Tam Đảo, thị trấn xanh trong mây mù
Mấy năm gần đây, thị trấn mù sương này đang phát triển nhanh chóng với những khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm trên lớp lớp các ngôi biệt thự cũ đổ nát thời Pháp.
Nằm ở độ cao 900 mét so với mặt biển nên buổi sáng ở Tam Đảo, du khách chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy mây mù bay lớp lớp trên ngọn núi, mây bời bời vờn quanh phố như muốn tràn vào phòng.
Chợ trên phố núi
Lạ cái là bên này phố mù mịt mây thì bên kia nắng vẫn hửng lên vàng rực, làm nổi bật màu xanh mướt của những thảm su su nằm ở trước cửa mỗi nhà hoặc bên vệ đường.
Su su là đặc sản của Tam Đảo. Đi một vòng quanh thị trấn, chỗ nào cũng mướt xanh những giàn su su thấp cỡ 3 tấc kết bằng tre rừng.
Con đường xuống chợ uốn lượn theo triền dốc với những nhà hàng khách sạn dày đặc. Nhiều khách sạn rất hiện đại, có cả hồ tắm phía trước.
Để ý nhìn thì thấy hầu như nhà hàng, tiệm ăn nào cũng để bảng “Cơm tám, gà đồi”. Gà ở đây rất ngon vì được nuôi thả.
Thịt heo “cắp nách”, loại heo mỗi con chỉ độ hơn chục ký, da giòn, ít mỡ cũng được bán ngay đầu chợ. Nhiều nhất vẫn là ngọn su su, đọt bí, măng mai và vài thứ trái cây như chuối, mít, đào, mận, dâu da…
Bên cạnh các hàng thổ cẩm lấy từ Sa Pa xuống, đặc sản của chợ vẫn là các loại thuốc núi. Nhiều nhất là táo mèo phơi khô hoặc ngâm rượu. Ngoài ra còn có la hán quả tươi, rượu la hán quả, rượu ngô, rượu sán lùn vàng óng, bắt mắt.
Đặc biệt nhất có lẽ là loại sâu chít màu trắng ngà giống như con đuông, nghe nói rất bổ. Loại sâu này là ấu trùng của một loài bướm sinh sản trong cây chít (cây đót), người đi rừng nhìn cây chít nào bị hư là đem về chẻ ra lấy sâu ngâm rượu hoặc phơi khô bán.
Sắc thái tâm linh và phế tích say lòng người
Người dân ở đây thường nói: “Đến Vĩnh Phúc là đến với Mẫu”. Quả vậy, từ chùa Tây Thiên dưới chân núi thờ quốc mẫu Tây Thiên đến các đền chùa trên Tam Đảo, du khách có thể thấy thật rõ sự hiện diện của đạo Mẫu, một tín ngưỡng thuần Việt từ xa xưa.
Ngay thị trấn Tam Đảo, sau khi đi cổng trời, xe ôm sẽ đưa du khách về đền Chúa, đền mẫu thượng ngàn, chùa Vàng và đền Quốc mẫu Âu Cơ tức Vua Bà. Con đường lên đền 300 bậc thang đá, hai bên là rừng trúc xanh rì, mát rượi khiến ta quên mỏi mệt bởi cảm giác như lạc bước đến rừng thiền, vào cõi thanh tu.
Vào đền mẫu đúng dịp, du khách sẽ được xem bóng rỗi trong điệu hát chầu văn, lại được thấy các ban cô Bé, cô Bơ, cô Chín theo hầu. Ở đền quốc mẫu Âu Cơ thì nào là Tứ phủ chầu Bà, Ngũ vị tôn ông kế bên Vua Bà sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Trên đường xuống chân núi, chúng tôi cũng đã ghé đền đức thánh Trần, đền nhị vị Vương cô (con đức thánh Trần) và cả một ngôi đền mẫu do tư nhân dựng nên ở dốc núi.
Chưa hết, cái làm say lòng người của Tam Đảo còn là những di tích, phế tích. Một buổi chiều bên thác Bạc, một ông già địa phương trong quán nhỏ ven đường kể cho chúng tôi về chuyện những người tù năm 1902 đã xây dựng từng bậc đá xuống ngọn thác nổi tiếng này.
Đó là những kẻ “có đi không về” giữa sơn lam chướng khí để thác mang cái tên thác Bạc (phận bạc). Người dân cố cựu kia còn kể về bao lớp phế hưng của Tam Đảo.
Hơn 160 ngôi biệt thự thời Pháp đẹp đẽ đã vùi sâu trong lòng đất để lớp lớp ngôi nhà mới mọc lên, có chăng chỉ còn hầm rượu cũ của viên toàn quyền Pháp đứng chơ vơ trên kia như dấu tích của một thời.
Còn cả ngôi nhà thờ cổ bằng đá từng có hàng trăm tu sĩ tu tập, nay bị bỏ hoang bên góc chợ. Ngày đầu đến đây, chúng tôi đã mê mẩn trước ngôi nhà thờ kiểu gô tích có những vòm tròn tuyệt đẹp in hình trong bóng chiều.
Ngồi lọt thỏm trong cái quán nước nhỏ nhoi, ông già 75 tuổi đã sáu đời sống ở phố núi dường như cũng trở thành một phế tích hòa vào bóng chiều đang xuống. Đúng là đi trong thị trấn nhỏ xinh này, chỉ cần nghiêng tai là sẽ nghe thấy tiếng quá khứ thì thầm, nhắc nhở…
- Theo DNSG, internet
0 nhận xét: