Kỳ lạ 2 con kênh "trời đánh" ở Long An

Đó là hai con kênh nhỏ, như hàng ngàn con kênh khác, nhưng lại cướp đi sinh mạng bao người, để lại nỗi đau và sự sợ hãi suốt hàng thế kỷ qua. 
Giữa bạt ngàn những cánh đồng lúa xanh ngát, những làn gió thoang thoảng mùi tinh dầu tràm gió đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn là những con kênh, mái nhà nép sát nhau. Cảnh vật và con người hài hòa như một bức tranh êm đềm mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ những làng quê nào.

Tuy nhiên, có một vài nơi ở đây lại xảy ra những câu chuyện khó tin, những sự trùng hợp kỳ lạ mà không ai giải thích nổi gắn liền với những cái chết thương tâm cùng những câu chuyện mới nghe thôi đã lạnh cả sống lưng.

Đó là hai con kênh nhỏ, như hàng ngàn con kênh khác, nhưng lại cướp đi sinh mạng bao người, để lại nỗi đau và sự sợ hãi suốt hàng thế kỷ qua mà vẫn chưa có lời giải đáp.

Chuyện hãi hùng ở con kênh chết

< Con kênh "trời đánh" ở ấp 3, xã Long Thành.

Từ xưa đến nay, việc nắng gió, mưa bão hay sấm sét là những hiện tượng tự nhiên bình thường, tuân theo quy luật bất biến của trời đất. Tuy nhiên, có nhiều nơi, sự việc tưởng như bình thường ấy lại gắn liền với những câu chuyện hãi hùng, những cái chết thương tâm, nhuốm đầy sắc màu huyền bí.

Một con kênh nhỏ nằm trên đường N2, đoạn qua ấp 3, xã Long Thành (huyện Thủ Thừa, Long An) từ trước đến nay thường được người dân trong vùng gọi là “kênh trời đánh”.

Ngay như cầu số 9-10 trên đường này cũng được đặt tên là “cầu trời đánh”, vì nó bắc qua con kênh đó. Hỏi nguyên nhân tại sao lại dẫn đến cái tên kỳ lạ như vậy, bà Nguyễn Thị Tâm, 47 tuổi, nhà gần đó cho biết: “Từ trước tới nay, cứ mùa mưa, năm nào ở đây cũng có người bị sét đánh. Nhiều người bị chết hay nhẹ cũng bị thương phải cấp cứu. Cây cối ven bờ kênh này gãy cụt không biết bao nhiêu mà kể”.

< Bà Tâm đang kể lại những trận sét đánh kinh hoàng.

Hồi tưởng lại những vụ sét đánh kinh hoàng còn đọng trong trí nhớ, bà Tâm bồi hồi cho biết thêm: “Khoảng những năm 2000, lúc ấy chưa có đường N2 hay tên Kênh 9 như bây giờ, có bà Năm Nên cùng hai con đi làm đồng về bị sét đánh trúng chết ngay tại chỗ. Hai con bà văng ra xa, bị thương nặng, tàn tật đến bây giờ. Riêng đám đất chân bà Năm Nên đứng, đến mấy năm sau cỏ cũng không mọc được. Đi làm đồng qua đó, thấy giữa đám cỏ gà xanh tốt là 2 vệt chân người rõ mồn một, tôi lạnh cả sống lưng.

Tuy nhiên, sự kỳ lạ chưa dừng lại ở đây bởi chỉ sau cái chết của bà Năm chừng mấy năm, có ông Hai sẹo lúc đi đánh cá gặp trời mưa, chèo thuyền về tới đầu con kênh này cũng bị Thiên Lôi “ghé thăm”. Kết quả, xác ông Hai bị cháy đen thui còn chiếc ghe nhỏ thì vỡ vụn, từng mảnh nát bấy sau một tiếng nổ đinh tai nhức óc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 5 năm trở lại đây, tại ven con kênh dài chừng 3 cây số này đã xảy ra nhiều vụ sét đánh, hậu quả làm 3 người chết, 4 người bị thương nặng, hàng chục vụ sét đánh chết gia súc, gia cầm hay gẫy cây, cháy cột điện.

Cũng theo bà Tâm, số vụ chết người do sét đánh những năm gần đây có giảm so với trước kia bởi người dân địa phương đã biết tránh những trận lôi đình của Thiên Lôi ở địa điểm này. Theo đó, cứ trời chuyển mưa giông là mọi người đều cố gắng chạy núp ở nhà. Nếu có đi làm đồng xa cũng bỏ cuốc, xẻng hay những vật dụng bằng sắt khác để chạy tháo thân.

Số vụ người chết có giảm còn số vụ sét đánh thì vẫn… đều đều. Nhiều gia súc, gia cầm đã phải thế mạng thay cho con người mỗi khi thần sét ghé thăm. Tuy nhiên, đó lại không phải là nơi duy nhất ở vùng Đồng Tháp Mười tươi đẹp này bị thần sét “ghé chơi” mà những câu chuyện rùng rợn hơn lại diễn ra ở con kênh khác, kênh Tân Thiết (xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An). Nơi đây từng xảy ra vô vàn những trận sét đánh kinh hoàng.

Ông Nguyễn Hoàng Đắng, 69 tuổi ở ấp 2 xã Tân Lập kể: “Con kênh Tân Thiết này được khởi công xây dựng từ thời Ngô Đình Nhiệm, trước giải phóng. Tuy nhiên, đúng ngày đang khởi công đào đắp thì trời mưa to, có 3 công nhân bị sét đánh chết tại chỗ khi con kênh chưa kịp hoàn thành một mét nào khiến hàng trăm người nơi đây vô cùng hãi hùng. Cũng chính vì thế mà ngoài cái tên kênh Tân Thiết, con kênh này còn có một cái tên khác là “kênh trời đánh ”.


< Một thân cây bị sét đánh.

Sự việc chưa dừng lại ở 3 mạng người kể trên bởi nhiều vụ sét đánh liên tiếp lại xảy ra ở địa bàn con kênh “trời đánh” này. Theo đó, vào những năm 79, 80 có một nhóm người miền Bắc vào đây lập nghiệp cũng có 1 người bị sét đánh rớt xuống thuyền lúc đang chạy dưới trời mưa. Hay như vụ ông Năm Thinh, ông Tính Ba Lau ở Tân An xuống chơi cũng chẳng may bị sét đánh chết giữa đêm khuya. Ngoài ra, việc nhà cháy, cây đổ hay trâu bò chết quanh con kênh này thì nhiều vô số kể.

Vì nhẽ ấy, ông Đắng cũng đúc rút ra được: “Từ hồi con kênh này được đào đến nay chỉ khoảng hơn 40 năm nhưng cũng có chừng ấy vụ người bị sét đánh rồi. Tuy nhiên, không phải ai bị tử thần hỏi thăm đều mất mạng cả mà có nhiều trường hợp thoát chết rất hi hữu. Đó là việc chú Sáu Hòa (nay đã chuyển về Gò Vấp, TP HCM sống) từng 3 lần bị sét đánh mà không chết.

< Cây cầu bắc qua kênh Tân Thiệt được đặt tên là cầu " Trời đánh". Người dân địa phương đã xoá chữ "đánh" trên bảng tên để đỡ xui.

Ông Đắng kể: “Chú Sáu không chỉ là người bất trị mà trời cũng bó tay luôn. Tôi nghe bảo, chú từng bị sét đánh trúng thuyền lúc chở lúa nhưng không sao. Rồi khi đi chăn vịt cũng bị sét đánh khi đang núp ở dưới gốc cây. Cuối cùng khi đang hái dừa bị sét đánh nên chú sợ quá, chuyển hẳn lên TP. HCM sống mà không dám về thăm lại qua cha đất tổ một lần nào nữa vì sợ không có được may mắn như trước”.

Khoa học bó tay

Một câu hỏi đặt ra từ hàng mấy chục năm trước với người dân ở đây là tại sao nơi họ sống lại thường xuyên bị sét đánh như thế? Có phải do có một lời nguyền bí ẩn nào hay vì một nguyên nhân sâu xa nào khác. Có nhiều ý kiến cho rằng do có mỏ sắt, mỏ vàng hay mỏ ô-xít nhôm gì đó ở dưới lòng kênh khiến nơi đây thường bị sét đánh bởi đặc tính cố hữu của sấm sét là thường bị hút bởi những nơi có kim loại nặng.

Tuy nhiên, hướng giải thích này đã bị bác bỏ bởi trước đây, trước sự việc bất thường đó đã có nhiều nhà khoa học về tận nơi nghiên cứu. Và, tất thảy họ đều đưa ra kết luận, vùng đất quanh năm phèn mặn này ngập nước quanh năm, không có khả năng tích tụ kim loại, sa khoáng. Vì thế, thần sét không tìm đến vì lý do này. Theo anh Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ ở Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, thì sét đánh từ trên trời xuống hình rễ cây nên sẽ không hạn chế ở bất cứ chỗ nào.

Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, khi thấy mưa, giông, người dân phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn. Đa số trường hợp bị sét đánh là ở trên đồng có mang vật dụng bằng sắt, đi chân không trong môi trường nước có dẫn điện mạnh… thêm nữa, khả năng vùng đất ở khu vực Đồng Tháp Mười có nồng độ phèn cao nên khả năng hút sét cũng lớn hơn các khu vực khác dẫn đến hiện tượng vật lý trên.

Khi được hỏi vì sao có những vùng thường xuyên bị sét đánh như vậy thì anh Cảnh bảo, cái này có thể có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ, vùng Đồng Tháp Mười là nơi quanh năm nhiễm phèn mặn, mà phèn mặn lại chứa nhiều nguyên tố Fe nên cũng dễ bị sét đánh.

< Cây cầu “trời đánh” bắc qua con kênh chết chóc này.

Có lẽ, cách giải thích trên vẫn chưa sát với thực tế cũng như nói đúng bản chất của việc sét đánh bất thường ở hai khu vực trên bởi nếu xét về cấu tạo địa chất, địa hình thì chúng cũng như bao nhiêu nơi khác trên khu vực Đồng Tháp Mười rộng lớn mà thôi.

Vì vậy, trong khi chờ đợi những lý giải thấu đáo của các nhà khoa học cũng như có cách thức hữu hiệu giúp bà con giảm thiệt hại thì hàng năm, mùa mưa này lại có hàng trăm những trận trời trút giận xuống nơi đây gây lên nỗi hoang mang không gì xóa nhòa.

- Theo báo Gia đình và Cuộc sống, internet