Bí ẩn lăng mộ các gru giữa rừng già Yok Đôn
Quá trình cưỡi voi chiêm ngưỡng rừng như thế thường chỉ dừng lại trong vòng 30 phút không đủ để khách lãng du khám phá hết những bí ẩn của rừng già. Bởi giữa nơi rừng sâu, không chỉ có muông thú và cây rừng, nếu chịu khó khám phá, người ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những điều kỳ lạ.
Một trong những điều lạ ấy là khu lăng mộ của các gru (dũng sĩ săn voi rừng) nằm tại xã Krông Ana. Đây là một thế giới biệt lập với nhiều nét kỳ lạ chẳng nơi đâu có được, nơi lưu dấu bóng dáng của những tù trưởng hùng mạnh, có sự hiện diện của cả vua Xiêm La (Vua Thái Lan) và Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Vào lúc 2 giờ 3 phút ngày 3/11/2012, Amakông - dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng 298 voi rừng, trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở buôn Trí, xã Krông Ana. Theo thông cáo của 2 dòng họ Knul (họ của người vợ đầu) và Êban (họ gốc của Amakông), thi hài của “vua voi” được quàn tại nhà đến ngày 8/11 để họ hàng, bà con, bạn bè khắp nơi đến thăm viếng trước khi được di quan - hạ huyệt.
Có mặt tại huyện Buôn Đôn vào sáng 5/11, ngay khi vừa đặt chân đến buôn Trí, chúng tôi liền đến viếng dũng sĩ huyền thoại cuối cùng ở Buôn Đôn. Trong câu chuyện với các con cháu của ông, không chỉ ấn tượng bởi chia sẻ rằng vì là dũng sĩ danh tiếng lẫy lừng khắp núi rừng Tây Nguyên và cả nước nên đám tang của Amakông sẽ là đám ma lớn nhất từ trước đến nay, chúng tôi còn rất đỗi ngạc nhiên khi được ông Kông - người con trai đầu của “vua voi” cho biết, ai cũng tưởng khi chết đi, cụ Amakông sẽ được an táng tại khu vực dành cho những dũng sĩ săn voi rừng trứ danh ở cách ngôi nhà cổ khoảng 3km.
Nhưng vì người M'nông theo chế độ mẫu hệ nên “vua voi” sẽ được an táng bên mộ phần của người vợ đầu quá cố của ông tại buôn Trí. Từ chia sẻ của ông Kông, chúng tôi lập tức dò đường tìm đến khu lăng mộ của các gru dũng mãnh, nơi in đậm dấu ấn của "vương quốc voi" vốn dĩ chìm giữa rừng già huyền bí.
Được sự dẫn đường của ông Amasắc (người M'nông có tục gọi theo tên con, Amasắc có nghĩa cha thằng Sắc), thay vì vòng vèo qua các con đường theo bảng hướng dẫn, ông Sắc quyết định cắt rừng, men theo triền con sông Sêrêpốk để đi cho nhanh. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nên ông Sắc nằm lòng mọi ngõ ngách của rừng già như lòng bàn tay. Thành quả của cuộc cắt rừng khá mạo hiểm này giúp chúng tôi tiết kiệm được đến hơn 2km.
Nằm ven dòng Sêrêpốk, dưới chân ngọn núi Yang hùng vĩ núi nối tiếp núi hình vòng cung tựa bộ ngực vạm vỡ của chàng Đam San quả cảm ưỡn ra phía trước che chắn cho buôn làng M'nông trước mọi phong ba bão táp, "thung lũng gru" theo chia sẻ của ông Sắc là nơi yên nghỉ của những chiến binh một thời, những dũng tượng trứ danh mà chỉ Buôn Đôn mới có.
Trong không gian tịnh vắng rõ tiếng lá lào xào, tiếng con thú giẫm lên cành cây hoai mục răng rắc, ông Sắc phá vỡ không khí thâm u ấy bằng giọng nói khàn khàn rằng "kia là mộ của Y Thu Knul, được vua Xiêm La gọi Khun Su Nốp, có nghĩa vua săn voi: "Y Thu là ông tổ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ông từng bắt hơn 500 con voi rừng, là tù trưởng thế lực, uy tín được các tộc trưởng các tộc người ở Tây Nguyên và vua Xiêm La, Vua Bảo Đại, tôn quý".
Mộ của vua săn voi Khun Su Nốp là lăng mộ khổng lồ hình tháp với chóp nhọn mà chỉ cần thoạt nhìn đủ biết đó là nơi an nghỉ của bậc vương giả chốn rừng sâu. Cạnh mộ Khun Su Nốp là mộ bà vợ của ông cũng được đổ bê-tông kiên cố, kiến trúc tháp mộ đặc biệt với đường hầm bí mật dẫn vào trong. Đúng như bật mí của ông Sắc, khi chui vào khu vực đường hầm bí mật, đọc những dòng chữ Pháp và tiếng M'nông vẫn còn hiện rõ, chúng tôi được biết Khun Su Nốp từng bắt được con voi trắng (bạch tượng) quý hiếm.
Người xưa tin rằng voi trắng là hiện thân của bậc vua chúa nên khi thuần dưỡng xong con voi này, Khun Su Nốp đã gửi tặng cho vua Xiêm La nên được ông vua này kết nghĩa tình thân. Khun Su Nốp cũng từng tháp tùng Vua Bảo Đại trong những chuyến đi săn nên khi ông mất đã được Vua Bảo Đại đích thân thiết kế mộ và đốc công xây dựng.
Khi vua săn voi Khun Su Nốp qua đời, dũng sĩ Amakông là người tiếp nối sự nghiệp của ông. Điều này được 2 dòng họ Knul và Êban ghi rõ trong thông cáo đặc biệt lúc “vua voi” Amakông từ trần rằng "Đại trưởng lão - huyền thoại săn voi số 1 Việt Nam - người được mệnh danh là “vua voi” Amakông - một hậu duệ kế cận của ông tổ săn voi Khun Su Nốp". Cần nói rõ rằng với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng mà dũng sĩ Amakông được liệt vào dạng huyền thoại thì chiến tích săn bắt đến 500 con voi rừng đủ biết uy danh của cụ Khu Su Nốp "dữ dằn" như thế nào!
Chỉ vào đường hầm nằm dưới tháp mộ, ông Sắc bảo theo phong tục của đồng bào, nơi an nghỉ của người chết là khu vực cấm, nếu không có việc thì không ai được phép vào vì như vậy sẽ quấy nhiễu người chết, làm kinh động các hồn ma. Luật tục duy trì qua bao đời nhưng không đủ sức ngăn chặn lòng tham của những kẻ ngỗ ngược, tham lam. "Cách đây mươi năm, cả 2 khu mộ này bị kẻ gian lợi dụng đêm đến lẻn vào khoét mộ lấy hết vàng bạc được chôn theo cụ tổ và vợ. Đó là những của cải báu vật mà vua Xiêm La, Vua Bảo Đại, các tù trưởng gửi tặng cho cụ tổ. Nhưng nhiều nhất vẫn là của cải từ tục chia của cho người chết".
Là địa phương duy nhất trong cả nước có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, người người nhà nhà giàu có nhờ nghề săn voi, buôn làng hùng mạnh nhờ voi nên người Buôn Đôn rất yêu quý voi. Vì voi hiền lành, thông minh, giúp ích được nhiều cho dân làng nên dân Buôn Đôn xem voi như người, chỉ khác là voi không biết nói mà thôi.
Và vì xem voi như anh em, người thân trong gia đình nên khi voi chết, chủ voi khóc thương thảm thiết, tiến hành chôn voi với nghi thức như người. Đây chính là lý do mà tại thung lũng an nghỉ ngàn đời của các gru, bên cạnh mộ tháp của vợ chồng ông tổ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Khun Su Nốp, chúng tôi thấy một số ngôi mộ khủng kết cấu hoành tráng, uy nghiêm được ông Sắc cho biết đó là mộ những con voi cưng của gru vĩ đại nhất Buôn Đôn. Do những mộ voi này nằm giữa lùm bụi um tùm nên theo lời khuyên của ông Sắc, chúng tôi không dám tiến đến gần vì sợ thú dữ, rắn độc...
Chuyện voi được an táng, chôn cất với những nghi thức như người ở Buôn Đôn cho thấy ngày trước người Buôn Đôn trân trọng yêu quý những khổng lồ rừng xanh. "Voi là bạn, là người thân, là anh em… nên khi voi bệnh, gru lo lắm, mời thầy đến cúng, chữa bệnh cho voi đến khi nào khỏi mới thôi" - ông Y Lươm Knul, Phó chủ tịch UBND xã Krông Ana, một người cháu và là trưởng ban tổ chức tang lễ “vua voi” Amakông, khi được chúng tôi hỏi chuyện đã cho biết như thế.
Cũng theo ông Y Lươm Knul, voi bệnh cũng như người bệnh và thường những lúc như thế, gia chủ phải thả voi tự vào rừng cho voi tìm cây thuốc chữa bệnh. Nhưng đó là chuyện của ngày trước, bây giờ chủ voi không dám rời mắt khỏi voi: "Người xấu, kẻ gian rình rập khắp nơi. Chúng chỉ chực chờ sơ hở là ra tay giết voi để lấy ngà, cắt đuôi, lấy xương… bán kiếm tiền. Bây giờ rất nhiều người không yêu thương voi như cha ông ngày trước" - ông Phó chủ tịch trăn trở.
Trở lại quá trình thăm viếng lăng mộ những gru huyền thoại ở Buôn Đôn của chúng tôi. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ về kiến trúc những ngôi mộ tháp của vợ chồng cụ tổ khai sinh nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Khun Su Nốp cùng những mộ voi mà người Buôn Đôn đến nay chẳng mấy người nhớ tên, chúng tôi ghé thăm mộ của cụ Y Dot Knul, mất năm 81 tuổi, nằm cách đấy không xa. Tuy không bề thế như mộ ông tổ săn voi nhưng không vì thế mà mộ của cụ Y Dot Knul kém phần đặc biệt. Mộ được xây kiên cố, chóp hình chữ V ngược, tường mộ được trang trí hoa văn bí hiểm và được khắc hình 3 chú voi ngà dài đang trong thế ung dung rảo bước giữa rừng già.
Dựa vào thông tin ghi trên bia đá, mới biết mộ được lập ngày 26/5/2002 và hoàn thành vào ngày 20/6 cùng năm. Bia ghi công được con cháu cụ Y Dot Knul cho lập ghi rõ cụ "khai hoang ruộng được 5ha, đâm bò và min rừng được 36 con, bắt và thuần dưỡng 28 voi rừng". Trên tấm bia ghi công là 2 chiếc chuông đại, dưới là con hắc tượng (voi đen) ngà dài, dáng uy dũng. Người Buôn Đôn kể rằng đám ma của cụ Y Dot Knul ngày ấy lớn lắm, trước mộ có đẽo hình 4 con công ngồi trên ngà voi, là biểu trưng của người giàu có, uy tín, được dân làng nể trọng.
Rời nơi an nghỉ của cụ Y Dot Knul, chúng tôi ghé sang mộ phần của cụ ông Y Tép Bu Dăm (mất ngày 6/9/2012, thọ 72 tuổi), mộ của cụ Y Wớt Knul và vợ là cụ H'Dâu Byă (mất năm 2002, thọ 82 tuổi)… Tại những ngôi mộ này, hình ảnh loài voi thân thiện cùng các "chiến công" khai hoang, săn bắt thuần dưỡng voi rừng, đâm bò rừng và con min… của gru nằm dưới mộ cũng được ghi rõ.
Khi chúng tôi bày tỏ sự thắc mắc rằng "min rừng" là con gì, ông Sắc giải thích đó là loài mãnh thú lai giữa bò tót và trâu rừng. Loài này có sừng cong vút, to lớn, khỏe mạnh, hung dữ đến cọp còn phải sợ. "Người ở Buôn Đôn ai cũng biết thịt con min rất ngon và cặp sừng của nó rất quý nhưng vì nó tinh khôn, khỏe mạnh nên thợ săn bình thường khi đi rừng không dám tấn công nó. Chỉ có những gru khỏe mạnh, dũng cảm, mưu trí mới hạ gục được min thôi" - một già làng tên Nay Điê, cho biết.
Tại thung lũng an nghỉ của những gru huyền thoại, trước những ngôi mộ bề thế với hình ảnh loài voi rừng hiện diện khắp nơi gắn liền với chiến tích của người nằm dưới mộ, có lẽ bất kỳ ai đến tham quan nơi này đều có cùng cảm giác như chúng tôi, ấn tượng đến ngỡ ngàng vì những gì biết được và trông thấy.
Khu lăng mộ kỳ bí này đã góp phần tô đậm thương hiệu làng voi Buôn Đôn, nhắc nhở con cháu tộc người Lào và M'nông sống bên dòng sông Sêrêpốk luôn nhớ về cha ông, nguồn cội cũng như tự hào về một thế hệ cha ông kiên cường, cần mẫn. Hôm ấy vì thời gian lưu lại còn quá hạn hẹp nên chúng tôi đành gác lại lời rủ rê của ông Sắc tiếp tục cắt rừng vào thăm những khu lăng mộ bề thế, bí ẩn không kém nằm giữa rừng già mà chủ nhân không ai khác là các gru dũng mãnh ngày trước.
Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi, Buôn Đôn với điểm nhấn "thung lũng gru" bí hiểm là một nơi như vậy!
- Theo An ninh thế giới, internet
0 nhận xét: