Đồn Rạch Cát

Ít ai ngờ giữa rừng ngập mặn hoang vu sát biển của huyện Cần Đước (Long An) lại có một trận địa pháo lớn tầm cỡ nhất nhì Đông Dương đã tồn tại hơn một trăm năm qua…

Giữa tháng 8.2012, tôi được tháp tùng đoàn nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP.HCM đi thực tế sáng tác ở Long An. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là đồn Rạch Cát (thuộc ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước). Đoàn được hướng dẫn bởi chị Lê Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Long An) và anh Nguyễn Công Toại (Chánh văn phòng sở), nên được tham quan thoải mái dù đây là nơi đồn trú của một đơn vị quân đội.

Tôi khá ngạc nhiên khi trung úy Nguyễn Hữu Nam (trưởng đồn) mời đoàn… lên nóc nhà. Nhưng khi lên đây rồi mới thấy “choáng” bởi quy mô của đồn, nhất là sừng sững trước mắt chúng tôi một ụ trọng pháo bằng thép như chiếc mu rùa khổng lồ, còn ở hai đầu hồi là hai khẩu pháo 138 mm đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Đồn Rạch Cát (còn gọi là Đồn Rạch Cốc) được thực dân Pháp xây dựng trong 7 năm (từ 1903 - 1910) nhằm “đón đầu” Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918). Nên nhớ 100 năm về trước chưa từng có tàu ngầm còn máy bay thì mới phát minh - vẫn còn bay thấp lè tè, nên trọng pháo là loại vũ khí chiến lược.

Pháp sợ tàu chiến của các nước khác (Anh, Đức, Hà Lan…) từ Vũng Tàu tiến vào Sài Gòn theo sông Soài Rạp nên đã lập một trận địa pháo ở ngay vị trí chiến lược: nơi 2 con sông Vàm Cỏ và Rạch Cát cùng đổ ra sông Soài Rạp. Với tầm bắn trên 20 km của các khẩu pháo, từ vị trí này sẽ khống chế một vùng rộng lớn từ cửa biển Cần Giờ tới Nhà Bè, sát Sài Gòn và cả vùng Gò Công.

Đồn Rạch Cát có hình cung đối xứng, chiều dài khoảng 300 m, chiều ngang 100 m. Mặt tường bố trí 100 lỗ châu mai hình vuông. Trên cổng đồn vẫn còn có thể đọc được dòng chữ “Ouvreges du Rach Cat 1910”.

Đồn có 5 tầng (3 tầng chìm và 2 tầng nổi). Tường đúc bằng xi măng cốt thép, dày từ 60-100 cm nên các tầng hầm lúc nào cũng mát lạnh, mức độ kiên cố của các bức tường đủ sức chịu đựng các loại bom đạn thời đó (dạo đó chưa có loại bom xuyên phá boong ke). Chúng tôi phát hiện chi chít dấu đạn trên những cổng sắt dày và trên bờ tường, nhưng đó chỉ là những “dấu vết kỷ niệm”, chẳng “nhằm nhò” gì…

Hai bên cánh là nơi đặt các khẩu pháo, khu vực giữa là đài chỉ huy, kho tàng, nhà ở… Xung quanh đồn có hào nước rộng nhưng hiện nay đã bị bồi lấp. Các cụ cao niên ở địa phương còn kể bên dưới đồn còn có đường hầm thông ra cửa sông, cửa hầm có lắp kính để quan sát dưới nước. Sau này kính vỡ, bùn đất tràn vào lấp mất đường hầm và tầng dưới của đồn…

Hỏa lực chính của đồn là 2 tháp pháo ở hai đầu cánh. Mỗi tháp pháo có đường kính 6 m, đặt song song 2 khẩu canon 240 mm. Đây là loại pháo hạm do Pháp sản xuất đặt trên tàu chiến, sau đó được điều chỉnh lại để bố trí ở các pháo đài. Mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn, đạn nặng 162 kg, tầm bắn xa nhất là 22,7 km. Tháp pháo kiểu Schneider bằng thép dày, có thể quay vòng tròn để bắn ra mọi hướng.

Phía trên nóc tháp pháo còn nhô lên một ụ nhỏ hình mu rùa để quan sát và chỉnh pháo. Nếu các loại pháo bộ binh hiện đại khi bắn còn phải móc 2 càng sắt ở phía sau của khẩu pháo vào đất để chịu sức giật khi bắn, thì với các ụ pháo này, ta đủ biết độ chắc chắn, kiên cố của nóc đồn như thế nào.

Đến nay, dù đã hơn trăm năm nhưng các tháp pháo ở đồn Rạch Cát vẫn rất vững chắc, đặc biệt là không bị han gỉ. Tiếc là, các khẩu pháo đã bị gỡ đi, chỉ còn lại hai lỗ trống hoác hình bầu dục trên thân tháp pháo.

Ngoài hỏa lực chính ở hai tháp pháo trên, đồn Rạch Cát còn được trang bị 6 khẩu pháo phòng không 75 mm (sản xuất năm 1897) và 4 khẩu pháo 95 mm (1888). Việc xây dựng pháo đài này ngốn hết 7 tỉ franc thời đó (hơn nhiều so với 2 tỉ franc - tiền Pháp, cho việc xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội).

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc mà khu vực trấn giữ của đồn Rạch Cát vẫn vô sự nên thực dân Pháp chở 4 khẩu trọng pháo 240 mm đi chi viện cho chiến trường khác, chỉ để lại các loại pháo nhỏ… Đến Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1938 - 1945), trước nguy cơ phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương, Pháp sửa sang lại đồn Rạch Cát và xây thêm 2 mâm pháo lộ thiên ở hai đầu hồi để đặt 2 khẩu pháo 138 mm (sản xuất năm 1924 và 1927), mỗi khẩu nặng 5,5 tấn. Đến nay 2 khẩu pháo này vẫn còn nằm đó nhưng không còn sử dụng được.

Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm đồn và chở đi những khẩu pháo 75 mm. Đến tháng 8 năm ấy, Nhật đầu hàng đồng minh, đồn Rạch Cát lọt vào tay cách mạng nhưng chỉ giữ được 3 tháng rồi rút đi khi quân Anh hỗ trợ cho Pháp tái chiếm đồn. Từ đó cho đến tháng 4.1975, quân đội Sài Gòn và lính Mỹ thay nhau trấn giữ đồn này…

Sau ngày giải phóng, đã có khoảng 10 bộ phim mượn đồn Rạch Cát để quay những cảnh pháo đài cổ, bởi toàn miền Nam không có pháo đài nào sánh được với đồn Rạch Cát về mức độ hoành tráng, cổ xưa và thơ mộng…

Hiện nay pháo đài vẫn đang là địa điểm quân sự, do một đơn vị pháo binh của tỉnh đội Long an đóng quân. Muốn tham quan pháo đài phải xin phép cơ quan chức năng. Cũng không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Mặt khác, di tích còn lại không nhiều, cây cối um tùm che khuất tầm nhìn nên khách tham quan khó hình dung hết giá trị lịch sử và quy mô của pháo đài.

- Theo Hà Đình Nguyên (Thanhnien), Tanthong.blogspot