Đồng vọng trăm năm giữa mùa nước nổi
Vậy nên, cứ mỗi năm phong thanh nghe nước đổ đầu nguồn, là bao người lại nôn nao “ngược dòng” lên thăm mùa nước nổi. Những chuyến đi về ấy chỉ làm cho người ta thêm… ấm ức, vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó đối với những kẻ xa quê, hay những khách lạ đôi lần ghé lại. Bởi nó là chiều sâu của sự giao thoa văn hóa, tập tục sinh hoạt của hai dân tộc Kinh và Chăm với vốn sống gắn bó, hài hòa cùng với thiên nhiên sông nước.
Nó có nhiều thứ rất giống nhau mà vẫn giữ nét đặc trưng riêng, từ cái cách đội khăn của các bà, các cô, từ chiếc xuồng đi lại mùa nước nổi, đến những căn nhà ngó mặt ra sông, cả bến nước thân thương trong sinh hoạt hằng ngày… nhưng vẫn nhận diện rõ sự khác biệt giữa văn hóa Chăm và văn hóa người Kinh Nam Bộ.
Nhà thơ Lê Thanh My - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật An Giang, bao nhiêu năm “mê mẩn” văn hóa Chăm, mà vẫn cho rằng mình chưa biết hết chiếc khăn matơra của các cô gái Chăm.
Chiếc khăn đội đầu làm nên nét duyên của con gái Chăm, làm cho đôi mắt vốn sâu thẳm càng thêm bí ẩn, quyến rũ ấy có không dưới 50 kiểu dáng. Ngoài ra, có cả một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo: kiến trúc nhà ở, tập tục cưới hỏi, chôn cất, ẩm thực… Đó vẫn còn là thách thức với các nhà nghiên cứu, vì những tài liệu, ghi chép cho đến nay vẫn chưa thể gọi là chính thống.
Do trước năm 1975, người Chăm sống khá khép kín gần như “ẩn cư”. Người An Giang ngày xưa những ai giao lưu với người Chăm thường là người đi bán dạo các loại kim chỉ, dầu gió, các vòng trang sức đeo tay… đựng trong các hộp gỗ dẹp hình chữ nhật, mặt trên có lộng kính. Đặc biệt hơn nữa, với chiếc khăn rằn mà người miền Tây thường gọi là khăn choàng tắm, những ai từng sống bằng nghề dệt lụa, rồi sau này là lãnh Mỹ A đều biết nó xuất phát từ miệt Tân Châu. Đó cũng chính là nơi có làng dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất, đẹp nhất của cộng đồng người Chăm còn lưu giữ đến ngày nay, giờ là ấp Phủm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu.
Người Chăm ở An Giang hiện nay, sống tập trung ở các huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành.
Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, các cô gái Chăm sắp đến tuổi thành niên còn phải gò bó trong tục ga- sâm (cấm cung). Người có thể gọi là có công lớn mở ra sự giao lưu mạnh mẽ của người Chăm với văn hóa văn minh hiện đại, là nhạc sĩ Lâm Thanh Bình hiện là Trưởng Ban Tuyên giáo huyện An Phú. Ông đã lần đầu tiên lập đội văn nghệ quần chúng và mời được năm cô gái Chăm cùng tham gia biểu diễn.
Đến nay, người Chăm An Giang đã bỏ hẳn tục ga- sâm. Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình cũng chính là người Kinh có những nhiều sáng tác Chăm, trong đó nổi tiếng cả nước với tổ khúc “Karim và Norisa”.
Thật may mắn, ngay trong lần Liên hoan văn hóa Chăm- lễ hội mùa nước nổi lần thứ nhất, năm 2003, tôi đã được tham dự trọn vẹn trong ba ngày đêm ở Búng Bình Thiên. Đến nay, sau bảy lần được tổ chức, lễ hội đã trở thành ngày hội chung của cả cộng đồng cư dân sống trên mùa nước nổi đầu nguồn.
Nhớ lần lễ hội mùa nước nổi lần thứ nhất, năm 2003, Ban tổ chức đưa đoàn đại biểu đi thuyền từ Búng Bình Thiên sang bên kia biên giới Campuchia. Khi thuyền đến ngã ba, có con kênh nhỏ nối với sông Bình Di, mọi người đều ngạc nhiên trước hiện tượng thiên nhiên vô cùng độc đáo. Khi sau lưng, là Búng Bình Thiên trong xanh ngăn ngắt, mặt nước phẳng lặng như gương; phía trước lại là con sông ngầu đỏ phù sa, nước từ thượng nguồn đổ xuống ầm ầm như thác.
Các vị lãnh đạo ngành du lịch, các nhà lữ hành đều trầm trồ công nhận, đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, quyến rũ, nếu nối tuyến du thuyền đưa khách từ hạ lưu sông Mekong, sang bên kia biên giới Campuchia mùa nước nổi. Ngay sau đó, đã có nhiều tour mời gọi về An Phú và hiện có nhiều du thuyền đua du khách băng đồng mùa nước nổi. Dù rằng, những dự án mời gọi xây dựng các khu du lịch trên Búng Bình Thiên, cho đến giờ chưa thấy nhà đầu tư nào tham gia, riêng tôi lại thấy vậy mà hay. Vì biết đâu du lịch không khéo sẽ làm hỏng đi “viên ngọc quý” đầu nguồn, có thể xâm thực cả nền văn hóa còn được bảo tồn khá trọn vẹn của người Chăm An Giang.
Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt tiếp giáp ba xã biên giới của huyện An Phú là: Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội. Hồ rộng khoảng 300 ha, nhận nước từ sông Bình Di chảy vào. Vào mùa nước nổi, Búng Bình Thiên trở nên mênh mông gấp đôi. Nhưng quanh năm, dù có theo thủy chế bán nhật triều của sông Mekong, mặt nước vẫn tuyệt không gợn sóng, phẳng lặng như gương và trong xanh đến lạ.
Nhiều người liên tưởng, con gái Chăm mỗi ngày ra bến nước soi mặt xuống “chiếc gương trời” kỳ diệu ấy, mà đôi mắt đã đẹp càng đẹp thêm. Thật ra, chính bản sắc văn hóa đã làm nên tâm hồn sâu lắng, toát ra từ vẻ thanh thoát, kín đáo ẩn nép sau rèm khăn Matơra duyên dáng.
Văn hóa đã làm nên những đêm hội Búng Bình Thiên lung linh, huyền ảo. Dưới bến nước, trước thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoy Ry yah (Nhơn Hội), những điệu múa như bước ra từ huyền thoại “nghìn lẻ một đêm”; trong tiếng trống bập bùng rộn rã, nhưng vẫn nghe da diết, vời vợi với tiếng hát vút cao, xa vắng của cô gái Chăm “thổn thức” nỗi niềm trong “Bến nước tình yêu” của Amunhan: “Nế… a… nê… a nế à nề… a nê… Chiều nay trên bến nước nghe tiếng hát ai như ru, lòng em đang xao xuyến ôi lưu luyến đôi duyên tình…”.
Có mối quan hệ mật thiết nào đó giữa những bí ẩn của Búng Bình Thiên và cô gái Chăm. Cả hai cùng có vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa sâu kín mà như đầy ẩn ức; vẻ đẹp mà càng cố gắng nắm bắt, càng cố gắng giải thích, thì nó càng trở nên xa xôi, huyền bí. Xa xôi như lời hát Chăm trôi bềnh bồng trong mỗi mùa lễ hội.
Hình như, tất cả đều ở trong một thế giới đầy liêu trai và thoát tục nào đấy. Có lẽ, chính vì thế mà bao năm qua, Búng Bình Thiên vẫn mãi là một điều gì đấy bí ẩn mà nhiều người chưa thể khám phá được.
Cũng chính vì thế, mà người phương xa cứ bồn chồn đợi mùa lễ hội, rồi lại tìm về với bến hẹn Búng Bình Thiên.
- Theo Quang Thuần (PNO), internet
0 nhận xét: