Lên Cao Quảng, chiêm ngưỡng thắng cảnh hang Tiên

Từ bến thuyền trung tâm Du lịch Phong Nha, chiếc thuyền chở chúng tôi xuôi dòng sông Son về ngã ba Cồn Nậm sau đó ngược dòng Rào Nan để lên Cao Quảng (thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Càng lên phía thượng nguồn Rào Nan, lòng sông càng thu hẹp lại, quanh co, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành và mát mẻ. Sau hơn 3 giờ đồng hồ ngồi thuyền, cả đoàn khảo sát chúng tôi quyết định lên bờ đi bộ để thay đổi không khí. Hết con đường nhựa, chúng tôi bắt đầu lần theo lối mòn vào rừng.

Quãng đường vào hang Tiên chỉ dài khoảng 3,5km, thỉnh thoảng chúng tôi phải lại lội qua những con suối nhỏ nước trong xanh, mềm như dải lụa. Phía trước hang Tiên là một vách núi, nước từ các mạch ngầm chui ra chảy xuống Vũng Thành (nơi người địa phương quen gọi là Ao), tạo nên cảnh sắc thơ mộng non xanh nước biếc.

Dựng trại bên dòng suối nhỏ cách cửa hang khoảng 100m, nghỉ ngơi cho lại sức, bỏ lại tất cả hành lý chúng tôi tiếp tục tiến vào hang Tiên. Tôi nhận ra nét đặc trưng của các hang động vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa đều có chức năng là ống thoát lũ.

Hang Tiên cũng vậy, vào mùa lũ nước từ thượng nguồn ở Hung Giai sẽ đổ về đây, theo các nhánh nhỏ đổ về Rào Nan. Trên trần, ngay cửa hang, dấu tích qua hàng trăm triệu năm của nước được in rỏ bằng các vòng xoáy ốc. Phía dưới đá xếp thành tầng, thành lớp, tạo nên những rào luỹ tự nhiên kỳ vĩ.

Hang Tiên có tổng chiều dài hơn 1,5km xuyên qua cả một quả núi và phân thành nhiều nhánh hang nhỏ. Từ trong nhìn ra cửa hang với vòm cao 51m, cảnh vật bao la sinh động.

Sâu bên trong hang là những khối thạch nhũ khổng lồ, huyền ảo thỉnh thoảng còn sót lại những hồ nước nhỏ mát lạnh. Những dãy ruộng bậc thang đẹp mê người, những bãi cát chạy dài, những viên cuội tròn nằm lăn lóc bỗng thức giấc sau mỗi bước chân chúng tôi.

Hang Tiên gắn liền với những truyền thuyết về chốn bồng lai tiên cảnh, là nơi để những nàng tiên thỉnh thoảng về vui chơi ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, tắm mát ở Vũng Thành (ao). Hiện nay, trong hang vẫn còn dấu tích là một khối thạch nhũ bằng phẳng, trên mặt có những quân cờ mà người dân địa phương gọi là bàn cờ tiên. Đi được hơn 400m nữa chúng tôi gặp một giếng trời, ánh sáng le lói xuyên qua, ánh đèn pin trên mũ yếu ớt như bị bóng tối đen đặc nuốt chửng.

Cả đoàn quyết định quay ra. Lúc này trời đã về chiều, những ánh nắng cuối cùng còn sót lại tít trên những ngọn núi như muốn níu kéo chút thời gian cho ngày, nhưng rồi cũng nhanh chóng nhường lại cho ngàn sao. Đêm giữa mênh mông rừng, ngồi quanh đống lửa, ăn bữa cơm với canh rau rừng, thỉnh thoảng nghe vọng lại tiếng của những chú chim ăn đêm, như tiếng của đại ngàn xa thẳm…

- Theo Xuân Hoàng (báo Du Lịch), ảnh internet