Mênh mang hồ Lak
Lớn hơn cả Biển Hồ (Gia Lai), hồ Lak là hồ tự nhiên không chỉ lớn nhất Tây Nguyên mà còn lớn nhất Việt Nam. Người dân nơi đây truyền nhau huyền thọai về hồ Lak sâu không đáy, thông qua tận Biển Hồ. Ngòai ra, hồ Lak còn thông với con sông Krông Ana hiền hòa. Mặt hồ luôn xanh thắm bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn bao quanh, giữa hồ nổi lên những hòn đảo nhỏ là nơi trú chân của các đàn chim.
Khu rừng nguyên sinh quanh hồ Lak rộng hơn 12.000 ha. Các nhà khoa học đã phát hiện tại đây 548 loài thực vật thuộc 118 họ, hệ động vật có 132 loài chim, 61 loài thú, 43 loài lưỡng cư-bò sát...Nhờ những dãy núi cao bao bọc xung quanh nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng.
Nằm ở độ cao khoảng 500 m so với mực nước biển nên khí hậu một ngày ở hồ Lak có đủ bốn mùa. Sáng sớm thức dậy, du khách có thể cảm nhận không khí mùa xuân ấm áp lãng đãng trên mặt hồ với sắc hồng rực rỡ của những đám mây bao quanh dãy núi bên kia hồ. Từ trong các bụi cây rậm rạp, những đàn chim ríu rít gọi nhau rời tổ, bắt đầu một ngày mới bận rộn.
Buổi trưa, mặt trời đứng bóng khiến cái nắng trở nên hanh hao và oi bức, vốn là đặc trưng của mùa hè. Chiều đến, bạn sẽ được ngắm bầu trời lồng lộng đang chìm dần trong sắc thu vàng rực rỡ. Những tia nắng cuối ngày hắt xuống mặt nước trong vắt, tạo thành những vầng hào quang lấp lánh ánh bạc. Dần dần, ánh vàng của nắng chuyển sang màu tím khi hoàng hôn buông xuống, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo. Khi đêm về, không khí se lạnh khiến chúng ta có cảm giác mùa đông đang ở bên ngòai cánh cửa…
Sau khi thưởng thức cảnh đẹp tự nhiên của hồ Lak, du khách nên thăm biệt điện của vua Bảo Đại bên hồ, với lối kiến trúc rất đẹp từ thời nhà Nguyễn. Từ trên sân biệt điện, phóng tầm mắt ra xa, dõi theo những con thuyền độc mộc đang buông lưới hay ngắm những thảm sen hồng, sen trắng, những vạt súng tím ngắt dập dềnh trên mặt hồ, cũng là một điều thú vị…
Một điều khác hấp dẫn du khách đến hồ Lak là thăm quan Buôn Jun của người M’Nông gần đó. Không chỉ trò chuyện, giao lưu với người dân tộc, du khách còn được thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, t'rưng, k'lông pút, đàn đá…qua tài nghệ của các “nghệ sĩ buôn làng”...
Đêm đến, sau khi thưởng thức món chả cá thát lát hay món cá lăng nướng muối ngon tuyệt của hồ Lak, trong ánh lửa bập bùng của tiết đông cuối ngày, dưới bầu trời vằng vặc ánh sao, bên ché rượu cần khi đầy khi vơi, bạn hãy cùng các chàng trai cô gái bản địa nhảy múa, hát hò trong tiếng cồng chiêng vang vọng…Bạn sẽ thấy mình như đang sống trong các trường ca Tây Nguyên xa xưa…
- Theo Phunu online
0 nhận xét: