Chơi tết với người H’mông bản Hua Rốm

Khi những nụ đào rừng nở sớm khoe sắc hồng phai trên con đường về bản, và cái rét ngọt của khí trời vừa kịp len lỏi vào tà áo người đi đường... thì cũng là lúc người H'mông, bản Hua Rốm 1, 2 (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bắt đầu đón Tết.

< Trai gái H'Mông chơi ném pa pao.

Năm nay bản người Mông, đón Tết từ ngày 29/10 âm lịch do tháng thiếu, rồi kéo dài đến nhiều ngày sau. Có dịp được hòa mình trong không khí Tết ấm áp tình người của bà con dân tộc Mông, Hua Rốm, thêm một lần được chơi những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, chúng tôi càng hiểu hơn sự trọng tình, mến khách của người Mông nơi đây...

Đặc sắc những trò chơi dân gian

< Hát trao duyên.

Hai bản Hua Rốm 1, 2 nằm cách trung tâm xã Nà Tấu trên 3 km, nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ vượt những dốc cao, suối nhỏ trên cung đường đất trơn trượt, uốn lượn men theo sườn núi, thung sâu, chúng tôi mới đến được hai bản này.

Trong những ngày bà con dân tộc Mông đón Tết, bãi đất đầu bản Hua Rốm 2 dường như chật chội hơn, bởi từ lúc con gà rừng gáy sáng, khi bếp lửa nhóm lên chưa soi tỏ mặt người, thì từng dòng người Mông đã í ới gọi nhau xuống núi về đây chơi xuân. Thanh niên, trai gái ríu rít chơi những trò chơi pa pao, thổi kèn lá, đánh tu lu (chọi cù), đánh cầu lông gà... Tiếng nói, tiếng trong sáng sớm càng vang xa, vọng vào vách núi...

Khi sức nóng của cái nắng ngày mới đủ làm khuôn mặt thiếu nữ Mông ửng hồng, bờ vai của chàng trai Mông lấm tấm mồ hôi, thì đám thanh niên cũng tạm nghỉ chơi đánh cù, pa pao... để nhường “đất diễn” cho một trò chơi khác là múa khèn. Lúc này, trên các mỏm đất cao mọi người đã nêm cứng, ai cũng chọn cho mình một chỗ đứng thuận lợi nhất để thỏa sức ngắm đàn ông, trai bản mình múa khèn, phô diễn những động tác mạnh mẽ, uyển chuyển, để được nghe tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, tiếng thác đổ, chim kêu trong từng lời khèn buông ra...

Một trò chơi khác không kém phần sinh động và lôi cuốn người xem là trò chơi “hát trao duyên”. Ở trò chơi này, hai ống nứa được nối với nhau bằng một sợi dây cước, căng dài hàng chục mét. Mỗi bên đầu dây, trai gái từng tốp thi nhau hát (đối, đáp) vào ống nứa cho bên kia nghe nguyện vọng về cuộc sống no ấm, tâm sự cho nhau những tâm tư, tình cảm, thông điệp tình yêu... “Hát trao duyên cũng có cái lý của nó. Nếu như pa pao là một trò chơi “tìm số phận của nhau”, thì trò chơi hát trao duyên cũng là hình thức tìm kiếm bạn tình, bạn đời...”, ông Giàng A Chợ - Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, người gắn bó và sống với bản Hua Rốm từ ngày đầu bản được dựng lên, cho biết.

Theo ông Chợ, khi hai bên nam nữ dàn hàng ngang, đứng cách nhau mấy mét ném cho nhau quả pao là họ đã “ném” cho nhau những ánh mắt, nụ cười. Nếu “cái bụng” cô gái nào ưng một trong số các chàng trai thì họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn chàng trai nào “ưng” một trong số các cô gái nào thì giữ luôn quả pao, sau đó sẽ tìm đến nhà cô gái hoặc rủ cô gái ra bờ suối, lên lưng núi để trả pao và bày tỏ tình cảm của mình. Tuy nhiên, buổi đầu giáp mặt nhau mà tâm sự thì cũng ngại ngùng, “xấu hổ” và sợ điều riêng tư bị lộ với bạn bè, nên đôi trai gái đã dùng đến hình thức hát trao duyên này.

Rộn ràng sắc màu Tết Mông

Mặt trời đứng bóng, chia tay với những trò chơi pa pao, đánh đu, thổi kèn lá... của đám thanh niên, trai gái còn đang tiếp diễn ngoài bãi, trên đồi, chúng tôi nhập vào đoàn người đang đi ngược dốc núi để chúc Tết dân trong bản.


< Bà con xuống núi du Xuân.

Phía ngoài mỗi ngôi nhà, chúng tôi dễ dàng nhận ra một “thông điệp” báo hiệu người dân nơi đây đang nghỉ Tết, chơi Tết: Từng tờ giấy trắng nhỏ như bàn tay được dán trên vách nhà, lên những vật dụng, công cụ sinh hoạt hằng ngày được xếp đặt ngay ngắn bên hiên như cái bừa, máy tuốt lúa, máy khâu, khung dệt vải... “Chủ nhà đã đánh dấu sự nghỉ ngơi lên cho các đồ vật ấy đấy. Trước kia bà con còn dùng cối để xay ngô thì dịp Tết, chủ nhà phải dựng chiếc cối lên, dán giấy trắng vào đó “cấm” không sử dụng đến để cối được nghỉ ngơi trong 3 ngày liền”, ông Chợ giải thích.

Chúng tôi vào nhà anh Giàng A Chu để chúc Tết gia chủ. Nhà anh Chu hôm nay đông khách lắm. Ngoài sân xe máy của khách bản đến chơi Tết đã dựng kín. Tiếng nói, cười rôm rả càng làm căn nhà ấm cúng hơn. Không giấu niềm vui trên khuôn mặt, anh Chu đon đả: “Các cán bộ vào nhà đi, hôm nay nhà mình đông vui lắm, có cán bộ xã đến chia vui cùng gia đình, nhiều thầy cô giáo cũng đến chúc Tết gia đình mình. Nhiều lời chúc thế này sang năm gia đình mình sẽ làm ăn khá mà. Mình đã mổ một con lợn to và cả một con dê để ăn Tết, tiếp đãi khách chơi nhà rồi”.

< Cúng tổ tiên.

“Trong tâm niệm của người Mông, dù cái nghèo còn đeo bám ở những tháng giáp hạt trong năm, nhưng ngày Tết thì nhà nào cũng có thịt để thờ cúng tổ tiên, tiếp đãi khách đến chơi. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của con cháu đến tổ tiên; thái độ mến khách, trọng tình của chủ nhà đối với bà con làng bản đến thăm”, ông Chợ cho biết thêm. Không riêng gì nhà anh Chu, mà những hộ dân chúng tôi vào chơi như gia đình các anh Vàng A Thắng, Vàng A Chư... cũng đều mổ lợn trong dịp Tết này.

Cái làm nên sự độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc trong cái Tết người Mông nơi đây còn nằm ở ban thờ thờ tổ tiên trong mỗi một gia đình. Đồng bào Mông ở Hua Rốm đặt ban thờ ở chính giữa hướng cửa, một tờ giấy trắng, trang trí các hình thù biểu tượng cho sức khỏe, dán lên tường. Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên thì con gà luộc chín, chiếc bánh dầy to, đầy và một ít hoa quả người Mông đặt bàn gỗ để thờ. Bên trái, phải cạnh ban thờ, những cái cái cuốc, xẻng (đã được dán một miếng giấy trắng, đánh dấu nghỉ ngơi) cũng được thờ cùng. Quan niệm của đồng bào Mông nơi đây cho rằng, vật dụng đó cũng như con người, có làm thì có nghỉ, nếu không cho nó nghỉ ngơi thì năm sau nó không đủ sức khỏe để làm việc, không giúp được cho bà con có mùa màng bội thu.

< Uống rượu mừng Xuân.

Tạm biệt bản Hua Rốm khi cái nắng cuối ngày trên đỉnh núi Đở Chua đã yếu ớt, thanh niên trai gái trên các bãi đất đã vãn, từ lưng chừng núi trên con đường dẫn lên bản trên tiếng kèn lá hồi giã bạn réo rắt, thiết tha như gọi mời du khách hãy đến với Hua Rốm năm sau...

Bản Hua Rốm thuộc xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Năm 2112 này, người H'Mông bản Hua Rốm 1, 2 đón Tết từ ngày 29/10 âm lịch rồi kéo dài đến nhiều ngày sau. Từ năm 1996, bản được chi tách thành hai bản Hua Rốm 1, 2 với 81 hộ dân, trong đó 12 hộ nghèo, lọt vào 4/32 thôn, bản được công nhận là bản văn hóa. Nhiều năm qua, nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, sống định canh, định cư, chăm lo phát triển sản kinh tế nên cái đói, cái nghèo đã được bà con dần đẩy lùi, bản làng ngày một no ấm hơn, tình đoàn kết bản trong làng càng khăng khít, bền chặt.

- Theo Tintuc, Luotbao và nhiều nguồn khác