Tắm suối mùa mưa

Cùng với vẻ đẹp kỳ bí của núi non hùng vĩ, du khách đến vùng Thất Sơn mùa này còn thích thú với những con suối trong vắt, nước chảy róc rách suốt ngày đêm.

Chỉ cần mang theo vài bộ đồ, khăn tắm cùng với cây gậy tre là du khách có thể tự mình khám phá núi non, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh, thả hồn theo tiếng chim ca, tiếng nước chảy, cứ ngỡ như mình lạc vào chốn tiên bồng…

Tôi đến Khu du lịch (KDL) Soài So – Suối Vàng (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) vào thứ năm, tuy chưa phải là cuối tuần hay ngày lễ nhưng vẫn có gần chục chiếc xe khách, loại từ 30 – 45 chỗ, xếp thành hàng dài bên cạnh hồ Soài So.

Từng đoàn du khách đang kiểm tra lại hành lý, nhanh chóng xếp gọn vài bộ đồ, chai nước suối cùng ít bánh ngọt vào túi xách rồi chuẩn bị cho cuộc hành trình khám phá suối Vàng. Vài người trong đoàn có lẽ đã đến đây nhiều lần nên yêu cầu các thành viên còn lại không mang theo hàng hóa cồng kềnh, chỉ đem những gì cần thiết cho sinh hoạt đêm và tắm suối.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, đến từ quận Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi đến Soài So được 2 lần, thấy thích nơi này lắm. Nhân dịp nghỉ phép nên tôi rủ thêm gia đình, bà con xuống đây chơi. Nhiều người cứ lo trên núi lạnh nên đòi mang theo mùng, mền, áo len, thức ăn khô… nhưng tôi nói với họ trên núi có nhà nghỉ với đầy đủ trang thiết bị, có quán ăn, giải khát với giá bình dân thì họ mới yên tâm. Khám phá Soài So – suối Vàng thì chỉ mang theo hành trang gọn nhẹ mới thú vị”.

Thời điểm này, công tác cải tạo hồ Soài So đã cơ bản hoàn tất nhưng bên trong hồ vẫn chưa có nhiều nước. Du khách đến đây chủ yếu là trèo lên núi Tô để viếng chùa, tham quan suối Vàng, suối Bạc cùng nhiều địa điểm thú vị khác như: Mũi Tàu, Mũi Hải, vồ Hội lớn, vồ Hội nhỏ, suối Cây Giông, Pháo đài, Bàn chân tiên...

Để phục vụ cho du lịch và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, người dân nơi đây đã hùn tiền, góp công cùng nhau làm đường bê tông lên núi. Do vậy, du khách có thể chọn giải pháp đi bộ hoặc thuê xe ôm của dân địa phương với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/lượt để tham quan các địa điểm trên núi. Do thời điểm này mưa liên tục, nước suối khá lạnh nên đa số du khách đều đi tham quan buổi sáng, tắm suối vào buổi trưa, chiều thì đi viếng chùa. Nếu có điều kiện thì nghỉ đêm luôn trên núi, thưởng thức các món ăn ngon với giá khá “mềm” do người dân mang từ dưới núi lên chế biến…

Cũng nằm trên địa phận xã Núi Tô, cách KDL Soài So – Suối Vàng khoảng 3km là hồ Tà Pạ cũng thu hút nhiều khách tham quan. Vị trí hồ nằm giữa đỉnh đồi Tà Pạ, nước hồ luôn đong đầy bởi nhiều con suối nhỏ đổ xuống suốt ngày đêm. Nhiều du khách ngồi quay quần trên tấm bạt bên bờ hồ, bày bếp than, thịt nướng, trái cây, bia, rượu… để cùng nhau thưởng thức. Ai thích thì xuống hồ tắm bởi mặt nước trong xanh nhìn thấu những phiến đá dưới đáy hồ.

Từ giữa trưa cho đến khoảng 3 – 4 giờ chiều là thời điểm thu hút nhiều du khách và người dân địa phương đến tắm hồ nhất. Sau thời gian này, hồ Tà Pạ trở nên vắng lặng bởi trên đây không có dịch vụ nhà trọ, quán ăn, giải trí như nơi khác. Hơn nữa, đồi Tà Pạ chỉ cách thị trấn Tri Tôn chưa đầy một cây số, đường lên xuống thuận tiện nên du khách có thể ghé thị trấn Tri Tôn nghỉ ngơi.

Cùng với núi Cô Tô, ở núi Dài, núi Cấm cũng có nhiều con suối tự nhiên rất đẹp, cùng với hệ thống chùa chiền uy nghiêm trên núi thu hút nhiều du khách yêu thích khám phá thiên nhiên và khách hành hương. Thời điểm này, tuy con đường lên núi Cấm chưa cho phép thông xe nhưng mỗi ngày vẫn có rất đông du khách đến đây khám phá núi Cấm bằng đường bộ. Một trong những địa điểm được khách ưa chuộng là suối Thanh Long.

Từ Lâm viên núi Cấm, du khách men theo lối mòn nhỏ khoảng 20 phút là đến con suối này. Suối Thanh Long chứa nguồn nước khoáng tự nhiên, gần như chảy quanh năm từ lòng núi Cấm. Tuy nhiên, nhiều cơn mưa lớn trong thời gian qua đã biến con suối thành thác nước khổng lồ. Nước tuôn ầm ầm từ các ghềnh đá ở những đoạn dốc cao. Tuy vậy, vẫn có vài đoạn ít dốc, nước lắng lại thành những chiếc hồ nhỏ giữa lưng chừng núi, cho phép du khách thỏa sức tắm mát.

Những ai quên mang theo quần áo, khăn tắm cũng có thể yên tâm bởi các hàng quán ven đường lên núi đã có sẵn. Một bộ đồ tắm với chiếc khăn giá cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Sau khi tắm mát, khách có thể nán lại các hàng quán để thưởng thức món bánh xèo rau rừng đặc thù của núi Cấm. Giá thức ăn, nước uống trên đây cũng khá bình dân dù phải thuê gánh vất vả từ dưới chân núi lên.

Sau khi tắm suối Thanh Long, không ít du khách vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh núi Cấm để khám phá vồ Thiên Tuế, vồ Bạch Tượng, vồ Bồ Hong, ghé thăm hồ Thủy Liêm, chùa Vạn Linh, viếng chùa Phật Lớn, chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc cao đến 33,6m, ngồi sừng sững, uy nghi trên đỉnh Thiên Cấm Sơn...

- Theo Ngô Chuẩn (Nguồn Báo An Giang), internet