Lên đỉnh di tích Tam Tân

Trên ngọn đồi nằm ngay đầu đường dẫn vào khu di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng Dinh Thầy - Thím của xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận), khu di tích Tam Tân tĩnh lặng gối đầu vào rừng, hướng nhìn ra phía biển xanh rì rào sóng vỗ.

Không có tên trong những tour du lịch của Bình Thuận, song khu di tích Tam Tân vẫn đón nhiều bước chân du khách cùng leo lên đỉnh đồi để vọng tưởng về thời oanh liệt của tiền nhân trong những tháng ngày chiến tranh giữ nước gian khổ. Đỉnh cao hàng trăm mét này cũng là nơi cao nhất ở La Gi để thưởng lãm cảnh thiên nhiên rừng xanh, núi thẳm, biển biếc vây quanh.

< Cổng dẫn vào di tích Tam Tân ngay dưới chân đồi mái cong ngói đỏ rộng mở đón du khách.

Khi chúng tôi đến chiều đã muộn. Cổng dẫn vào khu di tích nằm ngay dưới chân đồi vẫn rộng mở.

< Bậc thang dốc đứng dẫn lên đỉnh di tích sẫm màu trong chiều muộn.

Mái cổng cong cong lợp ngói đỏ mang kiến trúc thân quen của một ngôi chùa. Bên phải là bức bia đá chạm chữ vàng: "Đài tưởng niệm khu di tích chi bộ Tam Tân". Gần trăm bậc thang ximăng và dát vách đá sẫm màu gần như thẳng đứng dẫn lên đỉnh di tích. Hai bên lối bậc thang đi lên là rừng tự nhiên xanh mát quyện lẫn với đồi cát, cỏ dại xanh rì.

< Đỉnh di tích Tam Tân hướng mặt về phía biển.

Bên dưới mái cong vút như dáng một ngôi chùa, người ta đọc thấy những dòng chữ giản dị khắc trên nền đá đen sẫm ghi lại một quá khứ hào hùng của di tích: "Nơi đây, cuối năm 1930 - chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Hàm Tân ra đời, gồm các đồng chí: Lê Thanh Lư, Lê Chạy, Hồ Vũ, Cao Có, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Gia Bát; đồng chí Ngô Đức Tốn làm bí thư.

< Đường mòn dẫn quanh đồi cát len lỏi qua vườn thông và những khóm xương rồng là lối đi trong căn cứ bí mật của những nhà hoạt động cách mạng năm xưa.

Từ tổ chức quần chúng cách mạng "Phản đế đồng minh hội", những người yêu nước ở Tam Tân hưởng ứng cao trào cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đã hun đúc ý chí đấu tranh, góp phần vào công cuộc chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, tô thắm trang sử truyền thống cách mạng địa phương".

< Bia đá ghi lại lịch sử hào hùng của di tích Tam Tân.

Đứng trên đỉnh di tích nơi có bia đá kể về dấu tích hoạt động của những người cộng sản làng Tam Tân ngày ấy, giữa nét đẹp thiên nhiên bừng sáng trong ánh hoàng hôn chợt nhiên bật lên những con đường mòn uốn lượn vòng quanh lưng đồi mà nay đã được phục dựng xây phẳng phiu bằng ximăng. Người dân địa phương bảo rằng những con đường mòn ấy xưa kia luồn giữa rừng xanh bao phủ ngọn đồi, che chở cho hoạt động cách mạng của chi bộ Đảng đầu tiên tại huyện Hàm Tân.

Đồi cát hiền hòa vẫn an nhiên tĩnh tại ôm trong lòng những câu chuyện chưa ai kể hết về một miền quá khứ mà vẫn cứ xanh ngời lên những ngọn thông non tơ, những bụi xương rồng kiên cường bám trên vùng đất cát.

< Nhìn từ đỉnh di tích, núi và biển dần khuất trong hoàng hôn.

Và rồi bước ra khỏi thời quá vãng trở về với thực tại, từ tầm cao khoáng đạt trên đỉnh di tích ấy, khách đường xa thỏa chí trải tầm mắt ra quang cảnh phủ rộng quanh chân đồi. Này đây những cánh vườn dừa chao đưa với gió lồng lộng miền biển chếch mé phải của đỉnh di tích.

< Đường mòn dẫn lên một trạm liên lạc khác trên đỉnh đồi.

Nhìn về mé trái là lớp lớp núi mờ xa viền theo bờ biển dập dờn sóng xanh trong. Phong cảnh sơn thủy hữu tình vẽ ra tuyệt đẹp trước mắt làm tôi hốt nhiên nhớ đến một câu thơ chữ Hán đời nhà Đường: "Muốn nhìn xa nghìn dặm - Lên nữa một tầng lầu".

< Di tích cách mạng thứ hai ở lưng chừng đồi và đường mòn dẫn vào cứ điểm.

Ở lưng chừng dốc đi xuống tôi chợt khám phá thêm một di tích khác ở cùng trên một ngọn đồi mà khi leo lên, có lẽ do dốc quá đứng đến nỗi mê mải leo mà chưa kịp nhìn xung quanh. Đó là "Di tích lịch sử cách mạng Dốc Ông Bằng" theo tấm biển xanh treo ở ngang con dốc. Ở cuối con đường mòn lát đá cắt ngang đoạn lưng chừng dốc khuất lấp sau nhiều bụi gai xương rồng lẫn cây rừng là một mái ngói thấp thoáng, chừng như là một nhà lưu niệm ghi dấu nơi hoạt động cách mạng năm xưa.

Chiều đã quá muộn để tìm người của ban quản lý khu di tích hỏi về khu di tích thứ hai này, tôi đành mang theo về phố thị câu hỏi tò mò về mái nhà thấp thoáng cuối đường mòn ấy, hẹn ngày trở lại sẽ lần giở sử xanh.

- Theo Khánh Ngọc (Dulich Tuoitre)