Sapa mùa đông

Khách du lịch thường đến Sa Pa vào mùa hè. Nhưng nếu có dịp lên Sa Pa vào mùa đông, bạn sẽ nhận ra, mùa đông Sa Pa cực kỳ hấp dẫn…

Ở độ cao 1.600m so với mặt biển, Sa Pa như một Đà Lạt phía Tây Bắc Tổ quốc. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, Sa Pa đã được người Pháp chọn làm điểm du lịch, với những ngôi biệt thự sang trọng và những con đường lát đá thơ mộng giữa những vườn đào, vườn mận chi chít hoa mỗi độ xuân về.

Vẫn biết Sa Pa quanh năm là thành phố sương mù. Nhưng vào mùa đông, sương ở Sa Pa dày đặc hơn, khiến cảnh vật mờ ảo, đầy vẻ bí ẩn. Sương giăng khắp nơi, như một tấm voan mỏng màu xám nhạt.

Sương lẩn khuất bên những hàng thông gai ven đường, lãng đãng trên những khoảnh ruộng bậc thang, khiến những bóng áo chàm lúc mờ lúc tỏ. Sương vấn vít trên những đỉnh núi xa…

Thị trấn Sa Pa với những ngôi nhà thấp thoáng trong sương. Những lâu đài cổ kính bên cạnh những biệt thự hiện đại kiến trúc phương Tây, quanh co theo các trục lộ hay hay chênh vênh trên các triền dốc, sườn đồi.

Những con đường trong thị trấn đẹp như tranh vẽ. Bất chấp sương mù và giá lạnh, những hàng cây samu cổ thụ hai bên đường vẫn xanh ngắt.

Những khu rừng trúc, rừng thông vẫn bạt ngàn, vô tư vi vu bài ca của gió. Trên vỉa hè lát gạch đỏ, cách một đoạn lại có những cái “quán” gồm hai cái ô, bán thổ cẩm. Hàng hóa (mũ, khăn, bao gối, ví …) bày trên những tấm ni lông, được che chắn bằng một cái ô. Một cái ô khác che bếp than hồng đượm.

Thấp thoáng trong sương, những người phụ nữ đeo gùi đang cắm cúi bước. Những chiếc khăn sặc sỡ trên đầu và những bộ váy áo đủ sắc màu rực rỡ làm thành những nét chấm phá sinh động trên đường phố .

Thị trấn nhỏ san sát các quầy hàng với vô số hàng hóa, chủng loại, hết sức phong phú và đa dạng. Nhiều nhất là các loại hàng lưu niệm, quần áo ấm, giày dép, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em…

Hầu hết các sản phẩm được nhập từ Trung Quốc. Chỉ riêng hàng thổ cẩm (chăn, màn, bọc gối, quần áo, túi xách, ví đầm, khăn tay, tranh thêu…) là “ cây nhà lá vườn”, được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc, với nhiều hoa văn và hình trang trí tinh xảo và lạ mắt.

Mặc dù trời rét như cắt và sương giăng ẩm ướt, chợ Sa Pa vẫn rất sôi động. Ngoài khách du lịch Việt và khách Tây, trên đường phố, trong chợ là rất nhiều đồng bào H’Mông, Dao đỏ, Giáy… Người H’Mông trắng mặc những trang phục có hoa văn sặc sỡ.

Các cô gái Dao đỏ đội khăn đỏ đính tua rua đỏ. Người H’Mông đen đội khăn đen, áo đen, quần đen ngắn đến đầu gối, chân quấn xà cạp đen. Người Sa Pó mặc váy hay quần dài, áo ngắn viền hoa văn… Họ đi bán hàng hóa và thổ cẩm, mua lại những đồ dùng cần thiết.

Nằm trong thung lũng Mường Hoa, cách thị trấn Sa Pa chưa đầy 10 km, bản Cát Cát là bức tranh sinh động về văn hóa của người H’Mông. Những ngôi nhà trong bản đều lợp ván gỗ pơ mu, với những cây cột kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Phòng ngoài cùng bày bán các loại thổ cẩm, đồ lưu niệm, đồ đồng và đồ trang sức bằng bạc cùng các nhạc cụ dân tộc: đàn môi, khèn lá, sáo trúc…
Không như thác Bạc khô cạn trong mùa đông, thác Cát Cát trong Thung lũng tình yêu, vẫn ào ạt đổ nước trắng xóa từ trên cao hàng chục mét, giữa mù mịt sương giăng. Dưới suối, trên những phiến đá tròn thấp thoáng bóng các cô thiếu nữ váy xanh áo đỏ đang ngồi giặt Trên bờ, trạm thủy điện nhỏ được người Pháp xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước vẫn đứng sừng sững, thách thức với thời gian.

Mùa đông, khu du lịch Hàm Rồng như một nàng công chúa đang ngủ, đẹp bí ẩn và kỳ ảo. Đi trên những con đường nhỏ quanh co giữa các phiến đá đủ hình thù kỳ dị, ngắm nhìn những cây mai, cây đào trơ trụi, trầm mặc trong màn sương, du khách chợt có cảm giác như đang lạc vào một thế giới không có thực. Rải rác đây đó là những “shop” hàng lưu niệm thổ cẩm: mũ, túi, khăn, ví…, như những nét son nổi bật giữa màu xanh cây cỏ, màu xám của sương mù và đá núi. Không phải tất cả các loài hoa đều trốn tránh mùa đông. Hoa mai thiên hương trắng như tuyết vẫn bình thản phất phơ trước gió. Hoa cúc vẫn vàng rực, bạt ngàn. Hoa bìm bìm vẫn tím ngát không gian bao la. Những giò địa lan, điệp lan, hài vũ nữ…vẫn nở, đẹp đến nao lòng…Chính tại đây, trong ngôi nhà sàn ấm áp, du khách sẽ được xem một chương trình ca múa nhạc dân tộc đặc sắc.

Chợ đêm Sa Pa đầy ắp các món ăn hấp dẫn, thơm lừng mùi gia vị. Nhiều nhất là các sản phẩm nướng: thịt gà, heo, bò… Cũng tại đây, bạn sẽ có dịp thưởng thức món thắng cố ngựa nổi tiếng của Sa Pa. Ngồi quanh nồi nước dùng sôi sùng sục, du khách thong thả nhúng từng gắp rau xanh mơn mởn: bắp cải, tần ô, cải ngọt, cải xoong, cải mèo… vớt ra chén, vừa thổi vừa ăn. Nhấp tiếp một thìa thắng cố nóng hổi, ngọt lừ, cái lạnh tê buốt bỗng biến đâu mất…

- Theo Giao Thủy (PNO), internet