Muôn dặm đường xe đạp
Xe đạp bụi, từ những hành trình chia sẻ...
Một bộ phận nhỏ “dân đi” với những hành trình cụ thể, có sự chuẩn bị, tập luyện về thể lực, kinh nghiệm và sinh hoạt theo hội nhóm đã có nhiều khám phá và trải nghiệm lý thú với xe đạp.
Chuyến “Vượt núi Tây Côn Lĩnh I (Hà Giang)” của nhóm Rosy và các bạn, một trong những chuyến đi đầu tiên bằng xe đạp nổi đình đám trên các trang mạng xã hội năm 2008, đã truyền lửa cho rất nhiều “xe đạp thủ” sau này. Qua thời gian, các chuyến chinh phục bằng xe đạp trở nên chuyên nghiệp với sự chuẩn bị các trang thiết bị phù hợp và rèn luyện kỹ lưỡng về thể lực, lịch trình cũng hấp dẫn và khó khăn hơn như chạy dọc sông Hồng, Tây Yên Tử, chinh phục Ý Tý (Lào Cai), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Mới đây nhất, tháng 11-2012, con đường đá huyền thoại trên dãy Nhĩ Cù San (Lào Cai) đã được một nhóm xe đạp chinh phục thành công.
Ở miền Trung, miền Nam, “dân đi” cũng có nhiều chuyến lên rừng, xuống biển, đổ đèo, xuyên Việt, chinh phục Vũng Tàu, Cần Giờ, Củ Chi, Đà Lạt, Cà Mau, rừng quốc gia Nam Cát Tiên, Nhơn Trạch bằng xe đạp... Và không chỉ bằng lòng với những hành trình trong nước, các “xe đạp thủ” còn mang đam mê của mình vượt ra ngoài biên giới.
“Độc giả” của Phuot.vn vẫn còn nhớ chuyến “Một mình đạp xe xuyên Đông Dương” của thành viên Lonely_Rebel hay chủ đề “Miến Điện by độp” (xe đạp) của nickname BM với những trải nghiệm đặc biệt chỉ có “khi bạn ngồi trên yên xe đạp”.
Ở một diễn đàn khác: có thể nói emong.org (còn được gọi vui là êMông) là nhóm xe đạp du lịch ra đời sớm nhất tại VN. Từ năm 2008 đến nay, số lượng người đi du lịch bằng xe đạp với êMông ngày càng tăng, nhiều chuyến có đến 30-40 thành viên tham gia.
Nhóm có quy định rất khắt khe về an toàn như phải có mũ bảo hiểm, mua bảo hiểm du lịch cho mỗi chuyến đi...
Không chỉ đi du lịch, nhóm thường mang theo quà, nhu yếu phẩm hoặc tài trợ học bổng cho các em nhỏ những vùng khó khăn. Hiện hằng tháng, thậm chí hằng tuần, đều có những chuyến đi khám phá các vùng miền khắp đất nước.
Những tuyến du lịch xe đạp thuận tiện
Hiện nhiều “xe đạp thủ” Hà Nội đã quen thuộc với các chuyến đi thường xuyên mỗi tối vòng quanh TP, nhất là vào cuối tuần. Hẹn hò thành một nhóm, mỗi buổi gặp gỡ là một cung đường mới, dù chỉ từ phố sang phố, vừa đi vừa cảm nhận vẻ đẹp phố phường khi TP lên đèn, tranh thủ chụp vài kiểu ảnh, tụ tập nơi quán nhỏ làm chén trà và buôn chuyện. Vừa ngao du giải stress sau một ngày làm việc căng thẳng vừa rèn luyện thể lực cho các chuyến đi dài sau này.
Nếu ngại ngần chen chúc giữa các dòng xe cộ ở những TP lớn và có nhiều thời gian hơn, chỉ cần ra ngoại ô, một không gian lồng lộng đang chờ đón bạn. Thực tế có vô số tuyến đường đẹp để đạp xe một cách thư thái, thưởng ngoạn phong cảnh thật trọn vẹn chưa được du khách Việt chú ý. Từ những miền nông thôn đồng bằng Ninh Bình, Thái Bình êm đềm đến những triền đồi trung du mạn Phú Thọ, Thái Nguyên; ven các con sông Đà, sông Mã, sông Hồng, sông Lô... nổi tiếng đến các tuyến dọc bờ biển miền Nam Trung bộ, bát ngát đất đỏ Tây nguyên hoặc dập dìu nơi miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long.
Những cung đường liên tuyến xuyên quốc gia từ VN sang Campuchia sau đó có thể chọn đi Lào hoặc Thái Lan giờ cũng không còn là giả thiết nữa. Khâu giấy tờ thủ tục mang xe qua biên giới đã thuận lợi hơn nhiều, đường sá được hiển thị rõ ràng trên bản đồ và được cập nhật thường xuyên nên ngày càng có nhiều vòng xe nối các điểm du lịch nổi tiếng bán đảo Đông Dương.
Để du lịch xe đạp trở nên đại chúng
Nhiều người tìm đến hình thức du lịch bằng xe đạp không chỉ vì những lý do rõ mồn một như tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, khám phá thiên nhiên, văn hóa các điểm đến ở góc độ thật gần... mà còn bởi những mục đích thú vị khác như... giảm ngáy hay có cơ bụng hấp dẫn. Và du lịch xe đạp không hẳn lúc nào cũng... ê mông. Nếu được trang bị tốt, sử dụng quần áo, túi hành lý chuyên dụng và xe đạp loại tốt thì địa hình dù có khó mấy cũng giảm bớt nhọc nhằn.
Mỗi ngày chỉ cần đạp xe hai giờ, chuyến du lịch của bạn sẽ hưng phấn thêm nhiều bởi lượng calo được tiêu thụ khá, ăn uống ngon miệng, giấc ngủ sâu. Với người thường xuyên du lịch trên yên xe đạp và thử sức ở những cung đường núi và du lịch xuyên Việt sẽ có trải nghiệm phong phú hơn.
Thực tế không ít địa phương đã phối hợp với ngành du lịch đi khảo sát tuyến điểm trong vùng, nhưng kết quả quy hoạch ra sao hiện vẫn chưa phổ biến ngoài những dịch vụ ít ỏi cho thuê xe đạp, những tour xe đạp ngắn dành cho du khách nước ngoài. Những người có nhu cầu thật sự thường phải tự tìm kiếm thông tin, tự vạch ra cung đường cho mình. Các nhóm bạn trẻ cũng tự tập hợp những người cùng sở thích, cử người khảo sát tiền trạm và tổ chức chuyến đi.
Nhìn ở góc độ khác, phần đường dành riêng cho xe đạp tại VN vốn đã hiếm, lại thường xuyên bị lấn và hệ thống biển báo cho người đi xe đạp gần như không có là một bất lợi lớn. Cộng đồng người yêu thích du lịch tại VN, đặc biệt những người muốn du lịch bằng xe đạp, đang rất thiếu các tài liệu chi tiết quy hoạch những tuyến điểm, cung đường có thể đi xe đạp, bản đồ được cập nhật thường xuyên, những ấn phẩm, trang mạng chính thức cung cấp thông tin dịch vụ tại tuyến điểm.
Muôn dặm đường xe đạp, vì thế nếu được thu gọn trong tập bản đồ, ở vài cuốn sách và trang chỉ dẫn online thì lượng người tham gia hình thức du lịch bổ ích này sẽ tăng thêm, người đi du lịch cũng thêm lạc quan yêu đời và ngành du lịch thêm doanh thu.
- Theo TTO và nhiều nguồn ảnh khác.
0 nhận xét: