Chạy xe thế nào để không mắc lỗi lấn tuyến?
Hiện nay, do mật độ phương tiện giao thông cao, đường không rộng, trong khi áp lực cuộc sống từ nhiều bề sẽ khiến người lái xe “phải nhanh hơn”. Như vậy, lỗi lấn tuyến rất dễ xảy ra.
Theo nghị định 71, mức xử phạt lỗi lấn tuyến rất cao (từ 400.000 – 800.000 đồng áp dụng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương). Làm thế nào để không vi phạm và bị xử phạt? Trò chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Trung, giáo viên trung tâm đào tạo lái xe Hoàng Gia đã tư vấn những điều cơ bản cần phải nhớ khi tham gia giao thông. Ông Trung nói:
Điều đó giúp người lái xe dù điều khiển ôtô, xe gắn máy hay thậm chí đi bộ cũng có thể tự bảo vệ mình trước tai nạn và không bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Theo quy định, các loại phương tiện sẽ có làn đường riêng. Vạch đứt quãng cho phép xe lấn tuyến, còn vạch kẻ liền thì tuyệt không được vi phạm. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông vẫn có thể xử phạt nếu người lái xe cho xe chạy ra khỏi vạch đứt quãng, dù người này sẽ chạy vào làn đường quy định ngay khi có thể. Lỗi đó nằm ở chỗ người tài xế không bật đèn báo chuyển hướng (đèn xi nhan). Hãy chắc chắn là bạn đã bật đèn, quan sát kính chiếu hậu không có xe phía sau để lấn tuyến hợp pháp.
Ngoài ra, nếu không có việc cần thiết, tốt nhất tài xế nên nhường cho các phương tiện phía trước di chuyển rồi mình sẽ đi sau. Tốc độ hợp lý, khoảng cách hợp lý thì sẽ không có cảnh sát nào phạt được người lái xe.
Khi đào tạo học viên lái xe, giáo viên luôn nhắc không bao giờ được chạy quá tốc độ cho phép bởi việc này vừa nguy hiểm vừa có khả năng gây rắc rối và tốn tiền do bị cảnh sát phạt. Trên mỗi tuyến đường đều có bảng quy định tốc độ cho từng loại xe.
Một lỗi thường gặp nữa của các loại phương tiện là cho xe chạy vào đường cấm, đường một chiều. Một bác xe ôm vì ngại chạy tới giao lộ để quay đầu xe nên chạy ngược chiều. Một gia đình đi xe hơi vì muốn qua quán ăn quen thuộc nên cho xe lui vài trăm mét, trong khi nhiều loại phương tiện khác đang ào ào chạy tới… Với lỗi này, không còn đường nào khác là phải chịu xử lý theo pháp luật nếu cảnh sát giao thông phát hiện. Trường hợp gây tai nạn còn rắc rối hơn.
Một điều quan trọng khác, đang lái xe thì không uống bia, rượu. Hiện nay, cảnh sát giao thông rất thường xuyên đo nồng độ cồn trong hơi thở. Tránh uống bia rượu khi lái xe cũng là giải pháp hạn chế tai nạn và không bị phạt.
Rất nhiều người biết các lỗi như trên, thậm chí biết rõ. Tuy nhiên, đó là những nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông.
- Theo SGTT, internet
0 nhận xét: