Hoang sơ bãi cát vàng Hải Giang
Bãi cát vàng yên tĩnh
Quá ít người biết về Hải Giang, có lẽ vì đây chỉ là “ốc đảo” nhỏ bé nằm trên bán đảo Nhơn Hải, là làng chài dân cư thưa thớt, cách biệt với thành phố Quy Nhơn dù khoảng cách khoảng 15 hải lý. Chúng tôi biết Hải Giang khi tình cờ đọc trang viết trên mạng của một du khách người Mỹ. Du khách nước ngoài này đi “bụi” từ TP.HCM bằng tàu lửa đến ga Diêu Trì, thuê xe ôm chạy thẳng ra đảo Nhơn Hải, lội qua đỉnh núi nhỏ để đi vào làng chài…
Thông qua một người bạn địa phương, chúng tôi thuê được thuyền cá sức chứa khoảng 12 khách, giá tương đối mềm (cả đi về chưa đến 1 triệu đồng). Khởi hành từ bến Hàm Tử, Quy Nhơn, thuyền đưa du khách ngắm cửa đầm Thị Nại, băng qua dãy núi đá nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo hiên ngang giữa trời biển.
Thuyền chạy khoảng 30 phút, trước mặt đã hiện ra bãi biển Hải Giang hình lưỡi liềm với bãi cát vàng óng ả trông khá đẹp mắt. Do mực nước thủy triều xuống nên thuyền không thể chạy thẳng vào bờ, phải nhờ thuyền thúng và ghe câu đưa khách vào. Có hai anh bạn đi trong đoàn muốn cảm nhận ngay vẻ đẹp hoang sơ ở đây đã không kìm được lòng mà nhảy ào xuống làn nước trong xanh bơi vào bờ với khoảng cách gần 100m.
Hải Giang có những bãi cát óng ánh vàng, độ dốc thoai thoải rất phù hợp cho du khách vẫy vùng. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc canô cao tốc đưa du khách từ thành phố Quy Nhơn ra đây tắm biển, tìm cảm giác yên tĩnh tuyệt đối.
Sau khi tha hồ tắm biển tại Hải Giang, du khách cũng có thể theo thuyền ra đảo Hòn Khô gần đó ngắm san hô.
Bức tượng bí hiểm
Đảo nhỏ, nhà cửa lưa thưa, số lượng người dân cũng không nhiều (khoảng 500), nên đi quanh đảo du khách tưởng lạc vào một đảo hoang! Hải Giang chỉ nhộn nhịp vào những ngày mồng một, rằm, nhất là rằm tháng giêng vì trên đảo có ngôi chùa cổ, nhỏ nhưng linh thiêng và mang nhiều huyền thoại.
Chùa có tên Linh Sơn cổ tự nhưng dân trong vùng quen gọi chùa Phật Lồi. Cụ Trương Long, đã trên 80 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh lắm, là người dẫn đường đưa đoàn chúng tôi lên chùa. Đường đi băng qua đầm nước ngọt nằm dưới chân núi, trước mặt ngôi chùa.
Hình ảnh này ngày xưa đã được nhà thơ Quách Tấn miêu tả khá chi tiết trong cuốn Nước non Bình Định: “Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa (yểm). Tượng này người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh, một hôm tự nhiên biến mất. Người dân tìm mãi không thấy, sau nghe người ở Phương Mai được tượng Phật bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà giở lên không nổi, đành phải cúng lại cho người Phương Mai”.
Dòng họ cụ Trương Long có mặt trên hòn đảo này hàng trăm năm trước. Cụ kể lúc còn nhỏ chính cụ đã nghe người lớn trên đảo kể về những huyền thoại xung quanh ngôi chùa có tượng Phật được chính dân làng phát hiện và xây chùa thờ.
Chuyện xưa kể rằng một hôm có người dân trên đảo cuốc đất làm ruộng phát hiện đầu một pho tượng. Dần dần, đầu tượng lồi lên khỏi mặt đất trước sự ngỡ ngàng của dân trong vùng. Tuy thân tượng bằng đá chỉ cao khoảng 0,6m, rộng 0,45m nhưng phải hàng chục người khiêng mới nổi. Ngôi chùa cổ hiện nay đã di dời ít nhất ba lần, nằm trên ngọn đồi thuộc dãy núi Phương Mai.
Khuôn viên ngôi chùa nhỏ, pho tượng Phật được đặt ở gian thờ chính. Pho tượng Phật Bồ Tát tư thế thiền định thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và giới nghiên cứu văn hóa vì hình dáng điêu khắc pho tượng và 12 dòng chữ nằm phía sau lưng tượng hình ngũ giác đến nay chưa ai giải mã được. Có nhiều giả thiết cho rằng đây là tác phẩm điêu khắc Champa muộn, có ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ.
Nhiều giai thoại người dân trên đảo kể rằng vì tượng quý và nổi tiếng linh thiêng nên kẻ trộm và kẻ thù muốn chiếm đoạt tượng đi khỏi hòn đảo cuối cùng đều thất bại, người tham gia đều bị chết bất đắc kỳ tử! Còn đối với khách hành hương và du khách có niềm tin tâm linh, đến đây thường thỉnh giấy vàng in vào minh văn lưng tượng nhằm cầu mong tài lộc, bình an.
Ngôi chùa này qua bao đời không có sư trụ trì. Chùa do chính người dân trên đảo tự quản, chăm lo hương khói. Hôm chúng tôi đến vãn chùa được cụ Trương Long dẫn đi và thuyết minh những câu chuyện thú vị liên quan đến chùa.
Món ngon trên đảo
Hải sản được chính ngư dân trong vùng đánh bắt và bán cho du khách luôn tươi ngon, giá rẻ hơn so với tại thành phố Quy Nhơn. Gà vườn ở đây thịt rất thơm, ngon. Đoàn chúng tôi bỏ ra chi phí cho bữa cơm trưa chưa đến 1 triệu đồng, với các loại cá nướng lửa than, lẩu, thịt gà luộc và nướng, cùng các loại rau xanh trên đảo do chính người dân chế biến.
Ăn xong, nằm trên võng đong đưa, ngoài kia sóng vỗ rì rầm, gió thổi mát rượi mang lại cho từng người một giấc ngủ trưa yên ả, thanh bình.
- Theo Tiến Đạt (Tuổi Trẻ Chủ Nhật)
Pho tượng đá kỳ lạ ở Nhơn Hải - Quy Nhơn
0 nhận xét: