Sắc màu Tây Giang, Quảng Nam
< Bản làng ở Tây Giang.
Cách Đà Nẵng 120 km về phía Tây, trên những đỉnh núi cao của dãy Trường sơn hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 18°, Tây Giang hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của những ai yêu thích du lịch-dã ngoại.
Được so sánh như một Đà Lạt thứ hai, khung cảnh của huyện miền núi có 8/10 xã biên giới này còn nguyên sơ những tinh túy của núi rừng.
Trong không khí trong lành du khách có thể nghe được những tiếng chim hót, những âm thanh róc rách từ các con suối chảy hai bên đường và những đóa hoa rừng đủ màu sắc đua nhau nở rộ, chào mời du khách đến với một vùng đất hứa của tỉnh Quảng Nam.
< Thiếu nữ Cơ-tu nhịp nhàng trong điệu tung tung-dza dzá trong lễ hội đâm trâu. Đôi tay xòe rộng đưa ngang đầu như khẩn cầu thần linh và tiếp nhận ân huệ từ Giàng.
Vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng trên “Cổng Trời” AZứt du khách có thể thu gọn trong tầm mắt cả một vùng không gian rộng lớn như trung tâm hành chính huyện, các dãy núi xanh ngắt trùng điệp chạy ngút tầm mắt, các thôn, Gươl của đồng bào C’tu thấp thoáng, ẩn hiện dưới những tán rừng già.Trong quá trình xây dựng và phát triển, Tây Giang là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc mỹ.
Ngay từ đầu kháng chiến, nơi đây đã là nơi trú ẩn an toàn cho cách mạng và là khu căn cứ vững chắc cho đến ngày thắng lợi. Tiếp nối truyền thống đó, huyện Tây Giang nổi lên là tấm gương sáng của tỉnh Quảng Nam trong việc xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân từng bước đi vào ổn định góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng biên.
< Làng Aching (Tây Giang).
Đến với Tây Giang bằng “con đường” du lịch, qua 120 km từ Đà Nẵng, Tây Giang hiện lên với một không gian xanh của rừng núi, đi trên con đường về huyện du khách như được leo lên triền núi, sườn đồi, men theo các con suối nước chảy trắng xóa. Càng đi càng có cảm giác như đi vào vô tận.
Những hôm sáng sớm mây mù trắng xóa phủ lên các rặng cây, đỉnh núi, tạo cho du khách cảm giác bồng bềnh mà khó có nơi nào có được.
Lên Tây Giang, vào các thôn, Gươl của đồng bào C’tu, du khách có cơ hội được tham gia lửa trại của đồng bào, ấm long bởi sự hiếu khách, mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây. Rồi du khách lại chếnh choáng hơi men rượu bakich, tr’đin hoặc rượu cần, rượu sắn. Tất cả hòa quyện tạo thành một bản sắc riêng của đất, của trời, của con người nơi đại ngàn Trường sơn hùng vĩ. Ở Tây Giang, du khách không những được nghe âm thanh cồng chiêng, uống rượu cần bên bếp lửa mà còn được xem những ngôi nhà mồ, những khu làng mới được tái định cư theo mô típ làng truyền thống.
Trong cách nghĩ của người C’tu có hai thứ cần làm cho đồ sộ, cho đẹp, hoàn mỹ, đó là Gươl và nhà Mồ. Nếu như Gươl đẹp thể hiện được cái hồn của những người sống trong làng, thể hiện được sức mạnh của cộng đồng thì một nhà Mồ đẹp, thể hiện được sự thỏa mãn và bất diệt của người đã chết. Không phải ai cũng đủ điều kiện để xây dựng nhà Mồ theo đúng quy cách. Chỉ có những ai thuộc gia đình giàu có uy tín mới được cộng đồng làng ủng hộ làm nhà Mồ. Vì vậy, những người C’tu cao tuổi vẫn thầm ước mơ khi chết đi được xây dựng một nhà Mồ cho chính mình một cách đẹp nhất.
Nếu được xây nhà Mồ, có người còn mong chết sớm để được “hưởng”, được chôn cất trong nhà mồ đó. Người C’tu nơi đây sau mỗi mùa thu hoạch lúa mới lại quay quần với nhau tổ chức ăn mừng trong Gươl. Người ta gọi đó là mừng lúa mới.
Các điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ dân tộc trong những bộ trang phục truyền thống trong các lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới đã mê hoặc các du khách gần xa.
Tại đây, khu bảo tồn Sao La mới được thành lập nhằm bảo vệ một loại thú quý hiếm nhất trên thế giới chỉ còn tồn tại ở Việt Nam. Khu Bảo tồn Sao La, những khu rừng nguyên sinh hay văn hóa truyền thống của dân tộc C’tu tại đây cùng với chi phí thấp đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của Quảng Nam.
Tây Giang là một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Phía tây giáp Lào, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía đông giáp huyện Đông Giang, phía nam giáp huyện Nam Giang cùng tỉnh. Tây Giang có tổng diện tích tự nhiên là 901,2 km², được thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 2003 trên cơ sở tách huyện Hiên tỉnh Quảng Nam thành huyện Đông Giang và Tây Giang theo quyết định số 72/2003/NĐ-CP của thủ tướng chính phủ.
- Theo Nguyễn Văn Thảo (Taygiang.gov), ảnh internet
0 nhận xét: