Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Ấn tượng đầu tiên về cái trung tâm xã có lẽ khác xa với tưởng tượng và lời quảng cáo hấp dẫn của mình. Trường học 2 tầng khang trang, trạm xá sạch sẽ, lại còn cái “nhà rông văn hoá” không biết được làm theo chủ trương của đồng chí lãnh đạo nào mà bê tông hoá hoàn toàn, từ sàn, cột, vách…
Trạm y tế xã Sơ Ró. |
Đoạn đường còn lại chưa làm, đội chia 2 nhóm hành quân về 2 điểm ở khác nhau, mình đưa nhóm 1 về làng Sơró, cách trung tâm xã 4 km , đường khá dễ đi, chỉ lội qua một con suối cạn.
Khi mà chân bắt đầu mỏi, tinh thần bắt đầu vơi theo từng con dốc, làng Sơró hiện ra phía sau con dốc cao, thấp thoáng chóp nhà sàn và thoảng nghe tiếng suối róc rách, một ngôi làng yên bình với hơn 30 nóc nhà sàn bao bọc lấy nhà rông phía dưới một “thung lũng nhỏ” (theo cách gọi của bọn mình) và khoảng hơn 30 nóc nhà nữa chênh vênh trên những triền núi phía sau.
Nhà sàn của người Bana thấp và dài, nhà rông cũng không đặc biệt hơn nhiều, có chăng là lớn hơn và dài hơn, trước cửa nhà, đồng bào mình nghe tin tình nguyện về, ra ngồi ngóng, mấy em bé gái thẹn thùng khúc khích cười.
Bao bọc quanh làng là suối, một con suối như bao con suối không tên của núi rừng Tây Nguyên, đẹp, hoang sơ, rực đỏ sắc hoa lộc vừng rủ hai bên bờ, những bông hoa mỏng manh xoay như reo giữa những xoáy nước, vấn vương lại giữa các khe đá rồi vun vụt lao đi, biến mất.
Mình được bố trí ở trong nhà rông thanh niên (cái này là mới thí điểm ở Sơró và một số vùng khác, cũng là nhà rông nhưng khác nhà rông của làng, nhà rông này dùng cho sinh hoạt thanh niên, do thanh niên làm nên theo đúng những đường nét cổ xưa nguyên thuỷ nhất của nhà rông, đẹp, tỉ mỉ với những vật trang trí rất đặc trưng.)
Đồng bào Bana theo chế độ mẫu hệ, người phụ nũ quán xuyến mọi việc, từ lên nương đến quản lí gia đình, mình đã trợn tròn mắt ngạc nhiên khi thấy một gia đình Bana đi rẫy về, người cha dịu đứa con nhỏ, dắt đứa con lớn, người vợ và đứa con gái lớn địu gùi củi trĩu nặng. Ấy thế mà đàn ông con trai lại rất có giá, nếu “trai tốt” tức là khoẻ mạnh, nhìn sáng sủa thì chỉ có cô gái nào nhà có nhiều trâu bò mới dám đến bắt chồng, thường khi lấy chồng, đàng gái phải thịt ít nhất một con bò đãi làng, cùng Giàng và nộp sính lễ hồi môn cho nhà trai.
Khi mình đến, núi rừng Tây Nguyên đang vào mùa đãi “quả lười ươi”, một loại trái nhìn lông lá, khi ngâm trong nước nở ra ăn man mát, nghe đồn là tốt và bổ (vì mình ăn hoài nhưng chưa thấy bổ). Trái này bán rất được giá, thông thường một ngày một người đi rừng kiếm được cả trăm ngàn tiền bán trái lười ươi – một số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây.
Chiều đầu tiên đến điểm ở, cả lũ hăm hở ra tắm suối, thôi thì con trai cũng như con gái, chả có gì phải ngại, vì ngại thì chẵng lẽ ở bẩn không tắm. Nước suối tron và mát lạnh, có những đoạn chảy xiết làm cho mấy chàng trai của chúng ta hết sưc hào hứng, nằm bám tay vào mỏn đá, mặc cho nước táp qua người.
- Ối!
- Gì thế? cả lũ lao nhao lên
- ……
- Thế làm sao đấy????
- …….
Anh chàng kia im bặt, không nói một tiếng nào, mọi người cũng không hỏi nữa. Nhưng lạ kì ở chỗ, khi mà mọi người đã di tản lên những bụi cây để thay đồ thì anh chàng kia vẫn kiên quyết bám trụ không lên. Chỉ đến khi mấy tên con trai rộ lên cười hú há thì lũ con gái mới vỡ lẽ ra vụ án “nước chảy trôi…đồ”.
Đêm đêm, chếnh choáng trong men rượu cần, trong bập bùng ánh lửa, trong nhịp cồng chiêng do …chính tay mình đánh (dù rằng thấy người ta gõ thì mình gõ đại), tay nắm tay, hát theo nhịp xoang rộn rã “những bàn chân, bàn chân trần trên đất bước đi rộn rã bồi hồi, tiếng hú vang xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức….” để rồi “rượu cần lâu năm (hic! chỗ này lạ lắm nhá, rượu cần chỉ mấy tháng là uống được, để đến 1 năm đã chua lè nói gì đến lâu năm) cất trong đáy mắt em, anh vít cần, vít cần mà không dám uống, anh cứ sợ, cứ sợ là mình mất nhau thôi”. Ấy, đến khi mà tụi mình hát chán thì tụi mình hát thế này “em ứ sợ, ứ sợ là mình mất nhau đâu!!!”
Đồng bào ta còn đói khổ lắm, tháng 7, bữa cơm gạo “dân tộc” (cách nói của một vài người Kinh trong vùng) vàng ngai ngái, độn trong bắp phơi khô, thức ăn là chút nấm rừng và cà đắng xào lá sắn. Ấy là nhà còn có người khoẻ mạnh đi làm được, còn nhiều nhà ăn bắp nướng qua bữa là chuyện thường tình.
Dù rằng muối được phát miễn phí, đất rẫy bạt ngàn nhưng người đồng bào mình thật thà quá, còn một số người Kinh thì tàn nhẫn quá. Người Kinh khôn ranh, người Kinh tàn nhẫn chỉ có vài hộ trong vùng, nhưng với biệt tài à ơi ngọt tận xương, họ dụ dẫn đồng bào bán đất nương gần, ruộng nương của họ bạt ngàn. Mình đã thấy những người già, đổi nhiều ngày công để lấy một giá gạo. Bao nhiêu lần phạt cảnh cáo, bao nhiêu lần tỉnh xuống làm việc, nhưng xét một cách thực tế, vai người Kinh ấy không phạm pháp, họ chỉ phạm vào cái tâm người, mà điều ấy thì chẳng ai xử lý được.
Nhưng đồng bào mình vẫn thương “sinh viên cụ Hồ” lắm, chiều chiều, người mẹ già đi rẫy về vẫn giúi vào tay mình mấy bắp ngô ngon mẩy nhất, những đứa trẻ vẫn mang đến những gì chúng cho là ngon nhất biếu “thầy cô”.
Nhớ mãi, gói mối từ tay đứa học trò đôi mắt đen lay láy, bắt hồi đêm, mang đến cho thầy ăn, miệng nói “ngon lam day” mà thầy cô nhìn đã chết khiếp chẳng dám ăn, nhớ mãi niềm vui của bọn trẻ khi ngồi trên chiếc xích đu thầy và trò cùng làm (hehe, dù rằng phải qua suối lên rừng chặt cây, và cây thì có cái biển “cấm phá rừng”).
Mặt trời chưa dậy, sương còn giăng giăng trên những ngọn núi xa xa, tiếng gà gáy, tiếng bước chân, tiếng ríu rít cười đùa của các cô gái Bana vang vang bên suối. Sáng thanh bình, mọi thứ đều thanh bình, hiền hoà, trong vắt, trong như nước suối rừng, trong như ánh mắt em bé Bana, trong như hơi thở của rừng.
Hôm nay mình sẽ vào rừng, khu rừng bên kia ngọn núi phía xa để chặt lồ ô về làm vỉ lót sàn nhà rông. Lồ ô gần ngay bản cũng có nhưng thân nhỏ, còi cọc, con người cần nhiều quá, rừng không kịp hồi sinh, để rồi cứ mỗi lần lại phải đi xa hơn, xa hơn.
Sáng dậy sớm, mấy bạn cấp dưỡng đã nắm cho mỗi người 2 nắm cơm, trứng luộc và muối vừng để đi đường, đường xa lắm, thuận lợi thì tối về, nếu không có lẽ phải ở lại lán giữa đường nếu trễ quá không về kịp.
Hăm hở lắm, lần đầu tiên được tiến vào rừng sâu, nơi mà đồng chí Đinh Hứt dặn đi dặn lại là phải cẩn thận có thú giữ. Thích lắm chứ, hình như đứa nào cũng háo hức được gặp thú rừng sau khi nhiều ngày ở đây chỉ nhiều lắm là bắt được thỏ. Đường xa thật xa, qua những con suối nước chảy xiết, từng phiến đá trơn rêu. Vượt qua con suối thứ 4, bụng mình thầm nghĩ, đi không đã khó thế này rồi, lúc về vác thêm Lồ ô, tinh thần lại xuống nữa thì sao vác nổi.
Qua suối, đến những rẫy ngô của đồng bào, những ruộng lúa nương vẹn vẹn bên suối, xơ xác vài hạt ngả vàng. Lại còn thấy cả cây bông, nghe nói là có chương trình trồng bông, nhưng bông thì trắng rẫy, đường xá lại xa qua nhiều sông suối, xe không vào được để thu mua, bông lại bỏ lăn lóc trên rẫy, màu trắng ngạo nghễ giương mắt nhìn đám lúa bắp xác xơ.
Con đường mòn cỏ tranh um tùm khi đi sâu hơn vào phía rừng, cỏ tranh mọc ngập đầu người. Sương đêm làm ướt đẫm cỏ tranh, ướt đẫm những con đường, tạt ướt cả ai áo, lành lạnh, ẩm ẩm.
Đến chân con núi, rừng tre đan vào nhau tạo thành những vòm, những mái. Lom khom chui qua rừng tre râm rạp, rừng nguyên sinh hiện ra trước mắt, rừng trên triền núi, rừng dưới thung lũng, rừng trước mặt và thấp thoáng phía xa, rừng nối tiếp nhau, hoang sơ nhưng hiền hoà, tĩnh lặng đủ để nghe thấy tiếng viên đá nhỏ rơi ở đâu đó, tiếng suối reo xa xa, tiếng chim giật mình gọi bạn.
Không giống như khu rừng nguyên sinh mình đã từng đi, rừng trước mắt mình thoáng đãng và khá khô ráo, cây mọc cạnh những phiến đá, chằng chịt dây leo lớn bằng thân người, vắt vẻo qua cây, ôm lấy cây, nối lấy cây, như những chiếc thuyền chở những cụm lan rừng trắng muốt. Hương rừng thơm ngọt, dịu dàng.
Những đứa lần đầu tiên biết thế nào là rừng nguyên sinh Tây Nguyên, cứ lặng người ngắm, trầm trồ khen cảnh, khen hoa. Còn mấy “thanh niên địa phương” thì thật tinh mắt khi đã kiếm được tổ ong rừng trĩu mật. Vì đã có “kinh nghiệm” bị ong chích khi ở trong rừng tràm tại U Minh Thượng, mình không dám lại gần, kiếm một thân cây phía xa xa, ngồi xuống …núp và hồi hộp theo dõi.
1 giờ sau, mật đã được rót ra đầy một chai lớn, anh Đinh P’lei đi qua mình nói nhỏ “vê cho cai Đinh Y.. mang ve…” (Đinh Y.là tên già làng đặt cho mình, người Bana vùng này đều mang họ Đinh)
Sướng cười tít mắt, xốc lại chiếc balo đựng thứ đáng giá nhất là cơm nắm, lại tiếp tục lên đường.
Thượng nguồn, nước chảy ra từ khe núi, đổ qua thác nước, cuối mùa khô, suối cạn, thác cũng thật hiền hoà. Thác rộng, những tảng đá lớn trơn nhẵn khô nước, phơi trắng lòng suối . Qua con suối này mấy bước là tơi rừng lồ ô, đã thấy trước mặt những thân cây gióng dài, thẳng tắp, xanh mướt. Dừng lại ăn trưa xong xuôi, rựa được xách lên, những thân cây thẳng tắp đổ xuống, để lại những vết chặt sắc nhọn.
Chỉ một loáng, từng bó, từng bó lồ ô đã được buộc gọn gàng, đều tăm tắp, mỗi bó sinh viên vác 5 cây, nữ 3 cây, thanh niên địa phương vác…8 cây! Vác một được khoảng nửa tiếng, số lượng cây đã là: nam SV 5 cây, nữ 2 cây còn thanh niên đĩa phương 2 người vác 9 cây!
Và sau một tiếng nữa, 2 đứa con gái chỉ còn vác nổi mấy cán rựa, balo và vài thứ linh tinh khác. Đúng là con gái chúa rắc rối!!! hehe.
Mệt, đói, đau chân, khi nhìn thấy bản làng thấp thoáng phía xa xa, khi nghe tiếng cười quen thuộc bên suối, ai nấy đếu mừng hớn hở.
Dừng chận một lát đứng ngắm nhìn bản làng bên kia con suối, hoa vẫn đỏ rực rủ xuống trong chút ánh sáng chạng vạng, ngôi làng yên bình, ngôi làng đầy ắp sự thơm thảo tình người, ngôi làng có con suối cong cong uốn mình chảy qua, đẹp cả về cảnh, về tình, về hồn.
Để nhớ lại, cứ văng vẳng tiếng ru của người mẹ Bana anh hùng, xoa đầu và ru ta, hát và vít cần, mắt thăm thẳm như núi, như rừng, lòng hiền như vốn con người sinh ra đã vậy….
Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt
Haggard04
- Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
0 nhận xét: