Làng mộc Thái Yên

Xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có 1.500 hộ thì hơn 1.200 hộ làm nghề sản xuất đồ mộc, chiếm 80%, giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 đến 3 triệu đồng một tháng. Hằng năm, nghề mộc thu về cho xã hơn 20 tỷ đồng. Thái Yên giàu lên nhờ nghề mộc.

Thương hiệu mộc Thái Yên.

Người dân xứ Nghệ hầu như ai cũng thuộc mấy câu thơ:
“Xa gần nổi tiếng Thái Yên
Đục cưa xóm dưới làng trên rộn ràng
Thương anh em cũng muốn sang
Để mong được nhập vào làng đục cưa…”

Hoặc:
"Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa
Cái nghề thợ mộc nhất là Thái Yên…”

Nghề mộc Thái Yên nổi tiếng đã từ lâu đời. Theo gia phả họ Nguyễn Viết, một dòng họ lớn ở Thái Yên ghi lại, ông tổ của họ là một tướng lĩnh thời Lê, giữ chức Đô úy tổng quản, trấn giữ ở Thăng Long. Trong một trận binh đao, Thăng Long thất thủ, Đô úy Nguyễn Viết Đức chạy vào huyện Diễn Châu (Nghệ An) sau đó vào Thái Yên sinh cơ lập nghiệp bằng nghề mộc.Tôn vinh những người thợ tài giỏi dân Thái Yên có câu:Thái Yên thợ mộc có tàiThứ nhất cửu Ngãi, thứ hai ông Hồng.Thương hiệu nghề mộc Thái Yên có uy tín khắp cả nước.

Do đó, năm 1913 triều đình mời tốp thợ Thái Yên gồm 10 người vào làm ở nội cung Huế. Ba cụ Lê Nhi, cụ Ngãi, cụ Nguyễn Minh Khánh lớn tuổi nhất còn lại 7 thanh niên. Cụ Đoàn Chất lúc đó trẻ nhất mới 17 tuổi. Việc đầu tiên các cụ được giao làm cửa cung điện Thái Hòa.

Tốp thợ Thái Yên làm vừa chắc, vừa đẹp, kiểu dáng đúng nên được vị đốc công khen, có uy tín với triều đình. Tiếp sau đó, triều đình tin tưởng giao cho làm đồ nội thất trong hoàng cung. Đến năm 1921 tốp thợ chia làm hai nhóm. Nhóm làm cột cờ ở nội thành do cụ Ngãi chủ trì. Nhóm làm nội thất do cụ Lê Nhi trực tiếp chỉ đạo.

Do hệ thống giao thông phát triển, phương tiện vận tải nhiều và thông tin liên lạc nhanh, nên việc mua bán, vận chuyển thuận tiện. Hiện nay, sản phẩm đồ mộc Thái Yên chiếm khoảng 30% thị phần ở thành phố Vinh và vùng phụ cận tỉnh Nghệ An. Còn ở Hà Tĩnh thì khi nói đến sản phẩm đồ mộc là người ta nghĩ ngay đến Thái Yên. 5 năm nay, trung bình mỗi năm, người dân Thái Yên thu về 12 tỷ đồng từ sản phẩm đồ mộc.

Là vùng chiêm trũng, nhưng sản xuất nông nghiệp đối với người Thái Yên chủ yếu để giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, còn nghề mộc mới làm giầu được. Sản phẩm của họ làm ra có giá trị, đưa lại một nguồn lợi kinh tế lớn, nâng cao thu nhập cho người dân và làm cho diện mạo nông thôn ở làng quê này thay đổi từng ngày. Đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng nhà tầng, Thái Yên đã có 50 nhà, đứng thứ hai khu vực nông thôn (sau xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) ở Hà Tĩnh.

Hộ đói không còn, hộ nghèo chỉ còn 0,6%. Hầu hết các hộ gia đình đã mua sắm đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh. Những con đường bùn lầy qua xóm, qua làng ngày nào bây giờ đã được bê tông hóa gần hết. Các công trình phúc lợi xã hội như, trường học, trạm y tế, hội quán... được xây dựng khang trang. Thái Yên cũng là một trong số ít vùng quê ở Hà Tĩnh vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn làng nghề từ xưa để lại.

Giàu lên từ nghề mộc

Về Thái Yên, mới đến đầu xã đã nghe thấy tiếng cưa, tiếng đục rộn rã, tiếng xe ô tô vận chuyển hàng, không khí không khác gì một công trường lớn. Người dân ở đây ai cũng tất bật với công việc của mình. Chủ tịch xã Đoàn Đình Hoạt cho biết:- Thời kỳ bao cấp, Thái Yên có một HTX nghề mộc. Thời đó 80% đồ mộc ở chợ Vinh là sản phẩm của HTX. Những người không làm ở HTX thành lập từng tốp thợ 10-15 người đi làm ăn khắp nơi. Mỗi năm họ chỉ về quê vài ba lần khi có công việc nhà, ngày Tết, ngày lễ của làng. Từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, thợ Thái Yên đều về quê thành lập xưởng, lập công ty sản xuất lớn. Đến nay, trong xã có 24 xưởng, 3 công ty chuyên sản xuất đồ mộc.

Các xưởng đều trang bị máy rọc, máy bào, máy doa liên hoàn hiện đại, nhờ vậy năng suất gấp 10 lần so với trước đây. Những năm gần đây, hàng mộc Thái Yên bán rất chạy, nhiều gia đình giàu lên trông thấy.Ông Nguyễn Quốc Hán, một người được làng tôn vinh có bàn tay vàng. Năm nay ngoài 80 tuổi, ông không còn cầm cưa, cầm đục nữa, nhưng hằng ngày vẫn cố vấn cho con cháu sản xuất.

Ông vui vẻ nói:- Có lẽ bí quyết của hàng mộc Thái Yên chúng tôi mộng chắc khít. Nước ta nhiệt độ mùa Hè và mùa Đông chênh lệch nhau khá xa, nhưng đồ mộc Thái Yên dù mùa hè nhiệt độ có cao bao nhiêu thì mộng vẫn sít. Hàng mộc Thái Yên nhìn thanh thoát, mỗi hình tiết, hoa văn chạm khắc như một tác phẩm văn học, uyển chuyển nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Mẫu mã được thay đổi theo thị hiếu khách hàng. Đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất và hội nhập.

Anh Nguyễn Quốc Quân một thợ trẻ tài hoa. Anh được kế thừa tài năng của ông và cha. Năm lên 15 tuổi, Quân đã trở thành một tay thợ nổi tiếng của làng. Không những làm thợ giỏi anh còn là một nhà tạo mẫu. Năm 1999, anh quyết định đi xuất khẩu lao động sang Nhật, mục đích học cách sản xuất tiên tiến của họ. Ông chủ tịch nhà máy sản xuất đồ mộc ÔZaMa giao cho anh chuyên tạo mẫu. Các mẫu anh tạo ra được khách hàng ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Ngoài công việc chính của mình hằng ngày, anh để ý học cách tẩm, phun sơn, hấp sấy gỗ của nhà máy. Đầu năm 2006 vừa rồi, anh quyết định về nước mở xưởng sản xuất.Nghề mộc Thái Yên đang phát triển, đây là một mô hình làm ăn hay, Hà Tĩnh nên nhân thành diện rộng, một hướng xóa đói giảm nghèo, trong lúc tỉnh có hàng vạn thanh niên không có công ăn, việc làm phải đi vào các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên làm thuê.

Trăn trở của lãnh đạo xã Thái Yên phải vươn lên làm ăn lớn, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất thì hàng mộc của quê nhà mới trụ vững trong thời kỳ hội nhập và xuất khẩu bền vững được. Sau khi đi tham quan, học tập tổ chức làng nghề ở Hà Tây, Bắc Ninh, năm 2002, xã quyết định cắt 5,5ha đất xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Địa phương bỏ ra 3,2 tỷ đồng san lấp mặt bằng. Đến nay Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề có 12 xưởng, 3 công ty đi vào sản xuất.

- Theo Sucsongviet, internet