Khô trâu miền đá

Không giống như khô được làm từ thịt trâu, bò ở miền xuôi, khô trâu miền đá Hà Giang được chế biến với cách làm truyền thống, thành món ăn độc đáo.

Người ta thường chọn những phần thịt trâu ngon rồi xẻ dọc theo thớ thịt thành những miếng dài. Thịt được ướp muối và gừng, ớt, tiêu rừng. Sau đó, thịt mắc trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Gác bếp suốt hai tháng liền, khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…

Cách làm chỉ đơn giản như thế nhưng khô trâu (còn gọi là nhứa khoai giảng) là món đặc sản của nhiều tộc người ở vùng đất này. Người ta đặt khô trâu trên giàn bếp để bảo quản lâu. Ăn tới đâu lấy xuống tới đó và xé nhỏ ra. Khói ám lâu ngày làm cho thịt trâu có mùi vị đặc biệt nhưng không khó chịu vì hôi khói.

Nhiều món thịt được chế biến kiểu gác bếp nhưng có lẽ khô trâu là món đặc biệt nhất. Trâu miền đá rất khỏe. Chúng ăn nhiều, di chuyển nhiều nên rất vạm vỡ, thịt dai. Mổ trâu, những thứ không bảo quản được, người ta dùng chế biến các món ăn để dùng trong thời gian ngắn. Phần thịt ngon cắt ra và ướp gia vị mang gác bếp để trong thời gian dài.

Các tộc người bản địa dùng khô trâu trong các bữa ăn hàng ngày hoặc các chuyến đi rừng dài ngày. Vào mùa mưa lũ, món ăn này phát huy tác dụng bởi đảm bảo chất dinh dưỡng cho bà con dân tộc trong lúc làng bản bị cách ly với bên ngoài. Ăn chưa quen, người miền xuôi sẽ phải nhăn mặt với vị cay của gia vị và vị mặn của khô nên chỉ có thể nhấm từng chút một. Tuyệt nhất là nhấm khô trâu với rượu ngô. Cảm giác mặn, cay sẽ không còn nữa mà chỉ còn hương vị hài hòa của ẩm thực đặc trưng miền đá Hà Giang.

- Theo Đề Quy (báo Cần Thơ), internet