Gò Điều và đèo Quán Cau
Ngày xưa, nơi chân đèo Quán Cau có một bà già không rõ nguồn gốc. Bà cất quán bán trầu cau, khách bộ hành qua đèo khá dài nên dừng chân giải khát, mua trầu cau ăn nghỉ rồi tiếp tục hành trình. Người đi ra Bắc đến chân đèo thì chờ người bạn đường, cũng mua trầu cau ăn rồi tiếp tục trèo đèo. Vì thế có tên đèo Quán cau.
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về
Cô về chẳng lẽ về không
Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau
Ngưa ô đi tới Quán Cau
Ngựa hồng thủng thỉnh đi sau Gò Điều
Không đi thì mắc cái eo
Có đi thì sợ cái đèo Quán Cau.
Hoặc:
Không đi thì nhớ Đồng Gieo
Có đi thì sợ cái đèo Quán Cau
Chợ Quán Cau lúc mới thành lập có bà già lập hàng quán bán trầu cau. Có người cho là hai ngôi quán tuy ở hai nơi mà chủ cũng chỉ là một bà già. Buổi tối bà trở về bán ở quán chợ, buổi sáng giao cho con cháu trông coi, bà ra bán ở quán đèo. Bà không ở hẳn ngày đêm vì lúc bấy giờ đèo Quán Cau cây cối rậm rạp, chúa sơn lâm thường xuất hiện tìm mồi ban đêm. Đầu đèo có một ngôi quán bán trầu cau, về sau có bán cháo sò huyết ở đầm Ô Loan.
Gò Điều thuộc ấp Bình Quang, thôn Phú Điềm. Giữa xóm có cây điều to lớn tán lá um tùm, trải bóng mát một vùng, khách qua lại thường dừng chân nghỉ mát. Về sau, khi làm đường cây điều bị chặt đi nhưng xóm vẫn được gọi là Gò Điều. Từ Gò Điều ra chợ Quán Cau khoảng 500m, dân cư khá đông đúc, có nhà thờ Gò Điều đã sập đổ, nền đất vẫn còn.
Đầm Ô Loan nhìn từ đèo Quán Cau |
Lê Thành Phương là người con thứ 6 trong gia đình có 8 anh em. Ông đỗ tú tài năm 1857 nhưng có ý chí chống Pháp. Lê Thành Phương qua lần gặp Nguyễn Tri Phương tại đình làng Phong Phú, đã có thêm niềm tin và ý chí quật cường. Do đó năm 1885, ông cùng nghĩa quân làm lễ tế cờ ở căn cứ dưới chân đèo Quán Cau mà phía đông có núi Mái Nhà, Hòn Yến, phía tây có hòn núi nhỏ thuộc dãy Trường Sơn.
Tháng 5/1886 đến tháng 2 năm 1887 đã diễn ra hai trận đánh quyết liệt giữa tên đại tá Demas và đội quân tay sai do Trần Bá Lộc chỉ huy với nghĩa quân do Lê Thành Phương với con Lê Thành Bính và con rể là Võ Hữu Phú.
Tháng 1/1886, ông được Vua Hàm nghi sắc phong Thống soái Quân vụ Đại thần và nhận được 3 khẩu thần công do Phan Đình Phùng gởi tặng.
Bùi Giảng, người phụ tá trực tiếp phía bắc đầu hàng giặc, cuộc chiến đấu không cân sức tại đèo Quán Cau vào tháng 2/1887, Lê Thành Phương phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Ngày 13/2/1887, ông về quên vợ ở Tuy Hoà để tìm đồng đội cũ là Đặng Trạch nhưng bị phản bội vì ông ta đang làm Chánh tổng Hòa Bình nên bị bắt nộp cho Trần Bá Lộc tại Ngân Sơn.
Ông bị kết án tử hình cùng 11 nghĩa sĩ khác trong đó có Nguyễn Hào Sự, vị tướng xuất sắc của phong trào Cần Vương. Ngày 20/2/1987 địch chém ông tại bến đò Cây Dừa (nay thuộc Bình Hoà, xã An Dân) rồi bêu đầu ngót tháng trời tại cây đa Cầu Chùa và cây đa chợ chiều Mỹ Phú. Trước khi chết ông ngâm bài “Tuyệt bút” sau đây:
Nhất sinh quyền nguyện vãn sơn hà
Thế sự thương mang thống hận da?
Thậm tắng cẩu cuồng tranh mại quốc
Khả liên hổ mãnh hãm khuy nha
Anh hùng mạc quản doanh dư luận
Tổ quốc hà cô sỉ nhục ta?
Khu thể cách tinh, linh bất một
Truờng kỳ mặc tưởng hậu đào ba.
Dịch thơ:
Ra tay cứu nước, thoả bình sinh
Uất hận trò đời lắm quẩn quanh
Căm ghét chó điên đua bán nước
Xót thương hùm dữ chịu chùn nanh
Anh hùng há lại lo nhơ tiếng
Tổ quốc sao đành để nhuốc danh
Thân có nát tan hồn chẳng mất
Sóng cồn sẽ lại dậy trào nhanh
(Lê Thành Phương)
- Theo báo Phú Yên + internet
0 nhận xét: