Rào Thương - Hang Én Bản hợp ca trữ tình

Tháng 3/2011, nhiếp ảnh gia Carsten Peter đã khiến cho thế giới sững sờ khi bức ảnh ông chụp cảnh Hang Én được công bố trên Tạp chí National Geographic, tạp chí nổi tiếng của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ.

Ngay sau đó, bức ảnh được bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất trong tháng 3/2011. Cùng với Hang Én là Rào Thương xanh trong và quyến rũ, niềm tự hào của cư dân thung lũng bản Đoòng, tour khám phá thiên nhiên Rào Thương - Hang Én được hình thành thôi thúc chúng tôi khám phá…

Từ Trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái Phong Nha, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi đi xuyên qua những ngút ngàn rừng nguyên sinh trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rồi dừng chân ở km 35. Từ đây, cả đoàn cắt rừng đi bộ trên 9km để đến với Hang Én, một trong những hang động kỳ vỹ trong hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ ở khu vực núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng.

Khi trèo đèo lội suối, lúc men theo những lối mòn thoắt ẩn thoắt hiện trong khu rừng rậm rạp, dưới chân là thảm lá mục ken dày tỏa hương ngai ngái, những chiếc máy ảnh của các thành viên trong đoàn khảo sát gần như hoạt động hết công suất.

Những sinh vật lạ lẫm, những thân cây cao vút, vươn thẳng lên trời xanh đón nắng, sự tĩnh lặng của núi rừng... tất thảy được ghi vào ống kính. Không gian tinh khiết và trong trẻo, những tia nắng dù tinh nghịch, tò mò đến mấy cũng chỉ có thể chạm đến vòm cây cao vút mà thôi. Sau gần ba giờ đồng hồ băng rừng, vượt qua quãng đường dài khoảng 4km, chúng tôi dừng chân ở bản Đoòng...

Bản Đoòng là một bản nhỏ của người Vân Kiều sống gần như biệt lập trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với 6 hộ dân và 21 nhân khẩu, cộng đồng dân cư bản Đoòng thanh thản và vô ưu sống cuộc sống tự cung tự cấp như đồng bào mình hàng trăm năm trước.

Ông Nguyễn Sỹ Tòa, 64 tuổi, người được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, ân cần mời chúng tôi vào nhà nghỉ chân uống nước. Thuần phác và hồn nhiên, cộng đồng người dân tộc Vân Kiều ở bản Đoòng như một nốt nhạc lạ trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ thú của chúng tôi...

Tạm biệt bản Đoòng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn đường từ đây không còn nhiều đèo dốc. Thay vào đó là bạt ngàn chuối rừng che kín cả lối đi. Chúng tôi nghỉ chân ăn trưa ở một bãi bồi được hình thành từ dòng chảy của Rào Thương trong bản hòa âm rộn rã của núi rừng. Xôi và gà luộc, những đặc sản của núi rừng Phong Nha giờ bắt đầu phát huy tác dụng. Tin tôi đi. Sau khi thưởng thức bữa trưa đặc biệt này, dù đi đâu về đâu, bạn cũng sẽ thấy nhớ chặng đường đến Rào Thương - Hang Én. Và tất nhiên là nhớ cả những món ăn bình thường nhưng mang dư vị rất đặc biệt của Phong Nha - Kẻ Bàng...

Từ đây, chúng tôi men theo Rào Thương và đến gần Hang Én hơn. Rào Thương như nàng thiếu nữ tinh nghịch mải miết chơi vơi trốn tìm. Lúc uốn lượn quanh co, khi mất hút giữa hai vách núi, lúc lại bất ngờ trải rộng mênh mông đến vài trăm thước rồi lại nhanh chóng lẩn khuất giữa những tán rừng rậm rạp. Men theo những vách đá dựng đứng, những khoảnh rừng thưa còn in dấu chân muông thú và rồi Hang Én bất ngờ hiện ra sau một góc khuất...

Có tài liệu mô tả Hang Én có chiều dài 1.645m, cao 120m, chiều rộng nhiều đoạn đạt trên 170m. Nhưng chỉ bằng những con số, bạn sẽ khó để hình dung vẻ đẹp mê hồn của nơi này. Từ cửa hang vào sâu khoảng chừng 1km, một hố sụt trầm tích đã tạo ra giếng trời, mang nắng trời chiếu rọi xuống dòng suối màu ngọc bích, vẽ thành một bức tranh tráng lệ.

Lội qua dòng suối và leo lên các mỏm thạch nhũ, chúng tôi có mặt tại nơi nhiếp ảnh gia Cashen Peter đã chọn góc nhìn và bấm máy để cho ra đời bức ảnh thiên nhiên hoàn mỹ của Hang Én.
Với chiều cao 83m, rộng 35m, cửa ra phía Tây Nam của Hang Én đã tạo nên sự tương phản ấn tượng giữa sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên hùng vĩ...

Và theo các chuyên gia địa mạo, Hang Én, bên cạnh vẻ đẹp mê hồn của mình, còn mang trọng trách thoát lũ cho thung lũng bản Đoòng. Nếu không có Hang Én như một nút mở khổng lồ, khi mùa lũ về, nước lũ từ thượng nguồn sẽ biến bản Đoòng thành một đầm lầy ngập nước... Hang Én còn là nơi tộc người Arem lựa chọn để sinh sống từ hàng ngàn năm trước. Hằng năm vào mùa én làm tổ, người Arem thường trèo lên vách đá và trần hang để bắt chim én làm thực phẩm. Bây giờ người Arem đã chuyển về định cư gần đường 20, nhưng vào rằm tháng năm âm lịch, họ lại trở về nơi này mở hội ăn én và tạ ơn thần rừng, thần núi...

Rào Thương - Hang Én như một bản hợp ca trữ tình. Chặng cuối của cuộc hành trình, chúng tôi thả lưới ở Rào Thương bắt cá và nướng trên bếp lửa hồng thưởng thức. Rau tàu bay được hái dọc đường giờ thành món canh mát dạ. Bữa cơm tối giữa rừng sau hành trình khám phá thiên nhiên Rào Thương - Hang Én trở thành một kỷ niệm đẹp và khó quên trong lòng chúng tôi.

Và bạn, còn chần chừ chi nữa mà không bắt đầu khởi hành đến với Hang Én - Rào Thương?

- Theo Xuân Hoàng (báo Du lịch), ảnh internet