Huyền Chip: 'Mình liều lĩnh chứ không mù quáng'

Tác giả ‘Xách ba lô lên và đi’ lên tiếng khi bị nghi ngờ tính xác thực cuộc hành trình qua 20 nước của cô bạn.

Bí kíp độc hành xuyên hành tinh

Cuối tháng 9 vừa qua, cuốn sách Xách ba lô lên và đi ghi lại chuyến chu du hơn 20 quốc gia của cô bạn 9X Huyền Chip xuất hiện và lập tức “gây bão” đối với cư dân mạng và cộng đồng bạn trẻ mê phượt. Trong khi đa phần độc giả tỏ ý thán phục vì sự gan dạ và quyết tâm theo đuổi ước mơ riêng của Huyền Chip, một số ý kiến đặt ra những nghi vấn về tính xác thực của chuyến đi, cho rằng việc Huyền Chip có thể xin visa một cách quá dễ dàng, cũng như số tiền 700 USD trang trải cho cuộc hành trình là điều “khó tưởng”.

Cách đây vài ngày, khi cuốn sách đang được giới trẻ hào hứng đón nhận, một bài viết với nhan đề Giới trẻ đi phượt: Muốn nói ngoa, đi xa mà nói một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi xoay quanh tính chân thực và mục đích trong cuộc hành trình của Huyền Chip.

Trong bài viết, tác giả đưa ra nghi ngờ đối với những gì Huyền Chip mô tả ở cuốn sách, bao gồm chi tiết cô bạn đã xin được việc làm thêm một cách khá dễ dàng ở các nước đi qua.

“Tôi cũng là người được đi đây đi đó, luật pháp ở các nước luôn có quy định về người lao động nước ngoài rất khắt khe (...), và theo cách của Huyền chắc chắn đã được coi là lao động bất hợp pháp, nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị xử phạt rất nặng...”, tác giả bài viết nhận định.

Bài viết cũng liên tục đặt ra những câu “hỏi xoáy” về mục tiêu trong cuộc hành trình của Huyền Chip, cho rằng ước mơ Huyền đang đeo đuổi là những “hoài bão đầy nguy hại”: “...Có nên chấp nhận cạm bẫy và nguy hiểm đến cả tính mạng để được người khác ca ngợi tâng bốc mình là can đảm, mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm (...). Chưa kể sự lo lắng của người thân, nhất là cha mẹ khi con mình tự dưng bỏ học “đi liều” đến những nơi xa nguy hiểm vì trong người chỉ có vài trăm USD...”.

Ngay sau khi được đăng tải, bài báo lập tức “châm ngòi” cho hàng loạt các ý kiến bình luận trái chiều nổ ra. Nhiều độc giả đồng tình với nội dung của bài báo khi cho rằng giới trẻ yêu mạo hiểm cần có sự đầu tư ngay từ đầu, thay vì liều lĩnh với những chuyến phượt. “Có đi thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ tiền bạc, kinh nghiệm, chứ chỉ “xách ba lô lên và đi” đến những nơi lạ lẫm, nguy hiểm thì không nên khuyến khích như một người tài năng, dũng cảm đậm chất kiếm hiệp...”, nick Luanth chia sẻ.

Một ý kiến phản hồi bài báo từ một blogger nổi tiếng cũng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ: “Không quan trọng Huyền Chip có “chém” hay không, nhưng cách làm như vậy không nên cổ xúy như kiểu mẫu đáng học hỏi của số đông, nhất là khi sự cổ xúy đó không phân tích được mọi ngóc ngách của vấn đề...”, nick Ngọc Long bình luận.

Trong khi đó, đa phần các bình luận khác vẫn giữ quan điểm ủng hộ cô bạn Huyền Chip, đồng thời chỉ trích bài viết đã có thái độ quá gay gắt với giới trẻ mê phượt.

“Tác giả có vẻ chưa từng phượt nên nhìn về phượt hơi gay gắt. Phượt chung quy lại cũng là một khía cạnh sống, sẽ có người này, người kia, có người theo đuổi vì đam mê, có người vì nông nổi, thích làm trò..., nhưng tác giả lại khiến người đọc mang ác cảm với dân phượt và giới trẻ phượt”, nick Duy Linh Phạm phân tích.

Thêm vào đó, trong bài viết gây sốc có một đoạn khiến các teen "đứng ngồi không yên": "Phải chăng Huyền đang thổi vào những tâm hồn "trẻ trâu" mơ ước, hoài bão đầy nguy hại lang bạt tới những nơi nguy hiểm quá mức, có đáng để khuyến khích những người trẻ Việt đi đến đó".

Nhiều bạn vô cùng giận dữ với cái cách mà tác giả gọi giới trẻ là "trẻ trâu". Bạn Hoàng Vũ nói: "Không biết từ bao giờ người ta dùng từ "trẻ trâu" với cái ý nghĩa châm biếm và sai lệch hoàn toàn ý nghĩa ban đầu như thế nữa. Viết bài mà gọi các độc giả, những đối tượng của mình là "trẻ trâu" thì quả là không lịch sự và không tôn trọng chút nào!".

Liên lạc với tác giả Huyền Chip, cô bạn 9X nhẹ nhàng chia sẻ, mọi chuyện đều có quá trình của nó, khó thể giải thích trong vài ba câu để mọi người hiểu.

Lý giải về chi tiết tìm việc làm thêm trong cuốn sách, Huyền cho biết: “Những công việc mình tìm được đều là trong những hoàn cảnh khác nhau. Cái mình học được trong chuyến đi là sự thích ứng với hoàn cảnh, chứ không phải tìm ra một quy luật rồi áp dụng nó vào mọi hoàn cảnh. Tìm được việc hay không không chỉ phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, mà còn do bản thân mỗi người. Mình nghĩ mình tìm được việc vì chủ động lăn lộn, không ngại khó và dễ dàng bỏ cuộc...”.


“Trong sách mình đã kể rất rõ về những công việc mình đã làm, ai thắc mắc nữa thì có thể đọc cuốn sách để tìm câu trả lời”, cô bạn cười chia sẻ.

Huyền Chip cũng bác bỏ nhận định cho rằng chuyến đi của mình là nhằm để được tôn vinh, khen ngợi: “Nói thật, nếu mình muốn được khen ngợi, mình đã ở nhà làm những gì mọi người vẫn mong đợi mình làm rồi... Mình thừa nhận là mình có liều lĩnh, nhưng liều lĩnh khác với mù quáng. Trước khi làm việc gì, mình đều tự hỏi: trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là gì; nếu xảy ra, mình có thể giải quyết được nó không... Nếu như mình chấp nhận được cái rủi ro xấu nhất đó, mình sẽ làm”.

Về chi tiết 700 USD cho chuyến hành trình, Huyền Chip lý giải, đó chỉ là số tiền cô bạn có khi bắt đầu chuyến đi, không phải cho toàn bộ hành trình như bài báo trên đã nhầm lẫn. “Nó đơn giản chỉ là toàn bộ số tiền mình có lúc đó, và không mang một ý nghĩa đặc biệt nào cả”, Huyền khẳng định.

Với ý kiến cho rằng chuyến đi của mình đang được cổ xúy một cách thái quá cho đám đông học hỏi, Huyền Chip chia sẻ quan điểm: “Mỗi công cụ được tạo ra, đều có người dùng sai nó. Mỗi câu chuyện được đưa ra, đều có người hiểu sai nó.

Có người đi xe gây tai nạn, không có nghĩa là chiếc xe bị cấm. Mình nghĩ, những trải nghiệm mình chia sẻ trong sách sẽ phần nào giúp các bạn đang có mong muốn đi định hình rõ việc đi nó như thế nào, để có thể chuẩn bị tốt hơn cho bản thân mình".

“Thông điệp duy nhất mình muốn truyền tải qua cuốn sách của mình là nếu có ước mơ, hãy theo đuổi nó. Nếu có thể cổ xúy cho suy nghĩ này, mình sẽ rất vui”, Huyền Chip cười cho biết.

- Theo Mai Nhật (iOne), internet