Thiên đường mây ngàn Mồ Sì San

Ven trời Tây Bắc có một địa danh nghe tên là lạ: Mồ Sì San.

Mồ Sì San là một xã thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Mồ Sì San có diện tích 23.42 km², dân số năm 1999 là 1685 người với mật độ đạt 72 người/km².

Đến đây mỗi dịp cuối năm du khách sẽ được hòa mình vào những bữa tiệc, kéo dài đến cả tháng trời và bữa tiệc đó còn kể cho du khách nghe những câu chuyện văn hóa của đồng bào Dao đỏ từ bao đời…

Bạn là người thích khám phá, bước chân của bạn đã in dấu trên nhiều vùng đất lạ, nhưng khi đến với Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chìm trong  những bữa tiệc cùng tình cảm mộc mạc của đồng bào Dao đỏ nơi đây, hẳn chuyến đi này sẽ để lại cho bạn thật nhiều tình cảm, đến mức khó có thể so sánh với những miền hoang sơ khác mà bạn đã đi qua.

Con đường qua Ma Ly Pho trùng điệp miên man theo mây, khiến cho những ai đến được với Mồ Sì San có cảm giác trải qua một cuộc chinh phục với những thử thách thú vị.

Trên con đường đó bạn đừng quên dừng chân ở bản Lả Nhì Thành, thưởng thức rượu ngô đặc sản. Không gian mây núi ôm ấp, cùng thiên nhiên hoang dại đã làm say lòng thực khách theo từng bước chân.

Khi đặt chân đến Mồ Sì San, bạn sẽ được chứng kiến chủ nhà tự tay chế biến những món ăn độc đáo. Thịt lợn thả rừng, ướp với muối hạt và mắc khén rồi treo gác bếp. Ngày đông giá lạnh, từng xâu thịt được hạ xuống, hấp hay nướng tùy theo khẩu vị của khách.

Đến Mồ Sì San vào mùa xuân, ta như lạc vào câu chuyện tình cổ tích trong mây của các chàng trai cô gái xuân thì của đồng bào Dao đỏ.

Bát rượu phạt của người già trong bản dành cho chàng trai đi kéo vợ như cuộc thử thách vào đầu xuân năm mới, khi đầu núi bắt đầu vang vọng tiếng yêu thương của người con gái vào độ xuân thì. Tục kéo vợ ở Mồ Sì San có từ khi người Dao đỏ biết thêu khăn, dệt áo để làm đẹp cho mình. Và giờ vẫn thấm đẫm một phong tục diệu kỳ như sức hút lòng người phương xa vào mỗi độ xuân tràn trên nẻo đường Tây Bắc.

Tục kéo vợ có thể làm cho người phương xa thấy là lạ, song đối với những người ưa khám phá lại sẽ là những trải nghiệm đầy thú vị. Kéo vợ cũng không phải cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình, mà thực tế đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau rất cặn kẽ và đã ưng nhau.

Tục kéo vợ thường diễn ra vào mùa xuân, khi trời đất giao hòa, cỏ cây lộc biếc. Có thể bạn đã đến Mồ Sì San vào một ngày đẹp trời nào đó, nhưng nếu bạn chưa từng tới đó vào mùa kéo vợ của đồng bào Dao đỏ thì quả là chưa trả hết nợ tang bồng. Trên dải đất hình chữ S, biết bao nhiêu phong tục lạ, song tục kéo vợ ở Mồ Sì San vào mùa xuân như kể với mọi người về một câu chuyện tình đầy chung thủy song không kém ngang trái.

Mùa xuân ở Mồ Sì San là mùa yêu, mùa cuộn mây như vờn với núi để chàng trai dang đôi tay khỏe kéo lấy người mình thương về làm vợ. Khung cảnh ấy cứ diễn ra trong mỗi mùa xuân ở mây trời Tây Bắc, mà người tìm đến gọi đó là mùa yêu thương. Các chàng trai cô gái cứ miệt mài trên đầu núi, đưa những ánh mắt lời ca rồi bất chợt lạc khuất vào ngọn núi, tan trong mây. Theo phong tục của người Dao đỏ ở Mồ Sì San, kéo vợ đã có từ nghìn đời qua, nay vẫn như hoa trên núi, đến mùa là bung nở. Kéo vợ không phải ai cũng kéo được mà phải là những đôi trai gái “tình trong như đã…” thì lúc ấy chỉ là để thêm ưng cái bụng của nhau mà thôi.

Ở thiên đường mây ngàn Mồ Sì San, nhà nào cũng có những xâu thịt treo hóng khói củi, dậy thơm. Vốn từng ngao du sơn thủy, nhưng với chúng tôi không mâm yến tiệc nào độc đáo hơn thế.

Bữa ăn làm cho du khách lần đầu đặt chân đến bản như quên đi cái lạnh lẽo, ấm áp hơn khi xung quanh là những sắc đỏ thổ cẩm, giọng nói tiếng cười ríu rít của bản, của núi rừng… Với tôi đó cũng là cái cớ để tìm đến Mồ Sì San mỗi khi mùa đông tràn về vương trên cành hoa dại đầu núi.

- Tổng hợp từ ANTĐ, ảnh internet