Chinh phục thác Thùm Thùm

Để vào khu du lịch Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang), từ tỉnh lộ 293 phải vào một con đường dài 750m. Đó là một con đường nhỏ, bề mặt trải nhựa, đoạn đầu khá bằng phẳng nhưng càng về sau, độ dốc tăng dần theo sườn núi Huyền Đinh - Yên Tử.

Sau những phút lặng im hành lễ trong hương khói nghi ngút tại khu đền Thượng, đền Hạ dưới chân suối Mỡ, chúng tôi nghỉ ngơi dưới gốc cây lan cổ thụ đã hơn 200 năm tuổi chuẩn bị chinh phục thử thách. Chúng tôi quyết "giải mã" lời nhận xét của hầu hết dân phượt: "Về Bắc Giang mà không đi suối Mỡ thì coi như chưa biết Bắc Giang. Nhưng đã lên đến suối Mỡ mà không chinh phục thác Thùm Thùm thì uổng phí một chuyến đi...".

< Đường vào thác Thùm Thùm.

Tây Yên Tử là một vùng núi hoang dã rộng lớn với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Khu vực này thuộc các huyện Yên Dũng, Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.

Trải dài trên một hành trình cả trăm kilômet, nhưng có lẽ, nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp kỳ thú nhất là vùng đất Lục Nam với địa danh sông Lục, núi Huyền.

< Công trường thủy điện thác Thùm Thùm, may mắn là nó nằm ở hạ lưu chứ không thì thác chả còn!

Xe chúng tôi đã phải về số 1 để leo dốc trên đường toàn đất đá lởm chởm. Có lúc, cơn mưa ngâu bất chợt đổ xuống xối xả khiến đoàn người chẳng ai kịp mặc áo mưa.

< Tiếng nước thùm thùm khiến cho con thác có cái tên này chăng?

Sau những phút giây phải tập trung cao độ, chúng tôi cũng đến được địa danh thác Thùm Thùm. Nhiều bạn quyết định cởi giày lội theo con suối nhỏ để tiến về phía thác.

Chàng trai người dân tộc Cao Lan bán kem dọc đường cho biết phải đi bộ hơn 1km theo dòng suối, hoặc đường mòn xuyên rừng mới đến được chân thác.

Để đến chiêm ngưỡng trọn vẹn con thác này phải băng qua một chặng đường núi không hề dễ đi.  Ở đây cây cối rậm rạp, nhiều tre trúc khiến bị mất tầm nhìn, gây cảm giác mất phương hướng.

Cũng phải cẩn thận từng bước chân, vì đôi khi có thể là vách đá cao, sẩy chân là ngã xuống vực. Nhưng đối với những người thích khám phá thì được đi bộ, hòa mình vào trong thiên nhiên hoang sơ đã là một sự thưởng thức rồi, chưa kể đến phía cuối hành trình là một cảnh tượng thiên đường chào đón.

< Những 'bể bơi' thiên nhiên tại thác Thùm Thùm.

Nằm ở đỉnh núi Huyền Đinh nên nước ở thác chảy rất mạnh, trong vắt, hệ động thực vật vô cùng phong phú. Những vũng nước do thác đổ xuống tạo thành các "buồng tắm" thiên nhiên rất tuyệt diệu. Nhiều chàng trai, cô gái không chút suy nghĩ lao cả người xuống dòng nước dưới chân thác. Dòng thác xối xả, ầm ầm mát rượi đổ xuống cơ thể mệt mỏi, cuốn phăng đi những giọt mồ hôi, bụi đường.

Đường từ tầng đáy lên các tầng trên của thác Thùm Thùm rất hiểm trở, trơn trượt. Mọi người phải bám tay nhau, rồi vịn vào những thân cây, dây leo để lên tầng thác thứ hai. Tầng thác này được đặt tên là thác Trơn, đúng như những gì mà mọi người vừa chinh phục cảm nhận về nó.

Nước ở tầng thứ ba của thác Thùm Thùm trong vắt, nhìn rõ cả những viên sỏi nhỏ ở đáy. Dòng nước mát lạnh cùng những phiến đá khổng lồ trở thành điểm nghỉ chân thư giãn kỳ diệu.

< Kỹ năng leo trèo phải có để chinh phục những tầng trên.

Để chinh phục tầng trên cùng của thác Thùm Thùm, mọi người phải vượt qua những phiến đá lớn, rồi băng qua tán cây rừng rậm rạp.

Leo lên tầng thác thứ tư không cao lắm, chỉ khoảng 3-4m. Những chàng trai trẻ khỏe có thể bám vào đá đu người vượt thác. Lên được đến đây coi như bạn đã chinh phục được toàn bộ thác Thùm Thùm hiểm trở và hoang sơ.

Nước từ trên cao đổ xuống ào ạt tạo thành những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Có lẽ tiếng nước đổ thùm thùm khiến cho con thác có cái tên này chăng?

- Theo Hải Dương - Hương Nguyễn (Bắc Giang Online), VietPicture và nhiều nguồn ảnh khác.

Lạc vào Tây Yên Tử
Kỳ vĩ Suối Mỡ