Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hóa

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Nơi đây, ngày trước, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Còn nhân dân địa phương hàng năm vẫn mở hội tưởng nhớ, tôn vinh ngư­ời anh hùng dân tộc này.

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn.

Vùng đất này còn là nơi an táng của các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ và trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy, Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.

Từ 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên hằng năm với quy mô hoành tráng. Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại.

Mở đầu là đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ Đền thờ Lê Thái Tổ, theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh. Điểm nổi bật trong phần Lễ chính là những nghi thức tế lễ với những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê truyền lại, đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong Lễ hội Lam Kinh.

Trước đó, các lễ dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được tổ chức tại các địa điểm di tích như Đền thờ Lê Thái tổ (xã Xuân Lam); Khu Lăng mộ Lê Thái tổ; các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Thái miếu Nhà Lê, phường Đông Vệ và Tượng đài Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa), theo nghi thức cổ truyền và bảo đảm nếp văn hóa, văn minh, lành mạnh.

Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…

Trò diễn Xuân Phả, với những đạo cụ dân gian như mũ loóng (bằng tre), mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ, mặt nạ con, mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công, xênh tre... cùng những "diễn viên" người làng Xuân Phả (Thọ Xuân) qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

Với trò Xuân Phả, du khách thập phương được hiểu biết thêm về mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong các thời kỳ lịch sử. Phần Hội kết thúc với các chương trình nghệ thuật hiện đại, ca ngợi đất nước, quê hương và con người xứ Thanh trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống tạo nên dấu ấn của một vùng đất anh hùng đồng thời góp phần bảo tồn nền văn hoá của dân tộc.

- Tổng họp từ Cnet, Tinmoi và nhiều nguồn ảnh khác