Sao thu trên hồ Cấm Sơn
Nếu miền Nam Bộ giãi bày khoáng đạt của sông nước, miệt vườn trù phú thì nơi trung du Bắc Bộ này có một không gian cũng khoáng đạt mênh mông, bạt ngàn đến thèm người gọi là chất Cấm Sơn.
Dạo trên lòng hồ vào ban ngày sẽ có cảm giác thoang thoảng của một Vịnh Hạ Long với những hòn đảo nổi um tùm cây xanh mà đến giờ mới đếm được 12 đảo có tên. Lẽ thường, người ta thường hay đến vào ngày hè để tránh nóng bức, thưởng thức vẻ tươi mát, dong thuyền đi ngắm dòng nước đập như chiếc khăn bông buông từ trời xuống...
Chiều thu toả nắng rực vàng xuống mặt hồ, chúng tôi lên thuyền của anh Hoàng Văn Hùng theo lời mời vào chơi nhà anh ở xóm Mới, thôn Ao Vường, xã Cấm Sơn. Sinh ra và lớn lên ở TP Bắc Giang, anh đã bỏ phố lên rừng đã gần 30 năm nay. Nghe tin có bạn lên chơi, anh mượn thuyền đi đón. Chúng tôi cũng trọng nể nghĩa tình, không ngại đoạn đường từ ủy ban xã, gần chục cây số đường xóc như xóc ốc, đỏ màu son, có đoạn như ruộng cày để đến bến lên thuyền. Gọi là bến, chứ ở lòng hồ này cứ cập bờ chỗ nào thì chỗ đó là bến. Ở đây, gửi xe máy lại nhà ai cũng yên tâm.
Ở Cấm Sơn nhiều điều lạ lắm mà có lẽ khi đặt chân đến mới thấy ngạc nhiên. Tân Phó Chủ tịch xã Cấm Sơn Trần Ngọc Thoại là kỹ sư lâm nghiệp thế hệ 8X, tốt nghiệp đại học rời thị trấn Chũ vào công tác ở Cấm Sơn này được 10 năm; anh cán bộ văn hoá xã Hoàng Văn Viên đi làm công tác điều tra dân số thì cứ phi… xe máy qua đường mòn luồn lách đến mỗi nhà trên mỗi quả đồi, rồi lại gửi xe máy mượn thuyền bơi sang quả đồi bên kia xem nhà ấy có bao nhiêu người… cũng quen rồi.
Cứ như lâu ngày mới có khách đến chơi, chủ nhà sau khi cột xuồng vào bờ, mời khách lên nhà, cứ cuống lên tìm sản vật đãi khách anh bê ra rổ hồng ngâm, chợt thấy hồng còn chát, lại à lên một tiếng, kéo anh em lên đồi hái ổi. Những quả ổi bọc trong túi ni-lông tránh ruồi vàng đốt làm thối ruột, chín trắng, nõn nà, lông lốc như cái bát đựng mắm, ngọt lịm vị nước non Cấm Sơn.
Đụm ổi vào vạt áo, mấy anh em cứ khư khư vòng tay trước bụng từ đồi lần bước xuống. Mồ hôi toát ra, mọi người tìm hướng gió, chủ nhà chỉ xuống khe nước trong veo: "Nước suối nguồn đấy. Giờ này tắm thì lạnh như nước đá!". Mái che cho cái khe nước đó là tàu chuối đan nhau. Hàng chuối lùn đã vài cây trổ buồng dài mà vẫn còn đeo cái mi chuối như hoa tai ở cuối đỏ chót.
Chủ nhà lôi ra chai rượu cuốc lủi, nằng nặc đòi anh em ở lại đồi Mới đêm nay. Chỉ cần bắt con gà đang mải mổ hồng trên cây kia, hái nắm rau lang dưới dải đất màu ven hồ, thò vài cái cần câu xuống nước chỉ lúc sau kiểu gì cũng được vài con cá, à lại còn chum măng ớt đã ngấu nữa... Để thể hiện tấm chân tình hơn, chủ nhà kéo anh em ra sân chỏ lên đõ ong to bằng cái thúng như của để dành, khoát tay rành rọt: "Giờ đặt chảo mỡ rồi thu ong non về chiên". Người ở đây cứ như thể, với tay lên rừng hái quả, thò tay xuống nước vớt cá vậy…
Nước ì oạp, chiếc thuyền gỗ be bé áp sát bờ, cô bé đeo khăn quàng đỏ trên vai áo trắng tinh, ngúng nguẩy hai bím tóc đen, vai đeo cặp sách chờ mẹ kéo dây chiếc thuyền gếch lên bờ, rồi nhảy ra khỏi thuyền, thoăn thoắt bước lên nhà. Cô bé con như bông hoa giữa đại ngàn chào khách xong, xấu hổ lại mất hút.
Ngày nào, những đứa trẻ ở xóm Mới cũng đi thuyền qua hồ Cấm Sơn để sang thôn Đồng Mậm (một hòn đảo nổi trên hồ thuộc xã Sơn Hải) để học - đó là nơi thầy và trò gặp nhiều khó khăn nhất trong hành trình đến trường của huyện. Địa bàn mỗi xã miền núi rộng, dân cư thưa. Tại các thôn đều có khu lớp lẻ, đường nào gần nhất đến với trường lớp thì các em băng rừng hoặc chèo thuyền đi học. Có em đi học về đến nhà là 7 giờ tối.
Sương thu kéo bóng tối lan nhanh xuống khắp Cấm Sơn. Chúng tôi không ở lại được hơn. Dùng dằng mãi, ông chủ mới chịu thua. Xuồng lịch kịch chạy trên mặt hồ. Cứ tưởng giữa mênh mông là lạnh vắng. Xuồng không đèn, cứ hướng theo trí nhớ của người lái và nhờ ánh sáng phản chiếu của mặt hồ hứng trên bầu trời.
Nhìn lên bờ, cây và núi đồi xếp thành khối hình như bóng đen. Ánh đèn của những nhà trên đồi cây như ánh sao le lói điểm lên dải đồi. Bầu trời cũng nhấp nháy vài ngôi sao lẻ. Xuồng sắt cũ lâu ngày có một lỗ thủng nhỏ bắt đầu ọc ạch nước vào… Sẵn có ống, tát một lúc cạn nước rồi một người đặt bàn chân lên lỗ thủng chặn nước.
Thật không ngờ, càng lúc trời càng ngập ánh sao đến tận chân viền núi. Phía xa xa trên mặt hồ xuất hiện đèn sáng trắng, cứ ngỡ có thuyền đi câu. Càng đi càng nhiều bè lưới sáng trưng thắp bằng ắc quy. Trên mặt hồ như sao giăng. Xuồng đi sát vào bè lưới, khuôn mặt mọi người sáng loá. Khác với cảnh đêm câu mực ở biển, ở đây các bè lưới chỉ có ánh điện sáng mà tạnh không một bóng người. Đêm trên hồ Cấm Sơn có một cuộc sống sôi động dưới chân lưới mà mặt nước vẫn lặng như tờ. Người Cấm Sơn bây giờ ít được ăn cá Cấm Sơn hơn bởi những mẻ lưới nhấc lên vào khoảng 10 giờ đêm trở ra là có ôtô ở thành phố chờ sẵn mang đi…
Mặt hồ Cấm Sơn không chỉ soi tỏ những vì sao trên trời mà còn tự sinh ra những vì sao trên lòng hồ trong ân tình núi rừng. Thế đấy, nếu ai mệt mỏi với bon chen, xô bồ hãy đến đây sẽ được nước hồ yên ả thanh lọc tâm hồn. Hãy lưu một đêm với người Cấm Sơn để tận hưởng không gian non xanh nước biếc và cảm nhận được thế nào là chất Cấm Sơn.
Tôi vẫn nợ anh lái xuồng Hoàng Văn Hùng lời hẹn vào một ngày sẽ trở lại Cấm Sơn, ra đảo Thác Cáo cùng đốt lửa nướng cá câu và hàn huyên về thực hư những huyền thoại nơi này…
Một thoáng hồ Cấm Sơn
- Theo Thu Hà (Bắc Giang Online), internet
0 nhận xét: