Làng tạc tượng Bảo Hà

Sau hơn 500 năm, những nghệ nhân làng Bảo Hà (xã Đồng Minh – huyện Vĩnh Bảo – Tp. Hải Phòng) vẫn nức danh xứ Đông bởi có nghề làm tượng Phật. Về Bảo Hà hôm nay khắp đường làng, ngõ xóm là những xưởng tạc tượng suốt ngày nhộn nhịp tiếng cưa đục. Người dân Bảo Hà đang làm giàu từ chính nghề truyền thống của ông cha.

< Chân dung tự tạc của ông tổ nghề Nguyễn Công Huệ.

Xưa kia, làng nghề tạc tượng Bảo Hà từng là nơi sản xuất tượng đẹp có tiếng ở xứ Đông (trấn Đông của kinh thành Thăng Long xưa - PV). Từ thế kỷ XV, ông tổ nghề Nguyễn Công Huệ đã bày cho người dân trong vùng nghề tạc tượng. Tương truyền, bức tượng tổ Nguyễn Công Huệ và tượng thánh Linh Lang Đại Vương trong miếu cổ làng Bảo Hà là những tác phẩm để đời của cụ.

< Tương truyền tượng Linh Lang Đại Vương có tuổi đời gần 500 năm cũng là một tác phẩm nổi tiếng của ông tổ làng nghề Nguyễn Công Huệ.

Ngày nay, khi kinh tế thị trường phát triển, những người dân Bảo Hà đã mạnh dạn làm giàu cho bản thân và quê hương từ nghề cổ.

< Một cụ già người làng Bảo Hà thành kính trước bàn thờ tổ nghề Nguyễn Công Huệ.

Từ những xưởng nhỏ, nhiều gia đình đã mở rộng quy mô thành xưởng sản xuất lớn hơn đáp ứng những đơn đặt hàng ngày càng nhiều, điển hình như xưởng của ông Văn Túy (Hội nghệ nhân Tp Hải Phòng).

< Cưa máy giúp người thợ tạo hình cho sản phẩm được chuẩn xác.

Bà Nguyễn Thị Ngần, một chủ xưởng chia sẻ: “Tổ tiên đã để lại một nghề quý cho con cháu. Nghề cổ này là nghề giúp chúng tôi có thu nhập. Nếu nói cuộc sống khá giả lên rất nhiều do nghề nghiệp của tiên tổ để lại cũng không có gì quá”.

< Người thợ Bảo Hà dồn hết tâm trí vào mỗi đường đục cho tác phẩm của mình.

Năm 2007 làng nghề Bảo Hà, xã Đồng Minh được UBND Tp Hải Phòng công nhận là “Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ - sơn mài”. Hiện nay, trong số 973 hộ làm nghề ở Bảo Hà, có tới 180 hộ tạc tượng với 20 xưởng sản xuất lớn nhỏ, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.

< Một tượng Phật cỡ lớn đang trong quá trình tạo dáng.

Hàng năm, làng nghề đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, thu nhập trung bình mỗi xưởng lớn không dưới 30 triệu đồng/tháng, tháng nào nhiều đơn hàng có thể lên tới 50 triệu đồng.

< Một người thợ làng nghề Bảo Hà.

Những con số trên tuy chưa nhiều song đã cho thấy sự phối hợp của địa phương và người dân trong việc gìn giữ và phát triển nghề tạc tượng. Làng nghề Bảo Hà đã là một địa điểm trong chương trình "Du khảo đồng quê" của du khách mỗi khi về Vĩnh Bảo tham quan khám phá du lịch làng nghề.

< Ghép gỗ tạo dáng là một trong những thế mạnh của nguời thợ Bảo Hà.

Nói về đặc trưng của tượng ở Bảo Hà, bà Nguyễn Thị Ngần cho biết, khách hàng ở khắp nơi, trong nước và nước ngoài chuộng tượng được làm ở Bảo Hà vì cái thế tượng luôn vững chãi và cân đối, mạnh mẽ về hình khối. Những đường nét trên tượng chân thật như thể đang “tạc” hồn nhân vật.

< Nước sơn thí (lớp sơn lót) luôn được người thợ thực hiện rất cẩn thận.

Với người thợ Bảo Hà, từ khi là anh phó học nghề, đến khi mắt đã quen nhìn và nhập tâm từng mẫu tượng là sự học hỏi không phải ngày một ngày hai. Quan sát họ làm chúng tôi mới thấy, ngoài sự tài hoa, khéo léo của người dân quê, họ còn có sự nhuần nhuyễn của người thợ giỏi.

< Sự tỉ mỉ của người thợ trên từng đường nét sơn son.

Khi hợp đồng vừa đưa đến, trong đầu người thợ đã hình thành được tư thế tượng; tạo dáng thế nào; kích cỡ cũng đã được áng chừng. Tuy đạt đến mức “thuận mắt quen tay” nhưng mỗi công đoạn không vì thế mà người thợ làm cẩu thả, chủ quan, trái lại rất khoa học. Ví như việc đẽo gọt từng bộ phận rồi chắp lại cho khít, hay công đoạn sơn được người thợ làm cẩn thận để tạo ra được màu “sơn son thếp vàng” bền vững qua năm tháng không bị bào mòn.

< Tượng truyền thần - một mảng sáng tạo thể hiện tài năng của người thợ Bảo Hà.

Ngoài thể hiện hình tượng có tính cổ điển khuôn mẫu, tượng truyền thần - một mảng sáng tạo nữa của nghệ nhân Bảo Hà cũng rất đặc sắc. Mỗi bức tượng được thực hiện khá chân thật, khi hóm hỉnh, khi chất phác, khi hiền hậu… Người nghệ nhân thể hiện được khí chất, tính cách của những con người bình thường trên tượng truyền thần. Điều đó càng khẳng định sự khéo léo của người thợ Bảo Hà.

< Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuý thếp bạc trên tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Giữa thanh âm đục đẽo của xưởng, tôi cứ lặng ngồi quan sát từng tốp thợ miệt mài đẽo gọt những thớ gỗ vô tri thành những “tác phẩm nghệ thuật”. Tôi đã thấy cái tài và cả cái tâm của những người “nghệ sỹ nông dân” này. Thiết nghĩ, bằng cách này người dân Bảo Hà không chỉ tự hào, trân trọng vốn quý mà ông cha để lại mà còn là sự gìn giữ thiết thực nhất đối với nghề truyền thống của quê hương.

- Theo Thục Hiền, Trần Thanh Giang (SGTT)