồng nhưng phóng khoáng như con nước nổi và nghĩa tình như những hạt phù sa .
- Tổng hợp từ báo Cần Thơ, Đất Việt...
0 nhận xét: