Một ngày ở bản Hốc
Bản làng từ lâu được du khách yêu thích khám phá cung đường Tây Yên Bái chọn làm trạm dừng chân đầu tiên, nạp nguồn năng lượng mạnh mẽ cho những cung đường gay go kế tiếp.
< Một góc bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, là một không gian bình yên với tiếng suối chảy róc rách, những ngôi nhà sàn mái lá cùng các thiếu nữ Thái má ửng hồng trong trang phục truyền thống đầy màu sắc.
< Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn mái lá mộc mạc, thấp thoáng đâu đó là vài căn nhà màu sơn tươi mới.
Tôi vào bản Hốc đúng vào ngày trời nắng đẹp. Cái nắng thu vàng rực nhưng không hề chói chang. Một không khí trong lành, một cảm giác bình yên đến khác lạ trên con đường đất dẫn vào bản. Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn mái lá mộc mạc, thấp thoáng đâu đó là vài căn nhà màu sơn tươi mới như nét chấm phá tô điểm thêm cho mảng màu trầm.
< Du khách đến thăm bản Hốc sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Thái.
Dưới vườn nhãn xanh tốt, ruộng ngô mơn mởn đang độ xuân thì là tiếng cười đùa vui vẻ của các thiếu nữ Thái má ửng hồng trong trang phục truyền thống đầy màu sắc. Các thiếu nữ Thái tay cuốc, vai gùi… khiến tôi như bị mê hoặc, đắm say bởi vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên như chính mảnh đất này.
< Góc bếp của người Thái luôn là nơi sum họp vui vẻ và ấm cúng nhất trong nhà.
Góc bếp của người Thái luôn là nơi sum họp vui vẻ và ấm cúng nhất trong nhà. Tôi vào bếp để xem các thiếu nữ Thái chuẩn bị cơm tiếp khách của gia đình. Món xôi màu được ngâm bằng cây thuốc tím, món Pá Pỉnh Tộp nướng ướp hạt tiêu rừng, quyện mùi thơm của cơm lam, của rêu suối nướng cùng bát canh rau rừng mát lạnh… khiến tôi có cảm giác không chờ đợi được nữa mà chỉ muốn nhón thử ngay lập tức.
< Phụ nữ Thái trong trang phục truyền thống đón khách từ chân cầu thang.
“Sợ” nhất nhưng cũng vui nhất là lúc dùng cơm cùng gia đình. Mỗi lần tôi nâng chén lên lại được nghe một câu hát hay một câu ví von nào đó khiến mình không thể từ chối được. Vậy là cuộc vui cứ kéo dài mãi…
< Chủ và khách cùng thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái.
Khi đã có tí men say, các thiếu nữ Thái kéo tôi vào những điệu dân vũ nồng say (đó là nét đặc sắc của văn hóa Thái) như múa xòe, múa sạp, múa nón… quanh đống lửa trại bập bùng mà rạo rực lòng người. Ở bản Hốc, các hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức khá thường xuyên. Bên cạnh khu đốt lửa trại là suối khoáng nóng tự nhiên.
< Các cô gái Thái đắm mình dưới dòng khoáng nóng.
Tôi ngắm nhìn các thiếu nữ Thái với làn da trắng mịn đang đắm mình dưới làn nước nóng, rồi xuống tắm cùng, trò chuyện thoải mái. Ở đây có một phong tục đặc biệt là trò chuyện, tâm sự bao lâu cũng được nhưng cấm sờ vào người những thiếu nữ đó. Có không ít du khách đã ra tắm suối khoáng nóng vào ban đêm. Tắm suối nóng lúc này thật thú vị khi nó làm cho khách tỉnh cơn say, một cảm giác như đang thư giãn, chữa bệnh… sau những căng thẳng, mệt mỏi, lo toan bộn bề.
< Chọn mua cho mình một món quà kỷ niệm.
Tôi đã ghé thăm gia đình anh Vi Quang Thuật, một trong 4 hộ được gắn biển du lịch trong bản. Chọn thăm gia đình anh bởi trước đó, vào năm 2008, với tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh Thuật là người đầu tiên trong bản làm du lịch cộng đồng. Anh đã đưa không biết bao nhiêu đoàn khách tới đây đi thăm các điểm du lịch trong bản, thậm chí cả những điểm du lịch nổi tiếng trong huyện như Cánh đồng Mường Lò, Suối Giàng…
< Gian hàng bán đồ thổ cẩm.
“Tôi tự tin về dịch vụ du lịch của gia đình và tôi cũng tin rằng, cảnh sắc thiên nhiên ban tặng cho Bản Hốc rất đẹp, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong cũng như ngoài nước”, anh Thuật chia sẻ. Khách du lịch đến nhà anh nghỉ chân ai cũng đều mong muốn quay lại. Anh chia sẻ thêm, du lịch cộng đồng cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng, thôn bản chứ không thể riêng lẻ vài hộ. Có như vậy nó mới thật sự bền vững, chuyên nghiệp.
< Du khách thích thú chiêm ngưỡng những món quà lưu niệm độc đáo.
Hiện cả bản mới có 4 gia đình được treo biển làm du lịch. Theo chủ trương của huyện, tháng 10 này sẽ hoàn thành treo biển hơn 20 gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng. Đối với các hộ gia đình này, huyện tổ chức cho đi tham quan các mô hình làm du lịch cộng đồng phát triển tốt như: bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình), bản Ten (thành phố Điện Biên)…, trên cơ sở đó, huyện lấy ý kiến, ý tưởng của người dân tham quan các mô hình du lịch cộng đồng nhằm áp dụng vào thực tế địa phương.
< Du khách và người dân cùng đắm say trong điệu múa xòe.
Mới đây, điểm du lịch bản Hốc đã được ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn tiến hành khảo sát, xây dựng thành Khu bảo tồn văn hoá người Thái Đen ở Tây Bắc.
Những điểm nhấn như: nhà sàn cổ, phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, y học cổ truyền, nghề truyền thống và suối khoáng nóng… đều được chú ý khôi phục, bảo tồn.
Du lịch Bản Hốc
- Theo Thảo Vy - Trịnh Văn Bộ (SGTT)
0 nhận xét: